Trong 13 đời vua Triều Nguyễn, Hàm Nghi được xem là vị vua có lòng tự tôn dân tộc nhất, yêu nước nhất khi sẵn sàng rời bỏ ngai vàng và phát hịch Cần vương chống Pháp.
Vua Hàm Nghi (1871 – 1943) tên húy Nguyễn Phúc Ưng Lịch, năm 1884, ông được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi khi mới 13 tuổi, lấy niên hiệu là Hàm Nghi (ảnh). Ưng Lịch là người có đủ tư cách về dòng dõi, nhưng chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc và quan trọng hơn hết là hai ông này có thể định hướng nhà vua về đại cuộc của đất nước một cách dễ dàng.
Biểu dương một thái độ không hèn
Thấy hai vị đại thần tự tiện lập vua mà không hỏi ý kiến người Pháp như đã giao kết, Khâm sứ Pierre Paul Rheinart gửi quân vào Huế bắt Triều đình phải xin phép. Hai ông làm tờ xin phép bằng chữ Nôm nhưng y không chịu, buộc phải viết bằng chữ Nho mới đồng ý làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi.
9 giờ sáng ngày 17-8-1884, Đại tá Guerrier dẫn đầu phái đoàn Pháp gần 200 người, có cả Khâm sứ Rheinart, kéo sang Hoàng thành. Guerrier buộc triều đình Huế phải để toàn bộ đoàn vào Ngọ Môn bằng lối chính ở giữa, là lối chỉ dành cho vua. Tôn Thất Thuyết nhất định cự tuyệt, chỉ đồng ý cho 3 sứ giả được vào cổng chính, còn lại phải đi cổng hai bên.
Tuy cả triều đình Huế và phái đoàn Pháp đều bằng mặt không bằng lòng, nhưng cuối cùng lễ thọ phong cũng kết thúc êm thấm. Lúc phái đoàn Pháp cáo từ, Tôn Thất Thuyết đã ngầm cho quân lính đóng cửa chính ở Ngọ Môn lại nên đoàn Pháp phải bấm bụng ra về theo hai lối cửa bên.
Nhìn nhận về sự kiện này, Marcel Gaultier đã viết trong Le Roi Proscrit (Hà Nội, Impr. d’Extrême-Orient, 1940, tr. 40 – 41) như sau:
“Vua Hàm Nghi đã giữ được tính chất thiêng liêng đối với thần dân mình. Vô tình vị vua trẻ tuổi đã làm một việc có ảnh hưởng vang dội khắp nước: với ý chí cương quyết độc lập và dù người Pháp có đóng quân tại Huế, triều đình An Nam vẫn biểu dương một thái độ không hèn. Thái độ ấy do Hội đồng Phụ chính đề ra. Hội đồng ấy rất có lý mà tin chắc rằng dân chúng trông vào thái độ của nhà vua để noi theo, xem thái độ ấy như mệnh lệnh [chống lại người Pháp] không nói ra bằng lời...”.
Phát hịch Cần vương
Năm sau, Thống tướng De Courcy được chính phủ Pháp cử sang Việt Nam để phụ lực vào việc đặt nền bảo hộ ở nước ta. Đến Huế, y muốn cùng 500 binh lính của mình đi vào cửa chính Ngọ Môn để yết kiến vua Hàm Nghi. Triều đình Huế xin để các bậc tướng lĩnh đi cửa chính, quân lính đi cửa hai bên theo nghi thức triều đình, nhưng De Courcy nhất định không chịu.
Thấy người Pháp khinh mạn vua mình như vậy, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định ra tay trước. Đêm 22 rạng 23 tháng 4 Ất Dậu (5, 6 tháng 7 năm 1885), hai ông đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá. Quân Pháp phản công, quân triều đình thua chạy, rời bỏ Kinh thành Huế. Ngày 23-4 âm lịch trở thành ngày kinh đô thất thủ.
Tôn Thất Thuyết vào cung báo lại mọi việc và rước vua Hàm Nghi cùng Tam cung lên đường, rời kinh thành về lập chiến khu ở Tân Sở thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Tại đây vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập. Nhân dân cả nước đều hưởng ứng, lực lượng nghĩa quân đã gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp. Danh tính của vua đã trở thành ngọn cờ của nền độc lập quốc gia.
Ngày 26-9-1888, sau 3 năm bỏ ngai vàng đi kháng chiến, vua bị Trương Quang Ngọc phản bội bắt nộp cho Pháp. Được quân Pháp long trọng chào đón nhưng vua giả vờ không hiểu, không nhận mình là Hàm Nghi. Pháp cho một số người biết vua đến hỏi thăm và nhận mặt nhưng vua vẫn giả như không hay biết. Khi thầy học cũ là Nguyễn Nhuận đến thì nhà vua vô tình đứng dậy vái chào. Đến lúc đó thì người Pháp mới yên trí đó là vua Hàm Nghi.
Thế là Pháp đưa vua về Thuận An, rồi đưa lên tàu Biên Hòa đày sang Algérie.
Trương Quang Ngọc tuy được Pháp thưởng một số tiền lớn, phong làm lãnh binh của đạo quân tay sai, nhưng liền sau đó bị nghĩa quân Phan Đình Phùng giết chết để trừng trị kẻ bội phản và làm gương cho mọi người.
LÊ GIA LỘC
Kỳ 2: Nỗi hờn vong quốc