.

Em sẽ cố gắng như xưa

Có những người trẻ tuổi dù đang trong tình trạng nguy kịch, sống giữa thiếu thốn vẫn rạng rỡ và luôn giữ cho đời, cho mình nụ cười tươi vui. Chào bạn trẻ tuần này xin giới thiệu tới quý độc giả câu chuyện cảm động của sinh viên N.N.V (đề nghị giấu tên), Khoa Môi trường, ĐH Bách khoa Đà Nẵng bị suy thận cấp 4 và mang trong mình chất độc da cam tai ác, đã được bạn đọc Báo Đà Nẵng chia sẻ bằng tinh thần và những món tiền nhỏ cách đây không lâu.

Em chào các anh, chị! Em thật có lỗi rất nhiều vì không có lời cảm ơn Báo Đà Nẵng đã giúp em trong lúc khó khăn, bệnh tật. Em không biết nói gì đây, đó là tính ương bướng của em bấy lâu nay. Cũng vì em sợ và rất sợ tình cảm thương hại của mọi người. Em bị tàn tật hai chân từ nhỏ, lớn lên bằng nghị lực bản thân, nói cười vui vẻ, tự hòa nhập xã hội chứ không chờ xã hội hòa nhập người tàn tật. Em sợ thương hại lắm, nhất là trong tình yêu, tình bạn. Vì vậy, khi có ai đó giúp đỡ mình, an ủi mình, em cứ ngỡ là mình bị thương hại, và em cứ trốn tránh. Từ trước tới nay, em không xin tiền ai hết trừ mẹ em, kể cả anh trai, em muốn tự mình làm ra đồng tiền, khi đó mình mới quý nó, biết tiêu tiền tiết kiệm hơn.

Em sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, bố cờ bạc cả ngày, em lại tàn tật nên gia đình nghĩ rằng em không làm nên trò trống gì, thành ra tình cảm và chăm lo học hành gia đình dành cho em có phần ít hơn. Nhưng em biết mình phải cố gắng vượt lên, nắm bắt cơ hội nhỏ thành cơ hội lớn, biến ước mơ nhỏ thành ước mơ lớn. Em đã học, học thật nhiều. Nhưng oái oăm thay, ước mơ thi ĐH Y của em vụn vỡ, em buồn lắm, tủi thân lắm!

Em quyết không đi học khối A và ôn thi tiếp tục. Những ngày tháng đi ôn thi là chuỗi ngày em suốt đời không thể quên: Bố đau ung thư, cưa chân, thiếu tiền, nghèo đói, có hôm đi ôn mà ăn cơm với một gói mắm cà chỉ có năm trăm đồng. Nhưng em vẫn vượt qua nó, chờ ngày đi thi với lòng tự tin tuyệt đối. Rồi... một lần nữa em không thể ngồi trên giảng đường ĐH Y, ngậm ngùi vô Bách khoa Đà Nẵng.

Những ngày đầu ở ĐH Bách khoa vô cùng khó khăn với em. Em không dám bước chân cà nhắc trước một đám đông. Em tủi thân, về phòng trọ khóc thật nhiều. Em trách bố mẹ sao sinh em ra trong số phận đau khổ thế này. Được nhóm bạn cùng đi ôn ngoài Huế hồi trước động viên, em lại đứng lên đi tiếp. “Thì có gì đâu, có nhiều người như mình mà vẫn đi học mà”. Tính cách, suy nghĩ em thay đổi, em năng động hơn, vui vẻ hơn là nhờ tham gia CLB Môi trường, nhờ cô Thủy (khoa Môi trường) đã dẫn dắt em làm công tác Đoàn, em được đi thật nhiều, tiếp xúc thật nhiều người. Em biết giúp mọi người, quan tâm đến mọi người, nhất là người nghèo. Em hạnh phúc lắm, hạnh phúc vô cùng khi có những người bạn thân thiết, giúp em, động viên em lúc khó khăn, bệnh tật. Em sẽ không bao giờ quên họ. Các bạn ơi! Tôi yêu các bạn lắm!

