Cây mù u cổ thụ bên Nghĩa trủng Hòa Vang được xem là “hậu duệ” của thế hệ mù u từng tham gia “Trận mù u” chống Pháp năm 1858. |
* Cây cổ thụ là cây thân gỗ lâu năm được trồng hoặc mọc tự nhiên, có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,3m của cây. * Cây được bảo tồn: cây cổ thụ, cây thuộc danh mục loài cây quý hiếm, cây được liệt kê trong sách đỏ thực vật Việt Nam, cây được công nhận có giá trị lịch sử văn hóa. (Nguồn: Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11-6-2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị) |
Mù u là cây của dân nghèo. Trái ép dầu, thắp đèn; nhựa cây trị vết đao thương, ghẻ, tê thấp; gỗ làm tay cong, cán, bánh lái thuyền… Nếu chỉ thế thì chả có gì nổi tiếng. Ở đây, mù u đã đi vào lịch sử, chí ít cũng vào truyền khẩu dân gian, như là một vũ khí lợi hại trong trận chiến vô tiền khoáng hậu giữa quan quân Đà Nẵng với giặc Pháp hồi 1858. Năm đó, khi trái mù u bắt đầu chín rộ khắp nơi, ông Tiễu Phong Lệ ngầm sức cho quân dân quanh vùng hái thật nhiều. Chờ khi một tốp lính Pháp theo đường 14 tiến lên Phong Lệ, quân ta chặn đánh rồi vờ tháo chạy. Địch đuổi theo, bị trái mù u làm trượt ngã, chân mang giày ống nên không gượng dậy được, bị phục binh của ta đánh cho một trận phiêu hồn bạt vía.
Đúng nửa thế kỷ sau, cháu nội của Ông Ích Khiêm là Ông Ích Đường, dân gian thường gọi là Cậu Đường, đã chỉ huy dân chúng Hòa Vang điệu viên tri huyện Điện Bàn xuống tòa công sứ Hội An xin xâu trong phong trào kháng sưu thuế nổ ra ở Quảng Nam năm 1908. Chuyện này ca dao còn nhắc: “Cậu Đường mười tám tuổi đầu/ Dẫn dân công ích xin xâu dưới tòa”. Do có kẻ chỉ điểm, Cậu Đường bị giặc Pháp bắt và hành quyết bên gốc cây bàng cạnh chợ Túy Loan (cũ). Ông Hồng Hoán, 94 tuổi, ở thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, kể rằng, theo lời ông cố ông thì ngay sau khi Cậu Đường bị chém, trời đất bỗng âm u, hai cây bàng và cây đa cổ thụ gần đó đều xủ lá cả tháng trời.
Cây cổ thụ thường được trồng ở các đình chùa miếu mạo, đằng sau cái vẻ ngoài âm u, huyền bí bao giờ cũng ẩn chứa những câu chuyện lấp lánh ánh nhân văn như thế.
Miếu Tam Vị ở khu vực Hòa Phú, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, được che bóng bởi cả một cụm cổ thụ gồm lộc vừng, đa, sộp... Theo ông Phạm Minh, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Liên Chiểu, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Hòa Minh, đây là nơi ngày trước ông Nguyễn Như Hạnh thành lập “Hội Bồng lai ái hữu” và thường xuyên tổ chức họp chi bộ Trung Nghĩa (Phú Lộc), một trong những chi bộ đầu tiên của huyện Hòa Vang.
Phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà có cây me cổ thụ Phước Trường đi vào lịch sử khi đông đảo nhân dân Khu Đông đã tề tựu dưới bóng cây tham dự mít-tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 19-8-1947...
Sách xưa, rượu cũ, cây già
Có thể nói cây cổ thụ là tài sản quý hiếm, không chỉ làm đẹp cảnh quan thiên nhiên, môi trường mà còn là nét đẹp văn hóa. Nhiều cây cổ thụ gắn liền với những sự kiện lịch sử đã diễn ra trên một vùng đất như là một chứng nhân.
Từ nhận định này, ông Đặng Đức Thứ, Phó Giám đốc Công ty Cây xanh Đà Nẵng cho biết, trong tháng 5 và 6-2010, công ty đã tiến hành tổng điều tra, thống kê cây xanh đường phố trên địa bàn do công ty quản lý. Kết quả cho thấy, thành phố hiện có 780 cây xanh bóng mát loại 3, tức là loại cây có chiều cao từ 12m trở lên hoặc có đường kính gốc lớn hơn 50cm. Trong đó, có khoảng 600 cây có đường kính lớn hơn 50cm tại chiều cao 1,3m của cây. Tuy nhiên, theo ông Thứ, chỉ có thể gọi là cổ thụ đối với những cây như muồng tím và một ít các cây đa, đề, sung, sộp... có đường kính trên 70cm tại chiều cao 1,3m; trong thực tế, những cây có đường kính nhỏ hơn 70cm còn quá “trẻ” để có thể gọi là cổ thụ.
