Hàng triệu bông hoa của núi rừng đã được loài ong “chiết xuất” thành một vị thuốc nhiều dưỡng chất. Lực bảo tôi nhấm chút mật gin để lấy lại sức.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhộng ong, tổ ong, và mật ong đều là những vị thuốc, không vì thế mà khai thác bừa bãi làm cạn kiệt tài nguyên rừng. |
Mặt trời đã xuống lưng núi phía Tây. Với tôi, đó là một ngày mệt mà vui, nhưng vẫn thắc mắc vì sao mình phá “nhà” của ong mà chúng không phản ứng gì? Lực cười, nói cũng chỉ là hên xui thôi anh ạ.
Bản thân ong diều rất hung, Lực kể. Nếu ong vò vẽ một con chích đến mấy chục mũi thì ong diều mỗi con chích chỉ một mũi, nhưng “gởi” lại cây kim trong da người, đau thấu trời. Lạ một điều là chúng chỉ chằm hăm chích những ai phá tổ chúng. Ở Hòa Ninh, có anh nọ phá tổ ong diều lấy mật, bị chúng đuổi chạy về tới nhà. Bà mẹ thả cái mùng cho anh ta chui vào, đàn ong kiên nhẫn vo ve chờ bên ngoài, chẳng thèm để ý tới bà mẹ lo lắng đứng nhìn. Lần khác, có một ông lấy tổ ong diều bị cả đàn rượt, không biết trốn đâu bèn nhảy ùm xuống suối, lặn sâu dưới nước. Đàn ong vẫn vần vũ như đám mây “kiên quyết bám trụ” phía trên. Một lát, chịu không nổi, ông trồi lên và bị chúng chích đến liệt nửa người.
Lên rừng tìm mật ong, người “nặng vía” dễ bị ong đốt, ngoài ra cũng phải kiêng khem nhiều thứ, trong đó điều quan trọng là đêm trước không được ngủ với vợ. Anh nào vi phạm lệ bất thành văn này là y như rằng không tránh khỏi bị ong đốt.
Nghề này đúng là nghề 50-50, hên xui ít ai biết được. Có khi lội rừng rục giò mà trắng tay trở ra, hoặc may lắm chỉ vẻn vẹn được một vài xị mật. Như lần hai thầy trò dò theo ong đi từ thôn Sơn Phước băng qua thôn Năm, thôn Một, lên Trung Nghĩa, đến Hố Túi mới thấy đóng tổ, nhưng cái tổ chỉ bằng trái mít tố nữ! Cũng có lúc thánh nhân đãi kẻ khù khờ, như Ba Mập người Hòa Liên, rúc rừng cực giỏi nhưng coi ong thì xếp hạng bét, thế mà có lần đi khơi khơi giữa trời gặp tổ ong lấy được tới 20 lít mật!
Lần nọ, Lực cùng mấy anh em sục lên rừng già, thấy một tổ ong diều đóng trên cây cao cỡ 40m, ước khoảng 30 lít mật. Lực leo lên trước, bảo Hòa (lúc đó là Trưởng đài Truyền thanh Hòa Ninh) làm 4 “trái khói”; vì cây cao quá nên phải có trái khói dự phòng. Hòa mới leo được nửa đường thì bị ong “nhảy dù” xuống đốt, bên dưới đất đá lổn ngổn, mà không biết làm sao chỉ sau mấy giây đã thấy cậu ta xuống tới gốc cây rồi. Hết người trợ giúp, Lực đành quăng xô xuống, lấy liềm hớt cái trúc mứt to như cái nón bỏ vô ba lô, ném xuống. Chỉ riêng cái kho chứa mật này thôi cũng cỡ 20 lít, còn lại cái viền khoảng 10 lít nữa mà không cách nào lấy hết được, bữa sau không dám bén mảng vì ong thấy “thủ phạm” là bu vô đốt.
Đó là rừng già Bà Nà, anh em ít lên tìm mật vì tuy nhiều tổ ong to nhưng rất nguy hiểm, đầy rủi ro. Sau mùa mưa, ong từ rừng già tách đàn xuống làm tổ dưới rừng chồi, còn gọi là rừng lá, chỉ toàn cây nhỏ mới lên chồi non. Đàn ong ra riêng còn gọi là ong mồ côi này “quân số” ít hơn và tổ cũng nhỏ, mỗi tổ tối đa chỉ cho khoảng 4-5 lít mật. Ít, nhưng được cái là an toàn.
