Tại Hội nghị Hiếm muộn toàn quốc lần thứ 2 diễn ra ngày 6-8 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 10 - 15% dân số trong độ tuổi sinh sản bị hiếm muộn.
Bác sĩ chuyên môn tư vấn các cặp vợ chồng hiếm muộn sử dụng kỹ thuật chữa trị. |
Với ước nguyện có một đứa con, nhiều cặp vợ chồng bị hiếm muộn đã được bác sĩ chuyên khoa tư vấn nên tiếp cận với các kỹ thuật mới, mặc dù chi phí mỗi ca dao động khoảng 30 - 40 triệu đồng.
Nhiều hy vọng hơn cho người hiếm muộn
Thế giới hiện có nhiều cách thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) khác nhau như IUI, IVF, ICSI, PESA - ICSI... (viết tắt theo thuật ngữ chuyên môn). IUI là kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung, chỉ áp dụng cho những trường hợp nhẹ, dễ dàng. IVF là kỹ thuật TTTON cổ điển, áp dụng cho người có tinh trùng tốt, không có bất thường về thụ tinh; cấy nhiều tinh trùng chung với trứng và tinh trùng tự đi vào trứng. ICSI là kỹ thuật TTTON mà trong đó một tinh trùng được tiêm thẳng vào trứng. PESA-ICSI tương tự như ICSI, nhưng áp dụng cho người chồng không có tinh trùng do tắc nghẽn đường dẫn tinh trùng; tinh trùng được chọc hút từ nơi bị tắc nghẽn và sau đó tiêm thẳng tinh trùng vào trứng.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP. Hồ Chí Minh cho biết, không thể so sánh tỷ lệ thành công của các kỹ thuật trên, vì mỗi kỹ thuật có chỉ định khác nhau và áp dụng tùy trường hợp. Tỷ lệ thành công của từng phương pháp tùy thuộc vào đối tượng bệnh nhân, trình độ bác sĩ, trình độ nuôi cấy phôi. Nếu tỷ lệ thành công trung bình của IUI chỉ khoảng 10-15% thì tỷ lệ thành công trung bình của IVF và ICSC trên thế giới hiện nay là khoảng 30%, riêng PESA-ICSI đạt mức thành công trung bình 30-35%.
ICSI được thực hiện thành công đầu tiên tại Bỉ vào năm 1992 và hiện là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phổ biến nhất tại các trung tâm điều trị vô sinh lớn trên thế giới.
Tại Việt Nam, năm 1998 đã đi vào lịch sử y khoa với hai sự kiện quan trọng. Đó là năm ra đời đứa bé đầu tiên TTTON bằng kỹ thuật IVF và là năm thực hiện thành công trường hợp ICSI đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Từ đó, ICSI trở thành kỹ thuật hàng đầu tại đây trong điều trị hiếm muộn nam do tinh trùng quá ít và yếu.
Bác sĩ Võ Xuân Hân, Phó Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe vị thành niên - Nam học (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố Đà Nẵng) gọi kỹ thuật ICSI là “cuộc cách mạng” trong điều trị hiếm muộn của thế giới, đã mang lại hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn do người chồng có tinh trùng ít, yếu. Riêng với trường hợp phụ nữ có buồng trứng đa nang (buồng trứng có nhiều nang thứ cấp), bác sĩ Hân khuyên nên áp dụng kỹ thuật IVM. Đó là kỹ thuật chọc hút trứng non từ buồng trứng chưa được kích thích, nuôi cho trưởng thành trong điều kiện nhân tạo rồi cho thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này tránh được chi phí cao, không cần theo dõi bằng siêu âm, thử nội tiết nhiều lần và thời gian điều trị ngắn hơn so với TTTON bình thường IVF.
Bao giờ Đà Nẵng có điều trị hiếm muộn kỹ thuật cao?
