.

Phụng Lam - và mưa mùa gió ngược

.
Sau 4 năm khi tập thơ đầu tiên ra đời - Khúc lưu vong bầy chim sẻ (2006), nhà thơ Phụng Lam vừa mới hoàn thành và ra mắt bạn đọc tập thơ mang tên Mùa gió ngược do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành tháng 12-2010 đã đến tay bạn đọc trong những ngày Đà Nẵng vào xuân mới.

Mô tả ảnh.
Chân dung nhà thơ Phụng Lam.
Đọc tập thơ Mùa gió ngược, tôi cảm nhận đủ đầy dòng cảm xúc chạy ngược thời gian về với cội nguồn quê kiểng, về với những kỷ niệm ấu thơ và cả dư vị tình yêu còn mằn mặn vị đời. Thêm một lần nữa để tôi ngồi kiểm chứng lại một sự miệt mài lao động sáng tạo lặng thầm của người thơ đã ngoài tuổi tri thiên mệnh nhưng cảm xúc vẫn rất tươi mới và yêu đời tha thiết. Thời gian vẫn muốn dừng lại trên dòng cảm xúc tuôn tràn ngòi viết, để một lần ngộ ra, trong cuộc mưu sinh vì cơm áo dù kham khó đến bao nhiêu cũng không thể làm cho con người ta dừng lại cảm và nhặt. Đã đầy những chiêm nghiệm cuộc đời nhưng không chắp vá mà liền mạch. Đó là câu chuyện đời kể qua thơ nhẹ nhàng trong một trường liên tưởng mãnh liệt trong thơ Phụng Lam. Văn học Đà Nẵng lại thêm một cảm nguồn được khơi thông, và thơ vẫn còn đó vẹn nguyên ý nghĩa cuộc đời.

Cũng lặng thầm như tính cách người thơ, 96 bài thơ trong tập Mùa gió ngược đầy đặn cảm xúc, được chọn lọc từ hàng trăm bài thơ sáng tác những năm gần đây của tác giả. Điều đó cũng khẳng định được phần nào ý thức trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời, trước bạn đọc và cả cuộc chơi thơ văn đầy trải nghiệm. Những câu thơ rất trẻ ở đó có pha trộn cả một sự trải nghiệm dài. Tác giả ghi nhặt lại nhiều nguồn cảm xúc, mà đôi khi thơ được viết lên bởi nỗi đau đâu đó trên những hoàn cảnh, những mảnh đời, những miền quê trên mỗi tờ báo mà mỗi sáng ông ngồi nhẩm nha đọc, nghĩ và lắng.
 
Tôi quý cách ông đưa cảm xúc thật vào thơ, vì ít khi, với thơ, sự thành công nằm trong cảm xúc thật viết lên chứ không phải sự ào ạt một chiều: “Mặt đất - sứ trời vãi xuống gần bảy tỷ hạt giống - mọc lên gần bảy tỷ người - gần bảy tỷ trái tim… ngày nắng - đêm đen-nhân-quả-ghét thương từ trái tim-tình yêu từ trái tim” (Trái tim). Hay đó là điều phúng dụ từ một dự cảm, từ một nỗi đau chật chội ngoài kia, từ một nụ cười chưa kịp nở trên môi đã cạn dòng nước mắt: “Gió ràn rạt lùa-mưa tự do hắt hạt-nóc không chồng ngùi, nghẹn Trà Mây” (Nóc không chồng). Khi người ta lớn lên, trưởng thành và có đủ nghị lực để rời xa nơi chôn rau cắt rốn, đến khi tuổi gần đất xa trời, lại đau đáu nhớ quê, đau đáu khóc trong những mùa ngược gió để tìm lại, cố đẩy thời gian về hướng mặt trời.
 
Mô tả ảnh.
Bìa tập thơ Mùa gió ngược.
Nỗi nhớ được lặp lại và từ đó, người trở về thơ trẻ, ru mình ngủ giữa buổi trưa sau lũy tre làng, sau cánh cò, sau dáng hình nghìn năm của mẹ: “Lam Phụng - mỗi lần tôi về lội ngược giấc mơ-có khi tìm thêm vài kỷ niệm góc bến bờ sông-vết bàn chân mẹ tím tê cánh đồng mùa rét-hình ảnh cha chống vượt thác sông Giằng… Lam Phụng - mênh mang mùa gió ngược-làng hai lần chiến tranh-xóa trắng-trái tim bé nhỏ nầy xin thắp lửa câu thơ”. (Lội ngược giấc mơ). Hay khi nhà thơ ngồi lại, với “Khói quê-níu rạ rơm mùa-mò câu hát quặn đồng chua đất phèn-tay mòn cha tát nước đêm-tưới cây lúa khát trăng chênh vai gàu” (Vỗ cánh ca dao).

Có thể ngẫu nhiên, tập thơ Mùa gió ngược đến với tôi trong những ngày Đà Nẵng lất phất mưa xuân. Những hạt mưa nhẹ rơi trong không khí  giao hòa giữa những thời khắc đầu năm đầy cảm hứng. Nên tôi đọc trong một tâm thế bình yên và nhận ra, tác giả đã kín đáo gửi gắm vào tập thơ này khá nhiều tình cảm. Từ tình yêu quê hương, nỗi nhớ cội nguồn, đến những điều dằn vặt chưa thể nói… tất cả làm nên chân dung một con người nhân hậu trước cảm xúc, trước cuộc đời. Có thể với ai đó, cuộc đời là tạm, để khi không còn bóng dáng trên cõi nhân sinh, thì điều còn lại là đôi ba câu thơ đã được chưng muồi cảm xúc và ghi dấu.
 
Có một hình ảnh mà tôi khá tâm đắc trong tập thơ Mùa gió ngược của nhà thơ Phụng Lam, đó là sự khám phá rất mới, nối lại những chơi vơi cảm xúc với một mảnh hồn quê: “Rượu sông Côn-nắng cuối hạ rót tràn-mời - ai chưa kịp về - Sông đợi… Tôi ngây ngô khoét miếng nắng thủng-làm mâm… chiều - chừng như không tắt-tình-chừng như không cạn - rượu sông Côn - mâm nắng thủng chảy dài” (Rượu sông Côn). Đúng như nghĩa của cuộc sống, vạn vật đều thay đổi, nhưng có đôi khi, người ta vẫn tự tại để biết rằng, ở đâu đó, một góc khuất nào đó, tình đời vẫn chảy trong vô vàn ân nghĩa đáng để sống và biết ơn. Như nỗi buồn hiển minh còn ngự trị trong tim mỗi người, khi kéo ngắn thời gian lại để thêm lần được khóc “Mẹ ngồi ngạch cửa vá mưa-miếng đông rét, miếng gió lùa ngõ quê-mũi chìm mũi nổi buồn tê-phía sông xưa cóng nỗi se sắt mùa” (Vá mưa).

Chừng đó thôi cũng đủ làm nên một hồn thơ giản dị mà phóng túng. Và tập thơ Mùa gió ngược là nơi gói gém nguồn cảm xúc được chưng cất từ một trái tim yêu mê đắm cuộc đời.

Nguyễn Thị Anh Đào
;
.
.
.
.
.