.
Bếp Việt

Salade Nga - Việt...

Thời hội nhập, không phải đi đâu xa, không mất công làm hộ chiếu, không nhọc lòng đặt vé máy bay… vẫn thưởng thức được món ngon món lạ thiên hạ.
 
Rượu thì vodka Nga, cognac Pháp, whiski Scotland, vang Ý, vang Chile… không thiếu thứ gì. Bia thì bia Đức, bia Tiệp, bia Pháp, bia Mỹ, bia tươi, bia đen, bia vô chai, bia đóng hộp… muốn uống bao nhiêu mặc sức. “Mồi”, muốn sốt nóng sang trọng thì ghé các nhà hàng khách sạn gọi các món – từ nguyên liệu thực phẩm tới ông đầu bếp đều “ ngoại” 100%. Muốn đơn giản thì ghé siêu thị mua một lọ oliu, vài khoanh xúc xích, vài miếng Jambon… Thôi thì nào có thiếu thứ gì để thỏa mãn sự ham muốn muôn thuở của kiếp con người!
Nhưng thỉnh thoảng muốn lạ miệng, thì bà nhà tôi vẫn tại gia, trong căn bếp của mình, mà đem đến cho cả nhà sự mới lạ. Mì spaghetti theo kiểu Ý, gà tây nấu kiểu Pháp, thỏ sốt vang, thịt cừu hầm, bắp cải muối chua cuốn thịt hấp… Những món ăn của thiên hạ do bà nhà tôi tự chế biến luôn nhận được sự tán thưởng của mọi thành viên trong gia đình. Thảng hoặc có khách thì những ông khách bà khách cũng chẳng thể “làm khách”, chẳng thể cưỡng lại được những hương và vị trước mặt họ! Như thế, bà nhà tôi còn giúp tôi phát hiện ra một điều quan trọng, đó là muốn cho khách mời thực lòng ăn uống thì điều đầu tiên bữa ăn nhất thiết phải ngon!
 
Trong các món ăn vợ tôi “học lóm” của nước ngoài, thì món salade Nga xem ra có một vị thế bền vững. Khoai tây, cà rốt, củ dền đỏ luộc chín thái hạt lựu. Một quả dưa chuột muối cũng thái nhỏ. Một hộp đậu Hà Lan, một hai quả trứng vịt luộc thái dọc. Một củ hành tây thái miếng vuông, nếu thích. Vài lá xà-lách, vài cọng rau mùi. Thêm chừng chục quả oliu xanh. Một ít thịt jambon thái nhỏ. Và tất nhiên món salade này không thể thiếu sốt mayonnaise. Đơn giản, nhưng để ngon thì không đơn giản như cách làm…
 
Tôi đã ăn salade Nga ở nhiều nhà hàng. Đại thể hương vị na ná nhau, đặc trưng của một món ăn nổi tiếng. Nhưng ngon miệng, thú thực tôi chỉ ngon miệng khi món salade này do vợ tôi tự tay thực hiện. Nguyên liệu và thực phẩm như nhau, cách trộn giống nhau. Thoạt nhìn qua thì vậy, nhưng thực ra thì… không phải vậy! Tất nhiên đậu Hà Lan bà nhà tôi dùng là đậu hộp của Pháp chứ không phải của Trung Hoa hay Thái hay đậu tươi. Tất nhiên rau củ chỉ vừa chín tới.
 
Tất nhiên bà nhà tôi có một chút kinh nghiệm hay còn gọi là bí quyết. Trong lĩnh vực nấu ăn, trường lớp cần nhưng cách học “truyền nghề” mang tính quyết định. Nói cách khác, muốn một món nào đó “ăn được” phải qua không ít lần nấu chính món đó. Theo như quan sát của tôi, khi làm món salade Nga, bà nhà tôi luôn bọc các loại rau củ đã sơ chế trong một tấm vải sạch rồi để trong tủ lạnh cho đến khi rau củ se mặt thì mới lấy ra để trộn. Tôi không biết các bà nội trợ Nga có làm vậy không? Tôi không hiểu vì sao khi học một món ăn Nga, bà nhà tôi - một phụ nữ Việt - lại làm như vậy. Nhưng suy cho cùng, khi tiếp thu một cái gì đó của nước ngoài, chẳng phải người Việt luôn biết cách làm cho nó phù hợp với mình đó sao?
 
Hoàng
;
.
.
.
.
.