Ngày trước, rừng còn dưới thấp nên dễ tìm mật ong. Chừ chương trình trồng rừng theo Dự án PAM đã đẩy rừng già lên tuốt trên cao, cả Hòa Ninh vắng dần tổ ong, nhất là sau bão Xangsane năm 2006. Người làm nghề lấy mật ong vì thế cũng ngày một ít dần, Lực và Chiến là hai người hiếm hoi còn sót lại ở Hòa Ninh, nhưng vì vui nghề chứ chưa hẳn vì kinh tế. Giá mỗi lít mật ong rừng gin hồi Chiến 14 tuổi chỉ 20 nghìn đồng, nay đã 550 nghìn đồng, gần gấp đôi giá cách đây 2 năm. Giá mật cao nhưng người đi nghề bình quân kiếm mỗi ngày cũng không quá 150 nghìn đồng, bởi có ngày được 6-7 lít, nhưng cũng lắm khi 6-7 ngày không được một lít.
Mật ong rừng ngày một quý hiếm. Trong khi mật ong nuôi các đại lý bán chỉ 90 nghìn một lít thì mật ong rừng giá hơn nửa triệu. Chênh lệch khá cao này khiến cho nạn làm mật giả nở rộ.
Tôi nhớ có lần nghe anh Nguyễn Hữu Vinh, kiểm lâm viên bán đảo Sơn Trà, người Đại Lộc, kể về thủ thuật làm giả mật ong ngay trong rừng. Cũng là mấy tay đi săn ong chứ ai vô đó – Vinh kể, vắt cây chuối rừng lấy nước nấu chung với đường tán cạo nhỏ, xong đem dung dịch có màu như mật này trộn chung với mật thiệt, thêm vào đó mấy con chàng (ong con vừa mới nở, trắng như bông), một ít sáp ong, lắc nhẹ. Cứ đem đồ giả đó từ rừng ra cùng với lỉnh kỉnh đồ nghề “săn” ong thì ai mà không nghĩ đó là đồ thiệt?! Phân biệt thiệt giả đơn giản lắm: nhỏ một giọt mật ong lên giấy (giấy quyến càng tốt) mà mật tan chậm là chính hiệu hoặc nhỏ vào ly nước mà giọt mật rơi ngay xuống đáy ly là thiệt.
Muốn giữ nghề lâu bền thì không chỉ giữ “đức” với người, mà còn với cả loài ong nữa. Chỉ dùng khói đuổi ong để lấy “nhà” của chúng. Mất “nhà”, ong chúa sẽ dẫn đàn đi làm “nhà” mới. Thế nhưng, cũng có nhiều tay săn ong vì hám lợi đã lấy cả mật lẫn nhộng, nghĩa là “giũ sổ” cả tổ nên loài ong giảm dần số lượng. |
Khách hàng của Lực toàn là người quen. Họ tin mình, mua mật gin về để chữa bệnh, nếu thấy lợi mà pha trộn bậy bạ vào thì thất đức lắm – giọng Lực trở nên nghiêm nghị. Muốn giữ nghề lâu bền thì không chỉ giữ “đức” với người, mà còn với cả loài ong nữa. Chỉ dùng khói đuổi ong để lấy “nhà” của chúng. Mất “nhà”, ong chúa sẽ dẫn đàn đi làm “nhà” mới. Thế nhưng, cũng có nhiều tay săn ong vì hám lợi đã lấy cả mật lẫn nhộng, nghĩa là “giũ sổ” cả tổ nên loài ong giảm dần số lượng. Mà loài ong cũng lạ, dường như chúng ngầm truyền tín hiệu cho nhau để nhận diện những kẻ tàn phá môi trường này và “trừng trị” họ bằng những trận đòn kinh hồn bạt vía.
Ong được xem là loài côn trùng có ích cho cuộc sống của con người, biết sống hợp quần, trọn nghĩa vua tôi. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, với mật ong, có nước mắt của ong và cả của con người. Có điều, khi cảm nhận vị ngọt của mật ong trên môi, mấy ai trong loài người biết đến công sức ngày đêm xây tổ, lấy phấn, luyện mật... của loài ong?
VĂN THÀNH LÊ