.

Vết xe lịch sử

.
Thủ tướng Noda tuyên bố ông sẽ làm tất cả để vực dậy đất nước Nhật Bản sau thảm họa thiên tai và hạt nhân. Nhưng cái khó của ông trong công cuộc cải tổ là phong cách làm việc cũ xưa của Nhật Bản không thay đổi từ nhiều thập niên qua.

Mô tả ảnh.
Người dân Nhật Bản theo dõi tình hình chính trị của đất nước dưới thời của Thủ tướng Noda.
 
Giấc mơ của Konosuke Matsushita

Năm 1979, nhà sáng lập tập đoàn Panasonic Konosuke Matsushita bước qua tuổi 85. Ông quyết định nghỉ ngơi trước 5 năm, không hề có tham vọng chính trị nhưng ông luôn mong ước Nhật Bản sẽ có những con người lãnh đạo đất nước tài năng. Ông quyết định lập trung tâm đào tạo chính trị gia ở phía nam thủ đô Tokyo như là viên gạch đầu tiên cho những thế hệ lãnh đạo trong tương lai tài năng, quyết đoán vì lợi ích của đất nước bởi các chính trị gia Nhật Bản thiếu khả năng nhìn xa trông rộng ra bạn bè quốc tế.

Kể từ khóa học đầu tiên năm 1980 tới nay, trung tâm này đã đào tạo 248 người. 38 người có ghế trong Quốc hội. Cách đây hai tuần, Thủ tướng Noda đã bổ nhiệm những học viên của trung tâm Matsushita như Koichiro Gemba nắm ghế Ngoại trưởng, cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara trong vai trò xây dựng điều hành chính sách vĩ mô. Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng là một trong những học viên của khóa đầu tiên năm 1980. Ở khóa đầu tiên đã có 907 người ứng thi nhưng chỉ có 23 người được trở thành học viên. Điều đó cho thấy trung tâm tuyển chọn rất khắt khe vì tương lai của Nhật Bản.

Rất khó để thay đổi

Nhật Bản đã có 15 Thủ tướng trong vòng hai thập niên qua. Năm Thủ tướng trước Noda kể từ năm 2006 trở lại đây trung bình chỉ cầm quyền 360 ngày/người. Bốn người là con trai hoặc là cháu trai của những cựu Thủ tướng. Một cuộc thăm dò dư luận do tờ báo lớn nhất Nhật Bản Yomirui Shimbun tiến hành mới đây cho thấy hai chính đảng lớn nhất là Đảng Dân chủ và Đảng Dân chủ Tự do có sự ủng hộ chưa tới 25%. Gerald Curtis, một nhà phân tích chính trị Nhật Bản, nhận xét người dân muốn có vị lãnh đạo có thể giao tiếp với họ, có thể thuyết phục họ nhưng các chính trị gia Nhật Bản nhìn chung còn phản ứng rất chậm. Họ có xu hướng giải quyết tốt những khó khăn hiện tại một cách thực dụng và nặng ý tưởng cá nhân. Noda rất khó để thoát khỏi dấu vết lịch sử, như cựu Nghị sĩ Haraguchi nhận định: Quá trình xây dựng chính sách được thiết kế như kim tự tháp. Một khi đã ở trong hệ thống đó thì người tham gia không thể làm theo cách của riêng mình.

Noda trở thành Thủ tướng Nhật Bản đúng giai đoạn khó khăn của đất nước vừa trải qua thảm họa sóng thần và hạt nhân. Kiến thức của chàng trai 22 tuổi Noda học ngày ấy là những cơ sở chính sách cho mục tiêu dài hạn nhưng khả năng ứng dụng kiến thức đó của Thủ tướng Noda rất khó áp dụng vào tình hình hiện nay của Nhật Bản. Katsuhiko Eguchi, trợ lý của Matsushita ngày trước, người đã phỏng vấn Noda lúc nhập học nhận xét rằng “Noda sẽ phải mềm mỏng ứng dụng kiến thức đã học và tình hình thực tiễn nhưng có thể nói ông rất khó để thay đổi mạnh mẽ”.

Tuy vậy, Thủ tướng Noda đang có dấu hiệu nỗ lực thay đổi theo những gì ông đã lĩnh hội được từ trung tâm Matsushita là “Bạn phải tranh đấu nhưng bạn phải biết hợp tác”. Rõ nhất là ông thành lập nội các với một số người có sự chống đối nhau trước đây nhằm hàn gắn các vết rạn nứt trong chính đảng Dân chủ của ông.

Tịnh Bảo
;
.
.
.
.
.