Nhiều đường phố ở Đà Nẵng đẹp hơn, quyến rũ hơn với sự tồn tại của những cây muồng tím có đường kính trên 50cm trên các đường như Bạch Đằng, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, Trưng Nữ Vương… Trong khi đó, các loại cây đa, đề, sung, sộp... nằm rải rác ở vùng ven thành phố đã trở thành một sự-tồn-tại-thiết-yếu đối với cảnh quan chùa chiền, di tích. Cũng vì hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” đã đi vào tâm khảm dân Việt bao đời nay mà 8 năm trước, sau khi “Thần Đèn” Nguyễn Cẩm Lũy di dời và nâng đình Nại Nam lên cao 2m, đã dời luôn 2 cây đa cổ thụ phía sau ra trước sân đình để tương xứng với cảnh quan mới. Dân làng Dương Lâm, xã Hòa Phong thì trồng lại một cây đa mới bên đình để thay cây đa cũ đã bị chiến tranh tàn phá.
Cũng ở xã Hòa Phong, thôn Cẩm Toại Tây có địa danh Gò Cốc xuất hiện từ rất sớm. Sở dĩ có tên vậy, ông Tán Kim, cán bộ chuyên trách văn hóa – xã hội xã giải thích, vì gò có nhiều cây cốc cổ thụ mọc tự nhiên trên độ cao 20-30m. Trong thời kháng Pháp, chống Mỹ, đây là nơi địch tra tấn những người làm cách mạng. Vừa qua, Gò Cốc được chọn xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Phong mới với hơn 900 ngôi mộ dời từ nghĩa trang cũ dưới Dương Lâm 1 lên. Đây sẽ là một quần thể cảnh quan đẹp, kết nối giữa kiến trúc và cổ thụ.
Có một ngạn ngữ nói rằng “Cũng như củi khô dễ đốt, ngựa già dễ cưỡi, sách xưa dễ đọc, rượu cũ dễ uống thì quý nhất là có những người bạn già”. Cũng vậy, cây già bao giờ cũng có thể “kể” cho ta nghe một điều gì đấy như những người bạn già. Vấn đề đặt ra là làm sao xác định (tương đối) tuổi của cây nói chung, cổ thụ nói riêng. Ông Thứ khẳng định, phương pháp cơ bản nhất vẫn là đếm số vòng năm trên mặt cắt sát gốc cây. Nhưng như thế buộc phải đốn hạ cả cây, nên phương pháp này chỉ có thể áp dụng trong điều tra rừng (hy sinh một vài cây rừng để biết tuổi của cả quần thể thực vật). Tốt hơn hết là phương pháp khoan phôi tăng trưởng. Khoan sát gốc và vuông góc với thân cây bằng một khoan chuyên dụng, khoan đến đúng tâm cây thì dừng lại, lấy phôi gỗ ra, đếm số vòng tăng trưởng để biết số tuổi cây.
Cần có một đề tài nghiên cứu về cây cổ thụ ở Đà Nẵng Công ty Cây xanh Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ duy trì, chăm sóc và phát triển cây xanh đường phố. Công ty thực hiện việc trồng cây xanh, nhưng những cây xanh ấy có trở thành cổ thụ hay không, phải để thời gian trả lời vì chu kỳ sống của cây xanh bóng mát (vốn là cây rừng) thường kéo dài rất lâu, có khi hàng chục, hàng trăm năm. (Trên thế giới có những cây cổ thụ thọ đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi). Hiện nay việc chăm sóc cây xanh nhiều năm tuổi vẫn còn theo cảm quan bằng mắt thường, chưa có máy móc hiện đại (máy siêu âm) để chẩn đoán chính xác tình trạng cây xanh (như sam thân, rỗng ruột, mục gốc…) nhằm xử lý kịp thời. Tôi thiết nghĩ đối với cây cổ thụ nói chung trên địa bàn Đà Nẵng, cần có một công trình hoặc đề tài khoa học nhằm mục tiêu bảo tồn là chủ yếu, có thể đặt tên cho đề tài là: “Điều tra thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn cây cổ thụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Để triển khai đề tài như vậy, cần áp dụng phương pháp điều tra, khảo sát thực địa; phương pháp kỹ thuật xác định tuổi cây; phương pháp điều tra xã hội học trên địa bàn mà cây cổ thụ hiện hữu (để “xếp hạng” giá trị văn hóa, lịch sử của cây – PV); đồng thời còn phải sử dụng công nghệ kỹ thuật số để xây dựng bản đồ phân bố nhằm phục vụ công tác quản lý và tham quan, du lịch. Từ đó đề ra các giải pháp bảo tồn cây cổ thụ (trong khuôn viên và trên đường phố), kể cả giải pháp tuyên truyền, giáo dục cả cộng đồng... Với tên gọi của đề tài và phương pháp tiến hành như vậy, theo tôi, đề tài nên giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đảm nhận thực hiện (có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan) là phù hợp nhất. VIÊN PHÚC QUÂN (ghi) |