Xác định độ mạnh của tinh dịch bằng cách đọc tinh dịch đồ trên kính hiển vi để đưa ra hướng điều trị. Ảnh: V.T.L |
Theo ThS.BS Hồ Mạnh Tường, trong bài “TTTON: Lịch sử, Hiện tại và Tương lai” đăng trong sách “TTTON” (Hồ Mạnh Tường - Đặng Quang Vinh - Vương Thị Ngọc Lan, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010), đến giữa năm 2010 Việt Nam có 13 trung tâm chữa trị hiếm muộn theo kỹ thuật IVF, 5 ở TP. Hồ Chí Minh, 3 ở Hà Nội, còn lại là Hải Phòng, Thanh Hóa, Huế, Cần Thơ và Bình Dương, mỗi nơi 1 trung tâm. Hướng tới, sẽ có thêm một số trung tâm mới ở Cần Thơ, Đà Nẵng và Bình Dương.
Đà Nẵng hiện có 3 địa chỉ điều trị vô sinh: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phụ sản - Nhi (Bệnh viện Đà Nẵng) và Bệnh viện Phụ nữ. Tuy nhiên, 3 nơi này vẫn chỉ mới dừng lại ở kỹ thuật IUI, muốn thực hiện các kỹ thuật cao hơn phải liên kết, làm vệ tinh cho các bệnh viện có khả năng làm IVF.
Bác sĩ Trần Thy Yên Thùy công tác ở Phòng Hiếm muộn, Trung tâm Phụ sản - Nhi, giải thích, với kỹ thuật IVF, trung tâm chỉ thực hiện giai đoạn 1 gồm các xét nghiệm cần thiết để xác định bệnh nhân bảo đảm điều kiện để tiến hành kích thích buồng trứng. Sau đó, bệnh nhân sẽ được giới thiệu vào Bệnh viện Từ Dũ để chọc hút trứng và chuyển phôi. Việc làm này, theo đánh giá của bác sĩ Thùy, sẽ giúp bệnh nhân ở Đà Nẵng tiết kiệm được thời gian (khoảng trên 1 tháng) và chi phí đi lại, ăn ở (khoảng trên 10 triệu đồng), nếu chữa trị tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhận thấy tiềm năng bệnh nhân điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật IVF là rất cao, Bệnh viện Đà Nẵng đã cử một số bác sĩ đi TP. Hồ Chí Minh tập huấn về kỹ năng thực hiện IVF ngay từ lớp đầu tiên năm 2003. Tuy nhiên cho đến nay, sau khi Trung tâm Phụ sản - Nhi khánh thành đưa vào hoạt động, phòng ốc dành cho từng công đoạn trong điều trị hiếm muộn đã đầy đủ, nhưng thiết bị bên trong cho IVF vẫn chưa có gì.
Khi được hỏi bao giờ sẽ tiến hành TTTON bằng kỹ thuật IVF tại nơi được gọi là Bệnh viện 600 giường này, TS.BS Trần Đình Vinh, Giám đốc trung tâm cho biết, đã đấu xong gói thầu trị giá 109 tỷ đồng đầu tư các loại trang thiết bị giai đoạn 2 cho trung tâm, trong đó trang thiết bị cho kỹ thuật IVF là ưu tiên hàng đầu; cuối năm nay, hoặc đầu năm 2012 sẽ triển khai thực hiện.
Thông thường, tỷ lệ thành công trung bình của các ca IVF do trung tâm chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ là 30-35%. Trong hai tháng 5 - 6 vừa qua, trung tâm chuyển đi 6 ca thì đã có thai được 4 ca, tỷ lệ 66,66%. Con số ấn tượng này đủ để những người hiếm muộn ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận hy vọng một cách lạc quan vào một ngày gần nhất có thể chữa được bệnh bằng kỹ thuật cao ngay tại Đà Nẵng với chi phí không cao.
Chi phí cho một ca TTTON khoảng từ 30 đến 40 triệu đồng, gồm: - Chi phí thực hiện kỹ thuật, dao động từ 10 - 15 triệu đồng, tùy kỹ thuật. |
Tỷ lệ người bị vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi đã một lần có thai) đang gia tăng hơn trước khoảng 15 - 20%. PGS.TS Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tại bệnh viện này, tỷ lệ vô sinh thứ phát đang chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng bị vô sinh. Đáng chú ý, tỷ lệ vô sinh thứ phát ở nữ cũng tăng. |
VĂN THÀNH LÊ