Cuộc đời bà chịu nhiều gian truân, cay đắng, nhưng bà xứng đáng được hậu thế tôn vinh là nữ danh nhân văn hóa tài hoa.
Lê Ngọc Hân (1770 - 1799) còn gọi Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu là công chúa nhà Hậu Lê và hoàng hậu của vua Quang Trung nhà Tây Sơn. Khi ở Phú Xuân, bà còn có tên gọi dân gian là Bà Chúa Tiên vì dinh phủ của bà lập ở chùa Kim Tiên. Bà sinh ở kinh thành Thăng Long, là con gái thứ chín của vua Lê Hiển Tông và bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền. Bà có nhan sắc, đã thông minh lại giỏi thơ văn.
Tháng 7 năm 1786, tướng nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ đem quân từ Phú Xuân ra Bắc đánh quân Trịnh, hạ thành Thăng Long, nêu danh nghĩa tôn phù nhà Lê, được vua Lê Hiển Tông phong làm “Nguyên soái Phù chính Dực vũ Uy Quốc công” và gả Công chúa Ngọc Hân cho. Các nhà bình luận cho rằng đây là một cuộc “hôn nhân chính trị” để liên kết vương triều nhà Hậu Lê với thế lực Tây Sơn lúc đó đang hùng mạnh. Bà khi đó mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi. Vài ngày sau vua Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Ít lâu sau bà theo Nguyễn Huệ về Thuận Hóa.
Năm 1788, trước khi xuất chinh ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu. Một năm sau, sau khi đại thắng quân Thanh, vua lại phong bà làm Bắc Cung Hoàng hậu. Bà có 2 con với Quang Trung là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức.
Năm 1792, Quang Trung hoàng đế đột ngột băng hà, Quang Toản (con của Chính cung hoàng hậu Phạm Thị Liên) lên thay, tức Cảnh Thịnh đế. Bà viết bài Văn tế vua Quang Trung và Ai tư vãn để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng anh hùng vắn số.
Trong Văn tế vua Quang Trung, bà nhắc lại sự kiện bà rời Thăng Long theo chồng vào Nam khi mới 16 tuổi: “Nhớ phen bến Nhị thuận buồm, hội bái việt chín châu lừng lẫy;/ Vừa buổi cầu Ngân sẵn nhịp, đoàn ỷ la đôi nước rõ ràng./ Hôn cấu đã nên nghĩa cả; /Quan san bao quản dặm trường”.
Ai tư vãn là áng thơ Nôm tuyệt bút của bà Hoàng 22 tuổi đổ máu mắt khóc chồng, thay mặt cả lịch sử lẫn dân tộc đánh giá Quang Trung chỉ với 2 câu thơ nhưng được cho hay nhất mọi thời đại: “Mà nay áo vải cờ đào/ Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”. Chồng mất, bà đau đứt ruột xé lòng, muốn chết theo chồng, nhưng thấy cảnh hai con lẫm chẫm trước linh sàng cha “Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm/ Đầu mũ mao, mình tấm áo gai/ U ơ ra trước hương đài/ Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này”, bà tạm sống để nuôi con “Vậy nên nấn ná đôi khi/ Hồn tuy còn ở phách thì đã theo”. Về cái chết của bà, có nhiều giả thuyết, song khả tín nhất là căn cứ vào bài văn tế bà do Phan Huy Ích viết, có chép trong Dụ Am Văn tập.
Chồng mất, bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiên (Dương Xuân, Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi
(4-12-1799) thì mất, lúc ấy mới 29 tuổi. Khi đó Phan Huy Ích đang là một trọng thần của Tây Sơn, đã phụng chỉ soạn 5 bài văn tế cho vua Cảnh Thịnh, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê và cho họ ngoại của bà ở làng Phù Ninh tế Ngọc Hân. Hoàng đế Cảnh Thịnh đích thân đọc trước linh sàng Hoàng thái hậu họ Lê. Cả năm bài văn trên còn chép trong sách Dụ Am văn tập.
Cũng cần nhắc lại rằng, khi nhà Tây Sơn mất, trong dân gian truyền tụng câu: “Số đâu có số lạ lùng/ Con vua lại lấy hai chồng làm vua”. Một vài tác giả ngộ nhận cho rằng câu này vận vào Ngọc Hân Công chúa. Tuy nhiên, qua Quốc sử di biên và một số tư liệu khác, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng người lấy vua Gia Long (lên ngôi năm 1802) là Lê Ngọc Bình, em gái bà - người ít được biết đến hơn bà.
Ở Đà Nẵng, tên bà được đặt cho con đường dài 340m, rộng 4,5m (ảnh) ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 6-2000/NQ-HĐ ngày 19-7-2000 của HĐND thành phố khóa VI, về đặt tên một số đường của Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC