.

Liên kết vẫn là điểm yếu

.

Khi các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng ngày một đông, thì vấn đề liên kết-vốn là điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam-lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bà Nà, một điểm đến được nhiều công ty lữ hành lựa chọn.
Bà Nà, một điểm đến được nhiều công ty lữ hành lựa chọn.

Dịch vụ chưa xứng tầm

Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng liên tục đón nhiều đoàn khách quốc tế đến thành phố trên những chuyến bay trực tiếp. Đó là tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch. Tuy nhiên, vấn đề được các nhà chuyên môn đặt ra là, liệu sản phẩm du lịch tại Đà Nẵng đã theo kịp hoạt động này hay chưa?

Những ai quan tâm đến du lịch Đà Nẵng có thể thấy, với Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn…, các công ty lữ hành thay phiên “nhào nặn” ra những “tour riêng”, nhưng có thời gian, lịch trình, điểm đến na ná nhau làm du khách khó lòng chọn được tour ưng ý. Chưa kể cách kinh doanh “đèn nhà ai nấy sáng”, cạnh tranh không lành mạnh giữa một số đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khiến du lịch thành phố mấy năm qua chỉ quẩn quanh những địa chỉ quen thuộc, chưa có hướng khai thác mới.
Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng Ngô Quang Vinh trong một lần chia sẻ với báo giới cũng thừa nhận, hệ thống, chất lượng dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng chưa xứng tầm. Lượng khách quốc tế đến tham quan ít, thời gian lưu trú ít, không có sản phẩm du lịch thu hút nên bình quân một du khách chỉ tiêu khoảng 700 nghìn đồng/ngày. Bên cạnh đó, nạn chèo kéo du khách vẫn diễn ra, chất lượng đội ngũ nhân viên ngành du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập và phát triển.

Nguyên nhân chính dẫn đến rào cản trên là do ngành du lịch hiện thiếu sự liên kết giữa các đơn vị liên quan. Việc xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ. Đây thực sự là áp lực lớn đối với doanh nghiệp lữ hành. Bởi, khi các đường bay quốc tế trực tiếp mở ra, sẽ kéo theo lượng lớn khách nước ngoài đến Đà Nẵng tham quan, mua sắm. Nếu không đáp ứng được, Đà Nẵng sẽ mất điểm trong mắt du khách.

Ông Bảo Duy Linh, Phó Giám đốc Vietravel in Danang đưa ra một thực tế đối tác quan tâm nhất là giá cả. Nếu đơn vị lữ hành nào có mức giá hợp lý sẽ được chọn. Nhưng theo ông Linh, sự liên kết giữa công ty lữ hành và đơn vị vận chuyển, lưu trú thiếu sự ràng buộc về mặt pháp lý nên trong thời điểm lễ, Tết, thường xuyên xảy ra hiện tượng nâng giá dịch vụ, đẩy giá tour tăng theo, khiến khách du lịch không khỏi phàn nàn. Hoặc, thế mạnh của Đà Nẵng là biển, nhưng tắm xong, du khách không biết đi đâu, làm gì để mua sắm, đành ngồi ở những nhà hàng hải sản để “giết” thời gian.

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết, việc tổ chức Hội nghị xúc tiến, duy trì đường bay quốc tế đến Đà Nẵng vào thời điểm này là hết sức cần thiết và quan trọng. Thời gian tới, Trung tâm đề xuất xúc tiến mở hai đường bay Băng Cốc – Đà Nẵng và Hồng Kông – Đà Nẵng. Theo đó, với lộ trình bay Băng Cốc – Đà Nẵng, Trung tâm sẽ phối hợp với Hãng hàng không Air Asia và Thái Smile, cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố tổ chức chương trình Roadshow tại Băng Cốc, từ ngày 1 đến 5-10-2012. Lộ trình bay Hồng Kông – Đà Nẵng, Trung tâm sẽ đón tiếp đoàn của nước bạn đến tham quan, khảo sát và viết bài về du lịch Đà Nẵng, dự kiến từ ngày 10 đến 13-9-2012.

Đánh giá tầm quan trọng của các hội thảo xúc tiến đường bay quốc tế, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho rằng, hội thảo là cơ hội để các hãng hàng không và lữ hành quốc tế tìm hiểu điểm đến, cơ sở hạ tầng nhà ga mới cùng các chính sách hỗ trợ của chính quyền thành phố. Cùng bàn bạc để đưa ra mức giá hợp lý, gói dịch vụ phù hợp. Ví dụ, nhằm phát động thị trường khách Thái Lan đến Đà Nẵng, kế hoạch chương trình giới thiệu tại Băng Cốc tháng 10-2012, sẽ tập trung đến các sản phẩm mới của Đà Nẵng như: Suối nước nóng Phước Nhơn, Khu vui chơi giải trí trong nhà Fantasy tại Bà Nà Hills, nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, múa Chăm tại Bảo tàng Chăm và các bãi biển. Đặc biệt là chợ Hàn, chợ Cồn vì đây là nơi mua sắm yêu thích của du khách Thái Lan khi đến thành phố.

Các đường bay quốc tế được mở, vấn đề liên kết trong du lịch luôn thu hút sự quan tâm của người trong cuộc. Đặc biệt là sự liên kết giữa các hãng hàng không trong vấn đề đưa và đón khách đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, khảo sát 12 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng thời gian qua, thấy rằng, ngay cả Vietnam Airlines cũng chỉ liên kết với duy nhất Công ty Du lịch Silvershores khai thác các chuyến Quảng Châu - Đà Nẵng, Ma Cao - Đà Nẵng; Hàn Châu - Đà Nẵng và ngược lại. Đại diện Vietnam Airlines, chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ, do nhu cầu đi lại ở Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung còn quá ít nên khi đưa khách đến thành phố thông qua đường bay trực tiếp, các đơn vị lữ hành quốc tế còn khá dè dặt và quan tâm đến những chính sách ưu đãi của thành phố.

Về điều này, bà Hồ Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Vietnamtourism (Vitours), chi nhánh Đà Nẵng nói rằng, tâm lý người Việt rất thích đi trên hãng máy bay của Việt Nam, có người Việt Nam là hướng dẫn viên. Vì thế, thời gian tới, nếu kích thích được khách hàng Việt đi du lịch tại những thị trường có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, sẽ giúp Vietnam Airlines nói riêng và doanh nghiệp lữ hành, lưu trú trong nước có cơ hội tham gia vào quá trình đưa và đón khách đến Đà Nẵng tham quan, mua sắm.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.