Trong chuyến công tác cuối tháng 11 vừa qua, tôi ghé thăm “Bảo tàng Hồi ức chiến tranh” của nước này. Chiến tranh là thảm họa tồi tệ nhất do con người gây ra và gánh chịu. Bảo tàng lịch sử chiến tranh ở nước nào cũng chuyển tải các câu chuyện thắng - thua - đau thương - chết chóc - đói nghèo. Ở Hàn Quốc, cái tên “Hồi ức chiến tranh” nghe cảm thấy nhẹ nhàng hơn là “ Bảo tàng chiến tranh” hay “tội ác chiến tranh”. Họ lý giải lấy quá khứ đau thương làm hành trang tinh thần để tiến tới tương lai chứ không vì quá khứ mà hận thù, chia rẽ.
Tác giả trong chuyến thăm Bảo tàng “Hồi ức chiến tranh” . |
Khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Hồi ức chiến tranh Hàn Quốc rộng hơn 10.000m2. Ngoài các tượng đài, các bức phù điêu ấn tượng, hoành tráng, phần lớn diện tích để trưng bày các loại vũ khí tối tân mà quân đội nước này đang sở hữu như trọng pháo, tên lửa tầm xa, xe tăng, thiết giáp, các loại máy bay. Họ cũng đưa về đây một tàu chiến và xây cả một hồ nước rộng để đặt con tàu. Ấn tượng nhất vẫn là chiếc B.52 sơn màu xanh ô-liu, cồng kềnh, to lớn như con quái vật bị thuần phục đang nằm dài trên sân cỏ.
B.52 do hãng Boeing (Mỹ) sản xuất và bay thử nghiệm thành công vào năm 1952. Đây là siêu pháo đài bay ném bom chiến lược của Mỹ với các tính năng và thông số kỹ thuật vào hàng “khủng” như tầm bay trên cao 10.000 mét, bán kính chiến đấu 7.200km, mang đến 30 tấn bom và cả vũ khí hạt nhân, được xem như là “vua bầu trời” của không quân Mỹ. Từ khi xuất hiện trên thế giới đến nay, B.52 chỉ thua ở trận Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Hà Nội vào mùa đông năm 1972.
Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) để trợ giúp Nam Hàn Quốc chống lại quân đội Bắc Triều Tiên và quân chí nguyện Trung Quốc, Mỹ mới dùng máy bay ném bom chiến lược B.29, với tính năng kỹ thuật chỉ bằng một nửa B.52, nhưng đây cũng là chủng loại máy bay tàn phá tan hoang thủ đô Bình Nhưỡng của Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên trước khi hiệp định đình chiến được ký kết vào ngày 27 tháng 7 năm 1953.
Tôi từng trực tiếp chứng kiến một trận bom B52 rải thảm kinh hoàng cách đây tròn 40 năm. Đó là vào chiều mùa Đông năm 1972, thôn Triêm Đông, xã Vĩnh Thọ (nay là xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) chìm trong đau thương, tang tóc. Tôi đến vào sáng hôm sau trận bom, từ đầu thôn đến cuối thôn với chiều ngang 400-500 mét và chiều dài hơn 1 cây số chi chít dày đặc hố bom. Nhà cửa, trường học, đình miếu tan hoang đổ nát, cây cối ngã rạp. Mùi khói bom, mùi khét của các đám cháy đang âm ỉ hòa lẫn với mùi tanh của máu đến lợm giọng, rùng mình. Xác người, xác súc vật vương vãi đó đây. Những người sống sót, gương mặt chưa hết bàng hoàng đi nhặt từng phần thi thể vương vãi của người thân. Ngôi nhà ba gian của cậu tôi nằm giữa thôn như biến mất khỏi mặt đất, may thay cả cậu, mợ tôi lúc đó đang đi làm ngoài đồng nên thoát nạn.
Nhiều người kể lại “Không thấy máy bay phản lực quần đảo, gầm rú để mà vào hầm trú ẩn, chỉ nghe tiếng ầm ầm, ì ì đâu trên trời xanh, rồi bom ào ào trút xuống, không trở tay kịp”. Trận bom làm hàng chục người chết, bị thương và mất tích, nhưng con số này đã bị ngụy quyền bưng bít. Không tổ chức phi chính phủ, từ thiện hay báo chí nào được vào nắm thông tin. Xã Vĩnh Thọ lúc đó không phải là vùng giải phóng mà chỉ là vùng “cài răng lược” ngày địch đêm ta. Và cũng vào thời điểm đó không có một trận giao tranh nào giữa hai phía để không quân Mỹ phải yểm trợ. Mãi về sau mới nghe thông tin rằng các phi công Mỹ nhầm địa danh Xuyên Thọ thành Vĩnh Thọ? Xã Xuyên Thọ (thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là vùng giải phóng nên nằm trong tọa độ oanh kích tự do của quân đội Mỹ. Ngoài ra còn hứng chịu những loại bom thừa của B.52 thường trút xuống đây trước khi quay về căn cứ, do phi công Mỹ phải chạy sớm khỏi trận địa vì sợ dính lưới lửa phòng không của ta. Những người dân vô tội của xã Điện Phương bị bom B.52 Mỹ làm chết và bị thương ngày ấy không được phía Mỹ - Ngụy đưa ra một lời xin lỗi hay bồi thường nào. Sau ngày giải phóng, nhân dân địa phương cùng huyện Điện Bàn đã xây dựng miếu thờ, bia chứng tích tội ác do B.52 của Mỹ gây ra tại thôn Triêm Đông.
Chiếc B.52 được trưng bày ở Bảo tàng Hồi ức chiến tranh Hàn Quốc chỉ nhằm mục đích phô diễn sức mạnh của vũ khí và phương tiện chiến tranh chứ không phải là hiện vật bảo tàng. Ai từng đến Bảo tàng Phòng không - Không quân Việt Nam hay hồ Trúc Bạch Hà Nội mới thấy rõ tội ác do B.52 gây ra cho nhân dân Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Và trận chiến oanh liệt 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, “thủ đô của lương tri và phẩm giá con người” cách đây 40 năm, quân và dân Việt Nam đã đập tan huyền thoại “không đối thủ” của siêu pháo đài bay chiến lược B.52 của Mỹ.
HÀ PHƯỚC MAI