.

20 và 15

.

Hội Khuyến học Việt Nam (KHVN) được thành lập vào ngày 2-10-1996. Có lẽ không nhiều người biết rằng 5 năm trước đó, ở tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), lần đầu tiên trên cả nước đã ra đời một tổ chức xã hội có tên là Hội Khuyến học.

Mô tả ảnh.
Tuy chỉ mới thành lập được hơn 1 năm, nhưng Chi hội KH Ban Quản lý Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động KH.

 

Sinh con rồi mới sinh cha

Thực ra, khuyến học cũng chẳng phải mới mẻ gì, ngay từ năm 1934, cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, người con ưu tú của xứ Quảng, khi đương chức chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng Dân đã khai sinh phong trào này tại Huế, nhằm giúp đỡ sinh viên, học sinh các nơi, nhất là học trò xứ Quảng, đến học tập tại đây. Theo Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Hảo, Ủy viên Trung ương Hội KHVN, Chủ tịch Hội KH thành phố Đà Nẵng, từ đó, tuy phong trào có lúc có nơi bị gián đoạn, nhưng vẫn tồn tại đến trước năm 1975 tại miền Nam.

Lúc còn là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh QN-ĐN, thầy Hảo không khỏi xót xa khi thấy nhiều em học rất giỏi nhưng không có điều kiện đến trường. Chẳng lẽ cam tâm nhìn hàm lượng chất xám đó mai một dần?

Câu hỏi đã được trả lời vào năm 1991, sau khi nghỉ hưu, thầy để toàn tâm toàn ý hoàn thành sở nguyện của mình. Sau hơn một năm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, Hội KH tỉnh QN-ĐN chính thức được thành lập theo Quyết định 1730/QĐ-UB ngày 26-10-1991 của Chủ tịch UBND tỉnh.

7 thành viên Ban vận động thành lập Hội đều là các gương mặt có uy tín xã hội lúc đó, gồm các vị: Nguyễn Văn Xuân, Phan Khôi, Nguyễn Ngữ, Lê Phú Lộc, Phan Châu Toàn, Hồ Huyễn và Phạm Đình Hảo. Hưởng ứng Lời kêu gọi tham gia khuyến học do chính quyền và Mặt trận phát động, bà con trong nước và nước ngoài, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi thư động viên, gửi tiền ủng hộ Hội.

Sau 5 năm, “mạng lưới” KH đã phát triển đến 71% số huyện, thị và 40% xã, phường, kết nạp 1.350 hội viên trên toàn tỉnh. Đại hội Hội KH tỉnh lần thứ nhất đề ra mục tiêu phấn đấu vận động Quỹ KH đạt 300 triệu đồng, nhưng thực tế đã đạt 1,9 tỷ đồng (thời điểm 20 năm trước), gấp 6 lần so với chỉ tiêu ban đầu. Hàng trăm học sinh hạnh kiểm tốt, học giỏi đã được khen thưởng hàng trăm triệu đồng. Hơn 3.000 học sinh, sinh viên được cấp học bổng, trong đó một số em có nguy cơ bỏ học hoặc không thể tiếp tục học lên vì thiếu điều kiện... Đó là những con số ít ai nghĩ tới!

Hạt giống KH trên đất QN-ĐN đã cho những quả ngọt đầu mùa và trở thành một trong những tiền đề để từ đó tổ chức Hội KHVN chính thức chào đời vào ngày 2-10-1996. Và, mỗi khi nhắc chuyện cũ, thầy Hảo lại nói vui: Khuyến học trên đất QN-ĐN so với cả nước thì đúng là sinh con rồi mới sinh cha…

Mở rộng “mạng lưới” KH

Nếu năm 1997, khi “ra riêng”, Hội KH thành phố Đà Nẵng chỉ mới “phủ sóng” được một số xã, phường, thì hai năm sau đã có 70% địa bàn dân cư có phong trào KH, đến nay thì Hội đã phát triển khắp 100% xã, phường trên địa bàn.

Phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, được đánh giá là địa phương có tốc độ phát triển Hội nhanh và sâu rộng nhất. Ông Trương Quang Phước, Chủ tịch Hội KH phường cho biết, thời gian qua, Đảng bộ đã xem việc chăm lo giáo dục là nhiệm vụ quan trọng nên đề ra nghị quyết chuyên đề về KH, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, gắn với các chỉ tiêu thi đua hằng năm. Cụ thể, để đạt chi bộ trong sạch vững mạnh, ngoài những nhiệm vụ chủ yếu còn phải xây dựng 100% tổ dân phố có chi hội KH hoạt động có hiệu quả.

