Tuyệt tác Tara đã được không ít khách tham quan ngưỡng mộ vì vẻ đẹp vừa thần thánh vừa trần tục của vị Bồ tát đặc trưng Chăm này. Nhưng đâu rồi phần trên của các ngón tay xinh đẹp và Bồ tát đã cầm các vật biểu trưng gì ở đó?
Bông sen (trái) và ốc biển là hai biểu tượng cầm tay của Bồ tát Tara. |
Về hai biểu tượng cầm trên tay Tara, có người cho rằng đó là bông sen và bình cam lồ, người khác cho rằng tay phải cầm bông sen nở năm cánh, tay trái cầm con ốc biển. Cũng có ý kiến cho rằng đó là hai hoa sen nhưng đã bị gãy mất. Ngay trong một số giấy tờ được tạm gọi là hồ sơ ban đầu khi tiếp nhận Tara từ địa điểm được phát hiện đưa về bảo quản tại Phòng Bảo tồn - Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa và Thông tin tỉnh QN-ĐN (cũ) năm 1978 cũng đề nghị được thu nhận quả đào và hoa sen (hoặc búp sen) bằng đồng trên tay tượng đã rơi ra khi tìm thấy bức tượng.
Đầu năm 2004, nhóm cán bộ của Ban Quản lý Bảo tàng điêu khắc Chăm (thuộc Bảo tàng Đà Nẵng trước đây) đã có chuyến đi về làng Bình Minh, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, thăm lại khu di tích Đồng Dương - một Phật viện nổi tiếng của Vương quốc Chămpa xưa. Ông Nguyễn Đức Thiệp, Chủ tịch UBND xã Bình Định đã cho các cán bộ mục kích tận mắt “hai di vật cầm tay” bằng đồng vốn là của tượng đồng Tara đã được cất giữ và truyền giao bảo quản qua nhiệm kỳ của các chủ tịch xã từ năm 1979 đến lúc đó.
Vật thứ nhất là một bông sen nở gồm 5 cánh đều đặn ôm gọn sát một bát sen tròn bên trong, các cánh sen đưa thẳng lên phía trên và đầu mỗi cánh hơi loe ra, mỗi cánh sen bên ngoài có gờ nổi dọc ở giữa chạy dài từ đầu nhọn đến chân của cánh hoa; năm cánh sen đều đặn kế tiếp nhau và chỉ làm thành một lớp duy nhất ôm gọn sát một bát sen khá to ở bên trong. Nhìn chung bông sen bằng đồng này đã bị ô-xy hóa mặt ngoài nên ngả màu xanh lục đậm mốc, tuy nhiên bề mặt của nó láng bóng rất hấp dẫn.
Vật thứ hai có chiều cao 7,2cm, thuôn như hình trái xoài non, đầu nhỏ phía trên có dấu vết mờ nhạt của đường xoáy trôn ốc; đầu to còn thấy một vết lõm xéo dọc hơi sâu vào dài 2cm và có đường gờ vặn lên như hình miệng con ốc. Bên ngoài gần miệng ốc có phần dài lồi hẳn lên và quặp sát vào như hình các đốt của ngón tay trỏ và dưới phần đầu ngón tay có vết sứt dài 2cm. Căn cứ vào các dấu vết đó có thể nhận biết được vật này đã được ngón trỏ và ngón cái của bàn tay trái Bồ tát Tara cầm. Toàn bộ lớp ngoài của vật này láng bóng, có màu xanh lục đậm ánh mốc do chất đồng bị ô-xy hóa như bông sen nói trên.
Trở về với hai bàn tay của Tara đang đứng trong Bảo tàng: Bàn tay phải với ngón tay cái còn nguyên vẹn hơi cong vào tiếp giáp với phần còn lại của cuống sen dài 4,30cm chạy sát từ trong lòng bàn tay lên đến kẽ giữa hai ngón cái và ngón trỏ để lộ tiết diện của cuống sen có đường kính 1,50cm. Có thể căn cứ vào dạng thức của bàn tay lật ra và đưa lên của Bồ tát Quan Thế Âm thì bông sen đã được cầm bởi hai ngón trỏ và ngón cái; ba ngón tay còn lại đưa lên tách nhau và hơi cong so le trong kiểu thức mềm mại – một dạng VitarkaMudra mang ý nghĩa thuyết giảng, trấn an và ban ơn huệ.
Bàn tay trái của Tara với ngón tay cái còn nguyên dài 5cm và cong vào phía lòng bàn tay, ngón tay này cùng với phần dưới của ngón tay trỏ cùng tiếp giáp với một phần còn lại của miệng ốc dài 2,90cm (hơi cong có khe sâu) dính lại ở kẽ giữa hai ngón tay. Căn cứ vào dấu tích lưu lại trên các vị trí của con ốc biển nói trên thì Tara đã cầm con ốc biển bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ, phần miệng ốc quay xuống và tựa sát vào kẽ hai ngón tay, phần trôn ốc quay lên phía trên, lòng bàn tay trái cũng dựng thẳng lên và đưa về phía trước và các ngón tay như bàn tay phải trong kiểu thức Vitarkamudra duyên dáng, nhưng đã bị bẻ gãy mất.
Qua quan sát, đo đạc, phác thảo và chụp ảnh cũng như khảo tả chi tiết hai vật cầm tay nói trên, đã khẳng định được cụ thể hai vật đó chính là Bông sen (tượng trưng cho hương sắc tinh khiết, tình yêu thương, trí tuệ, chứa đựng cả Thiên đường và Trần thế, Mặt trời và Mặt trăng, vẻ đẹp và sự sinh sôi nảy nở) và con Ốc biển (tượng trưng cho sự quán xuyến mọi âm thanh thế gian, sướng và khổ, vui và buồn, là vũ khí đầy quyền năng để thanh lọc, ban phát và tập hợp niềm hy vọng của mọi loài).
Như vậy, nhìn chung hai biểu tượng cầm tay của Bồ tát Tara đã được xác định, bông sen bên tay phải và ốc biển bên tay trái, mỗi vật có ý nghĩa phù hợp với hình tượng truyền thống của Bồ tát Quan Thế Âm trong Phật giáo Đại thừa mà Chămpa chịu ảnh hưởng, nhưng đồng thời cũng mang ý nghĩa đặc trưng của tôn giáo Chămpa trong thời kỳ Indravarman II – đó là sự song hành và ảnh hưởng lẫn nhau của Phật giáo và Ấn giáo, trong đó Phật giáo giữ vai trò quốc giáo, nhưng Ấn giáo vẫn hiển hiện một phần qua các hình tượng điêu khắc.
Phan Thị Thu Bình