Trước lúc bị bệnh, em hy vọng nhiều lắm, ước mơ thật nhiều, em phải làm nhiều việc. Em đi dạy kiếm tiền nhiều để góp tay lo cho em gái, vì bố mất rồi, nó thiếu tình cảm của bố, em muốn bù đắp một phần cho nó. Mẹ em kham khổ lắm, em mong ra trường làm nhiều tiền để phụ mẹ nuôi em, em muốn xây ngôi nhà cho mẹ đàng hoàng. Em muốn góp phần nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người già ở những trung tâm bảo trợ xã hội... Nhưng không thể được rồi, tưởng chừng ông trời trừng phạt em thế thôi, nhưng không, còn nữa, mà khắc nghiệt hơn là căn bệnh em mang sẽ khó chữa khỏi, nó đôi lúc hành hạ em, nhất là đày đọa tinh thần em.

Những ngày biết mình mắc căn bệnh nan y, em như tuyệt vọng, em luôn nghĩ đến cái chết, muốn đi thật nhanh để đừng làm người thân, bạn bè mình phải lo lắng, khổ tâm vì mình. Đôi lúc em muốn chết bằng thuốc độc hay chạy xe thật nhanh rồi đâm vào ô-tô để tự tử. Nhưng em lại không thể, em còn nợ mọi người nhiều lắm, nợ gia đình mình, nợ bạn bè...

Thời gian trôi qua, bây giờ em đã giữ được thăng bằng. Em không yếu đuối nữa, và sống thật mạnh mẽ để mẹ khỏi lo cho mình. Mẹ lo cho em lắm. Em sợ mẹ ốm rồi không ai nuôi em gái ăn học thì khổ nữa. Em đã tươi cười trở lại, dù nụ cười không được như xưa, nhưng em rất cần nó để xua tan những suy nghĩ u buồn trong đầu. Em vẫn chờ ngày chạy thận nhân tạo, và chờ ngày về với ông bà... Em phải cố gắng hết sức mình để vượt qua năm cuối ĐH này.

Anh chị ơi! Dù biết những ngày sắp tới gian nan lắm, học ra trường,  hay đứt gánh giữa đường? Ra trường rồi thì ai nhận mình làm đây? Làm được gì khi sức khỏe mình không còn như xưa nữa? Nhưng em sẽ cố gắng như xưa, nắm bắt cơ hội nhỏ nhất rồi biến nó thành công lớn.

N.N.V
;
.
.
.
.
  • Chiếc thuyền của lứa đôi Việt - Nhật
    Khu không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản ở Quảng trường Sông Hoài, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An đang trưng bày một chiếc thuyền buồm sơn son với lối kiến trúc cổ xưa khá đẹp. Đây là chiếc thuyền buôn do người Nhật Bản phục dựng để trưng bày ở thành phố Nagasaki từ nhiều năm qua nhằm thể hiện mối bang giao, tình hữu nghị hai nước Việt - Nhật đã có từ lâu đời.
    .
  • Chuyện ông Thất Sáu
  • Ruộng bậc thang 'ở lưng chừng núi'
.
  • Rượu Bàu Đá
    Công viên 29-3 Đà Nẵng từng diễn ra Festival "Làng nghề Việt 2009" với sự tham gia của 60 làng nghề tiêu biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tôi nhớ về rượu lần đó có 3 đại diện gồm: rượu Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen. Rượu Bàu Đá nổi trội ra sao mà được đại diện cho miền Trung? Hai loại rượu kia có gì đặc biệt? (Phan Mỹ, Hòa Vang, Đà Nẵng).
    .
  • Sơ học Yếu lược thời Pháp thuộc
  • Tháp Bánh Ít
.
  • Màu hoa đỏ tháng Tư
    Tháng Tư, giàn hoa giấy trước nhà ông Năm đỏ rực. Ai ngang qua cũng ngoái cổ nhìn rồi xuýt xoa khen chủ nhà mát tay trồng được giàn hoa đẹp quá. Mấy bà hàng xóm thường nói, ông Năm già rồi mà lãng mạn quá chừng, suốt ngày chăm chút cho mấy cây bông. Mỗi lần nghe, ông Năm chỉ móm mém cười mà không nói gì. Dưới giàn hoa giấy ông kê cái bàn tre, sáng nào cô con gái tên Hạnh cũng pha cho ông tách trà. Ông vừa nhâm nhi vừa ngó lên những cụm hoa khoe màu trong nắng rồi nghĩ ngợi xa xăm.
    .
  • Các khối lực lượng vũ trang hợp luyện diễu binh, diễu hành
  • Người má
.

Đọc nhiều

.
.