Thị trường âm nhạc Việt từ lâu chứng kiến không ít sự kết hợp tuyệt vời giữa nàng thơ và giai điệu. Khiếm khuyết bên này được bù đắp bởi ưu điểm bên kia cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc tạo được chỗ đứng vững vàng trong lòng khán giả. Tuy nhiên, không phải sự kết hợp nào cũng tròn trịa.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm trong đêm thơ ca Ký ức dòng sông của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. |
Những cái kết có hậu
Tôi gặp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lần đầu năm 2008 khi ông đã là cây đại thụ trong lòng người yêu nhạc. Vóc dáng thư sinh gầy guộc, mái tóc cước trắng thả dài đậm chất nghệ sỹ, Phan Huỳnh Điểu gieo vào lòng thế hệ chúng tôi những hoài niệm về quá khứ, tình yêu, về một chặng đường dân tộc đã đi qua… Những “Cuộc đời vẫn đẹp sao” phổ thơ Bùi Minh Quốc, “Anh ở đầu sông, em cuối sông” (thơ Hoài Vũ), “Bóng cây Kơnia” (thơ Ngọc Anh), “Hành khúc ngày và đêm” (thơ Bùi Công Minh), “Thuyền và biển” (thơ Xuân Quỳnh)... được xem là những cái kết có hậu trong hàng trăm cuộc hạnh ngộ giữa nhà thơ và người viết nhạc.
Trong sự giao thoa ấy, người yêu nhạc hẳn sẽ không quên ca khúc “Hành khúc ngày và đêm” được Phan Huỳnh Điểu phổ từ bài thơ “Ngày và đêm” của nhà thơ Bùi Công Minh năm 1971. Như đa phần các ca khúc phổ thơ của mình, Phan Huỳnh Điểu sử dụng gần như trọn vẹn bài thơ, chỉ thêm thắt vài ca từ để ca khúc thêm phần mượt mà, sâu lắng. “Hành khúc ngày và đêm” là sự gặp gỡ, đồng điệu giữa nhạc sĩ và nhà thơ, hòa quyện giữa giai điệu của âm nhạc và nhạc điệu của ngôn từ. Nhà thơ Bùi Công Minh, tác giả “Ngày và đêm”, chia sẻ: “Khi cảm hứng âm nhạc của nhạc sĩ đồng điệu với mạch cảm xúc của bài thơ, tạo nên mối giao cảm “đồng thanh tương ứng”, ấy là cái duyên để cả hai cùng có niềm vui chung trong cái kết chung”.
Tuy nhiên, việc sáng tác ca khúc phổ từ thơ không dễ bởi người nhạc sĩ cần giữ lại mạch câu chữ cũng như ý thơ của tác giả dù không cần thiết phải đưa nguyên bản bài thơ vào ca khúc. Theo nhạc sĩ Diệp Chí Huy, ca từ là bộ phận quan trọng và mất nhiều công sức trong quá trình hình thành ca khúc. Để có một ca khúc phổ thơ thành công, nhạc sĩ phải khéo léo và cảm nhận tốt, có cảm xúc thật sự trước bài thơ, hoặc lồng ghép mạch câu chữ từ nhiều bài thơ khác nhau mà không làm rối ca khúc. Anh đơn cử: “Nếu bạn đọc kỹ tập thơ “Đa mang” của cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa và lắng nghe ca khúc “Như cây đã khô” tôi phổ sau đó sẽ thấy thấp thoáng những câu, những ý trong các bài thơ như Lời cỏ lá, Về lại, Không trái tim ai ngừng đập trên đời, Tản mạn đêm 21 Hòa Nhơn , Măng Đen… Với ca khúc này, khó có thể nói rằng tôi đã phổ từ bao nhiêu bài thơ, hay nói đây không phải là ca khúc phổ từ thơ thì e rằng cũng không đúng”.
Ít nhiều trăn trở
Hiện nay, trên các diễn đàn hoặc mạng xã hội, không khó tìm thấy những đường link chia sẻ ca khúc phổ từ thơ. Không ít trong số đó phổ theo phong trào, trở thành món quà giao lưu giữa nhạc sĩ và thi sĩ khi bài hát chưa đáp ứng đầy đủ các yếu tố về nhạc lý khiến nhạc đi đường nhạc, lời đi đường lời. Về điều này, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, thẳng thắn nói: “Tôi nghĩ nôm na giữa nhạc và thơ giống như đôi tình nhân, phải thật yêu nhau, hợp nhau thì cưới nhau mới sống hạnh phúc. Nhiều nhạc sĩ phổ thơ như theo đơn đặt hàng, thiên về kỹ thuật chứ không có chút rung động nào. Tâm thế phổ như thế làm sao có ca khúc hay?”.
Dù không thể phủ nhận ca khúc hay, dở còn phụ thuộc rất nhiều vào “năng lực cảm nhận” của người nghe nhưng khó có thể gửi lời khen tặng đến tất cả các ca khúc phổ thơ trong giai đoạn hiện nay. Là tác giả của 60 bài thơ được phổ nhạc, Mai Hữu Phước bộc bạch, thời đại này, nhạc sĩ và người làm thơ dễ dàng trao đổi để “giải mã” các ẩn ý trong ngôn từ, kể cả theo dõi ca sĩ thu âm bài hát. Cuộc sống có sự chọn lọc và ca khúc phổ từ thơ cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Thời hoàng kim của ca khúc phổ từ thơ đã qua dù hiện nay, số lượng bài thơ được nhạc sĩ chọn phổ nhạc không hề nhỏ. Nhạc sĩ lấy lời thơ để khơi dậy niềm cảm hứng âm nhạc trong khi nhà thơ xem đó là niềm vui khi thấy tác phẩm của mình có người đồng cảm, chia sẻ. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chia sẻ: “Dù rất vui khi thơ mình được phổ nhạc nhưng tôi vẫn thích đọc nguyên bản thơ mình hơn. Một số bài sau khi được phổ nhạc sẽ lấp lánh hơn, sâu lắng hơn nhưng cũng có bài sau khi phổ nhạc tự nó chết yểu khi chưa kịp để ca sĩ hát lên một lần nào”. Có lẽ, trăn trở của Nguyễn Ngọc Hạnh cũng chính là lời gửi gắm của số đông nhà thơ hiện nay đến các nhạc sĩ, ca sĩ, những người góp phần chắp thêm đôi cánh cho bài thơ đến gần hơn với công chúng.
Ông Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT TP. Đà Nẵng: Người viết nhạc và người làm thơ do quen biết nhau, từ đấy nảy sinh đồng điệu mà phổ thơ thành nhạc, thế cũng tốt chứ sao! Vấn đề là chất lượng đứa con tinh thần của thi sĩ và nhạc sĩ ra sao mà thôi. Hơn nữa, phong cách âm nhạc đa dạng hiện nay với đủ các trường phái, kể cả việc du nhập trường phái âm nhạc hậu hiện đại đã khiến cho một tác phẩm âm nhạc không bị ràng buộc bởi một khuôn khổ nào, thậm chí nó bị phân mảnh, cắt rời, không theo một trật tự lôgic nào cả, vậy thì hà tất nhạc sĩ phải dựa vào thơ mới dựng thành tác phẩm âm nhạc. Tôi nghĩ cũng không nên băn khoăn lắm về điều này và cũng không nên coi việc phổ thơ như một “phong trào”. Nếu tình nhạc ý thơ hòa quyện, bài thơ sẽ may mắn được sống thêm một cuộc đời trong lòng công chúng. Nếu không đạt được điều ấy, bài thơ vẫn là... bài thơ thôi! |
TIỂU YẾN