Cả phường hiện có 115 chi hội KH, gồm 96/96 chi hội tổ dân phố, 6 chi hội nhà trường, 9 chi hội họ tộc và 4 chi hội ở 4 làng. Ngoài ra, còn có 6 ban KH của các hội, đoàn thể: Đoàn Thanh niên, Công đoàn phường, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Cựu giáo chức. Các ban KH có thể không phải là hội viên Hội KH, nhưng tích cực vận động, hỗ trợ KH đối với con em hội, đoàn viên của mình. Chỉ riêng hè vừa qua, các chi hội, ban KH này đã khen thưởng, cấp học bổng cho 4.809 lượt học sinh các cấp với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. Một trong những đơn vị đóng góp đáng kể vào kết quả này là Công ty CP Bình Vinh, doanh nghiệp vừa được nhận Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 hôm 1-8 vừa rồi nhân Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập công ty. 2 năm liền, Bình Vinh đã cấp học bổng cho 66 học sinh đặc biệt nghèo trị giá 600.000 đồng/suất/năm.

Ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, phong trào KH đã đi vào Nghị quyết HĐND xã với sự đồng thuận cao của người dân: Mỗi hộ góp 20.000 đồng/năm xây dựng Quỹ KH. 80% nguồn thu này để lại chi hội KH thôn, 20% đưa về Hội KH xã để lập Quỹ Học bổng đỏ. Ông Trần Đình Bảy, Chủ tịch Hội KH xã giải thích: Quỹ có tên như thế vì nó mang tính chất hỗ trợ/khen thưởng đột xuất cho 3 đối tượng: (1) trợ cấp học sinh đỗ đại học không có tiền vào trường; (2) khen thưởng học sinh đỗ đại học loại giỏi hoặc có suất đi du học nước ngoài; (3) hỗ trợ sinh viên nghèo làm đồ án tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ - mỗi suất từ 3-5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, có Quỹ Học bổng xanh, được xây dựng từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm nhằm bảo trợ học sinh các diện mồ côi nghèo, nghèo học khá giỏi, đặc biệt nghèo. Nhà hảo tâm cam kết (bằng văn bản) sẽ bảo trợ học sinh từ lúc đầu nhận học bổng cho đến khi tốt nghiệp đại học. Học sinh nhận học bổng cũng cam kết sẽ đạt hạnh kiểm tốt, giữ kết quả học tập như ban đầu và phấn đấu tăng dần lên. Quỹ này đã tăng đều trong 5 năm qua, nếu năm 2007 chỉ có 7 nhà hảo tâm bảo trợ 15 em với số tiền 16,1 triệu đồng thì đến cuối tháng 8-2011 đã có 19 nhà hảo tâm bảo trợ 47 em với số tiền 50,2 triệu đồng.

Quận Ngũ Hành Sơn gần đây phát triển mạng lưới KH xuống đến chi hội. Tháng 6-2010, Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã thành lập chi hội KH để động viên con em cán bộ, viên chức trong cơ quan. Trong năm qua, chi hội đã tổ chức 3 đợt khen thưởng cho 25 lượt học sinh giỏi các cấp, trao tặng xe đạp cho 3 học sinh gia đình khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Mai, Phó Chủ tịch Hội KH quận hy vọng: Năm nay chi hội có 3 em đạt giải thưởng cấp thành phố, mong rằng các em sẽ đạt Giải thưởng Lê Văn Hiến để không phụ lòng mọi người.

Tự hào xứ Quảng

Ngày 2-10 này, khi Hội KH tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng lên tuổi 20 thì Hội KHVN vừa tròn 15 tuổi. 20 là độ tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống, những người làm công tác KH, do làm việc nghĩa, nên sẽ không bao giờ có tuổi. 20 năm làm KH, thầy Hảo đã đang và sẽ chia sẻ niềm tự hào xứ Quảng địa linh nhân kiệt với các danh xưng Ngũ phụng tề phi, Tứ  tuyệt, Tứ kiệt, Tứ hổ, Tứ hùng đến các thế hệ học trò, bắt đầu từ câu hỏi lúc thầy còn đương chức: Làm giáo dục mà xem nhẹ khuyến học thì ngước nhìn tiền nhân sao khỏi cảm thấy hổ thẹn?

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.