Họ chưa phải là những “con nghiện” của các trò chơi trực tuyến. Họ đã từng đứng giữa lằn ranh mong manh giữa chơi và nghiện nhưng bằng bản lĩnh của mình, họ đã dứt ra khỏi thứ “ma túy” chết người ấy bằng những hoạt động xã hội đáng trân trọng.
Chuyện kể từ những game thủ “hoàn lương”…
Tham gia các hoạt động tình nguyện tại cộng đồng cũng là một cách để nhiều game thủ “cai nghiện”. |
Game online có một sức hấp dẫn đến kỳ lạ, khi tham gia các trò chơi Tuấn và các bạn của mình không chỉ phiêu bạt giang hồ, giao đấu nảy lửa với đối thủ mà còn cùng nhau bàn luận sôi nổi về chiến thuật của trận đấu; lướt web; chát với bạn bè; trở thành “thương gia” với những phi vụ buôn bán đồ ảo. Tuấn kể, cậu đã từng bỏ ra gần 1 triệu đồng để mua chiếc áo giáp cho nhân vật của mình. “Đồ ảo nhưng mua bằng tiền thật và trao tay trực tiếp đó chị”. Tuấn bảo, bây giờ dân game sành điệu không còn vạ vật ở những quán nét mà họ tự đầu tư cho mình những trang thiết bị cần thiết tại gia đình để thỏa mãn niềm đam mê máu lửa này, và chỉ quan tâm đến việc đầu tư cho nhân vật của mình sao cho hành tráng thôi.
Game gây nghiện còn bởi nó là thế giới thực được thu nhỏ, ở đó mọi người có thể hóa thân vào bất cứ mẫu hình nào mà mình ưa thích. Bạn Nguyễn Công Tuấn, học viên tại Trung tâm Phát triển phần mềm (thuộc ĐH Đà Nẵng) mê game không chỉ bởi các trận giao đấu mà trong thế giới game Tuấn là bà mối “mát tay” cho các cặp uyên ương ảo. Trong trò chơi đó, Tuấn có cả một “văn phòng” chuyên tổ chức đám cưới. Ngoài ra, Tuấn cũng là chuyên gia môi giới trong việc mua bán đồ. Tuấn bảo, “văn phòng tổ chức đám cưới” của cậu hoạt động hiệu quả đến mức đã từng được Vngame khen thưởng. Hàng trăm vụ mua bán đồ cũng được cậu thực hiện thành công. “Mấy năm nay em chưa thấy, chứ năm 2007, ở Đà Nẵng mình nổi lên vụ một game thủ bỏ ra 230 triệu đồng để mua một chiếc nhẫn cho nhân vật của mình. Ở Hà Nội đã từng có game thủ chịu chơi chi 1 tỷ đồng để mua accoun (tài khoản) nhân vật đó”, Tuấn cho biết.
Tham gia hoạt động xã hội để tự “cai” game
Dù sẵn sàng nhịn ăn sáng để sắm đồ cho nhân vật, mua card để chơi game, mất ăn mất ngủ vì “lo” chuẩn bị đám cưới cho khách hàng, nhưng cả Ngọc Tuấn và Công Tuấn đều tự tin khẳng định mình không nghiện game. Khi được hỏi bí quyết, Ngọc Tuấn vui vẻ bảo, phải làm cho mình trở nên bận rộn với các hoạt động xã hội để không dành quá nhiều thời gian cho game. Tuấn nói: “Ngày trước khi chưa tham gia vào hoạt động tình nguyện hè như tiếp sức mùa thi, mùa hè xanh… ngày nào em cũng phải giao đấu vài trận trên online mới thoải mái được. Ngay cả bây giờ game vẫn là trò giải trí mà em yêu thích nhất, nhưng cũng tự nhận thấy nó không đem lại ích lợi gì cả. Tham gia hoạt động xã hội còn giúp được nhiều người, làm cho mình nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, còn lao vào game có ngày sẽ trở thành người ngoài hành tinh mất”.
Nhìn Công Tuấn mắt sáng rực, say sưa kể về những “đám cưới” mà mình đã tổ chức mới biết cậu còn mê game lắm. Nhưng những ngày hè vừa qua, Công Tuấn là tình nguyện viên tích cực không ngại khó khi sẵn sàng đi đến những vùng sâu, vùng xa - nơi mà mức độ phủ sóng của các trò chơi trực tuyến còn chưa nhiều. Khi được hỏi, đi tình nguyện thế này có nhớ game không, Tuấn cười bảo: “Mấy ngày đầu tự cai cũng nhớ lắm. Phải giảm từ từ. Bây giờ một ngày chỉ vào 3 tiếng là đã thấy đủ rồi”.
Với những game thủ mấp mé giữa bờ vực chơi và nghiện thì việc bản thân tự ý thức để tự cứu lấy mình là quan trọng nhất. Họ vẫn khẳng định rằng, không thể dứt hẳn game mà chỉ tự mình hạn chế chơi mà thôi.
Khó kiểm soát
Các điểm kinh doanh Internet và trò chơi trực tuyến đang xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của Sở Thông tin-truyền thông Đà Nẵng, hiện nay toàn thành phố có trên 900 điểm cung cấp dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến đang hoạt động. Trong đó tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm Hải Châu (205 điểm); Thanh Khê (205 điểm), Liên Chiểu (284 điểm), Sơn Trà (123 điểm)… Hiện có khoảng 80 trò chơi trực tuyến được các cơ quan Trung ương cấp phép và hầu hết các trò chơi được nhiều người tham gia thuộc loại kích động mạnh (nặng tính bạo lực, cờ bạc).
Các điểm kinh doanh này chủ yếu tập trung gần khu vực trường học. Trong đó chỉ có 37 điểm đạt yêu cầu quy định (nằm cách trường học dưới 200m). Cá biệt có những trường hợp như Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê) có đến 7 quán Internet đóng xung quanh. Theo ông Trần Ngọc Thạch, Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông, Sở Thông tin-Truyền thông thành phố Đà Nẵng, qua kiểm tra hầu hết các điểm kinh doanh Internet đều vi phạm những quy định về việc niêm yết nội quy, thời gian đóng, mở cửa; nhiều điểm có lưu trữ phim đồi trụy… Việc quản lý còn lỏng lẻo nên phần lớn học sinh, sinh viên, thanh niên tham gia chơi và dẫn đến nghiện game khá dễ dàng.
Dù thành phố Đà Nẵng chưa có vụ việc đáng tiếc nào xảy ra do nghiện game, nhưng hậu quả mà game onlline và các trò chơi trực tuyến gây ra ở nhiều địa phương trên cả nước thì đã quá rõ và cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Khánh Hòa