Kazuyoshi Tanabe là cái tên mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam bắt đầu làm quen để gửi gắm hy vọng. Chuyên gia Nhật Bản này vừa đến Việt Nam bắt đầu một sứ mạng mà chính ông tỏ ra tâm đắc: quản lý và điều hành V-League từ mùa bóng mới.
Hào hứng như thể mình đã nắm bắt vững vàng từng ngóc ngách sâu thẳm và bí ẩn của bóng đá xứ sở này, Tanabe nói với các nhà báo ra đón mình tại sân bay rằng ông đến Việt Nam để thực hiện khao khát của một chuyên gia muốn góp sức mình làm thay đổi diện mạo một giải đấu hấp dẫn của bóng đá khu vực Đông Nam Á. Phong thái chân thành, lời lẽ thiện chí của ông bước đầu tạo được sự tin cậy nơi nhiều người hâm mộ Việt Nam vốn có lúc ngoảnh mặt chán chường trước bộ dạng của một giải đấu thiếu hấp dẫn còn vương vấn những tì vết lưu cữu. Người ta có lý do để trông chờ ông Tanabe phả vào giải bóng đá này chất chuyên nghiệp, hiện đại theo mô hình J-League bởi chuyên gia này từng nhiều năm gắn bó với giải bóng đá hàng đầu của nước Nhật. Bóng đá Việt Nam nhờ vậy có thể sớm thoát ra khỏi cái ao làng trì trệ để mơ về những đích mới xa hơn trên nhiều khía cạnh: chất lượng của giải vô địch quốc gia, nền móng phát hiện, đào tạo tài năng trẻ, đẳng cấp và phong độ của các đội tuyển quốc gia…
Liệu nỗi trông chờ này có quá lớn, có vượt qua sức lực của một cánh én phương xa còn nhiều ngỡ ngàng với nền bóng đá xứ sở này? Dù thế nào cũng ghi nhận công sức và sáng tạo của VPF, trước hết ở khía cạnh mở ra tín hiệu cho người hâm mộ dõi theo mình để chờ đợi và thêu dệt ước mơ.
Ủng hộ viên của câu lạc bộ AC Milan hẳn là đang sống những phút giây ngào ngạt của một giấc mơ hoa. Đội bóng thân yêu của họ vừa giành chiến thắng thuyết phục trước người khổng lồ Barcelona ở lượt đi vòng 1/8 Champions League và đứng trước cơ hội giành quyền vào tứ kết giải đấu này. Tỉ số 2-0 tạo đà thuận lợi cho trận lượt về ở Nou Camp 3 tuần tới nhưng thắng lợi lớn nhất là họ đã gửi đi thông điệp về cách thức vượt qua những hạn chế của chính mình để đánh bại đội bóng được xem là hay nhất thế giới vào lúc này.
Con đường hanh thông của Barcelona đã bị chặn lại trong một thế trận mà chính đối phương đã đưa họ vào cảnh bế tắc để đánh mất bản sắc và tính hiệu quả trong lối chơi riêng có. Như tiền vệ Muntari - người ghi bàn thắng thứ hai với cú sút đầy quyết đoán làm bó tay Valdes - nhận xét, đội chủ sân San Siro đã trình diễn một lối chơi kỷ luật và gắn bó đến từng góc nhỏ trên mặt sân, làm thui chột sức sáng tạo và nét thuần thục của các chân sút Barca. Kỷ luật chính là sức mạnh trong trường hợp này vì nếu không chơi với tính kỷ luật cao độ thì tức thời bị trừng phạt. Kinh nghiệm của Milan cũng chính là bài học xương máu của Barca. Cái thua của họ bắt nguồn từ việc thiếu vắng năng lượng sáng tạo. Trước một Milan chơi phòng ngự phản công sắc nét, họ vẫn không biết cách chuyển hóa lối chơi để tạo đột biến. Phải chăng đã đến lúc Barca phải biết chơi phòng ngự-phản công (dù họ vẫn đủ sức áp đặt thế trận nhờ vào khả năng khống chế bóng) để dàn trải đội hình đối phương?
Giấc mơ hoa của AC Milan có thể sẽ cướp đi khát vọng ăn ba của người khổng lồ xứ Catalan mùa này.
Có một giấc mơ xa đến nghìn trùng nhưng người ta vẫn cho phép mình nghĩ tới. Kẻ mơ mộng vĩ đại mới nhất chính là… Maradona. Hãy nghe người đàn ông 53 tuổi này phác họa từ Dubai: Một năm nào đó mai này, cả Thiago - con trai 3 tháng tuổi của Messi, Benjamin - con trai vừa lên 4 của Aguero, và Dieguito Fernando - con trai mới chào đời của chính Maradona - cùng góp mặt trong đội tuyển quốc gia Argentina tung hoành trên sân cỏ thế giới và làm thiên hạ bóng đá đảo điên!
Hãy để cho “cậu bé vàng” ngày xưa mộng tưởng vì chính những giấc mơ lắm lúc là khởi nguồn của hành trình kiếm tìm và chinh phục!
ĐÌNH XÊ