.

“Ca sĩ” sinh viên

.

Nhiều “cây” văn nghệ của các trường đại học (ĐH) đi hát ở quán cà-phê, phòng trà như một cách thỏa niềm đam mê và cũng kiếm thêm thu nhập tự trang trải cho cuộc sống sinh viên.

“Ca sĩ” Lê Hoàng say sưa đem giọng hát đến với khán giả. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“Ca sĩ” Lê Hoàng say sưa đem giọng hát đến với khán giả. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thỏa mãn niềm đam mê

Đến với nghề tính đến nay tròm trèm bốn năm, Mai Bảo Lê Hoàng hay Hoàng “xoắn” (24 tuổi), một “cây” văn nghệ của Trường ĐH Bách Khoa với chất giọng trầm đặc trưng trở thành cái tên quen thuộc tại các tụ điểm cà-phê, phòng trà chuyên về nhạc sống thuộc khu vực Hòa Khánh như Hằng cà-phê, Không tên… Nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề, Hoàng tâm sự: “Năm nhất ĐH, mình tranh thủ thời gian rảnh rỗi xin đi hát tại các quán cà-phê với mục đích thỏa mãn niềm đam mê là chính. Lúc ấy, lương thấp lắm, do còn là người mới. Khi đã quen dần với công việc và chủ quán thấy mình thu hút được một lượng khách nhất định thì mới tăng cát-sê”. Hiện tại, một đêm Hoàng có thể chạy tới ba “sô” với mức lương tối đa là 150.000 đồng/sô. Hoàng khoe, nhờ vào số tiền kiếm được từ việc đi hát mà hai năm trở lại đây cậu không còn xin tiền sinh hoạt của gia đình.

Anh chàng “kiến trúc sư” tương lai Huỳnh Nho Bảo Thắng (24 tuổi, ĐH Kiến trúc) dù rất bận bịu với những bản vẽ, bài vở trên lớp, nhất là vào mùa thi cử nhưng tối tối cũng cố sắp xếp thời gian đi hát cùng bạn bè. “Được hát cho khán giả nghe hằng đêm giờ đây đã là một thói quen, một niềm yêu thích không thể bỏ được của mình. Tối nào mà không đi hát là cứ thấy thiếu thiếu, bứt rứt trong người lắm”, Thắng cho hay. Ngoài hát, Thắng còn có tài chơi ghi-ta nên nhiều lúc quán thiếu người, Thắng kiêm luôn vai trò nhạc công.

Áp lực từ sự không chuyên

Không ít người nhìn vào cứ nghĩ đi hát là một công việc nhàn hạ, hào nhoáng với số tiền kiếm được không hề nhỏ đối với sinh viên. Nhưng theo chia sẻ của các “ca sĩ”, lương nhận được trừ vào tiền đầu tư quần áo, son phấn cũng chẳng còn bao nhiêu. Đấy là chưa kể những lần bị chủ hẹn lương hay bớt tiền thù lao vì những lý do rất vô cớ.

Những ngày đầu đi hát, Nguyễn Hoàng Nguyên (22 tuổi, ĐH Sư phạm) bị ép giá, chỉ 50.000 đồng/buổi, thấp hơn nhiều so với các “ca sĩ” khác. Đã vậy, Nguyên không được hát “giờ vàng” mà được xếp lịch hát sớm hoặc muộn hơn. Nguyên tự động viên mình: “Sau một thời gian đi làm mới có được sự tin tưởng của chủ”.

Cũng vì là những giọng ca “a-ma-tơ” nên làm nghề một thời gian các bạn dễ bị cạn “vốn nhạc”. Một đêm hát từ 2 - 3 bài nên chẳng mấy chốc “tài nguyên” bị rơi vào tình trạng báo động đỏ. Việc học bài hát mới và hát sao cho phù hợp với phong cách và chất giọng của bản thân không phải là một điều dễ dàng. “Mình phải nghe nhiều dòng nhạc khác nhau và liên tục học thêm để không gây nhàm chán cho khán giả. Để có thể đứng trên sân khấu như vậy, tụi mình cũng phải chạy chương trình trước để không bị “khớp”. Có lần mình quên lời nên bị khán giả phạt phải hát thêm bài nữa”, Hoàng nhớ lại một kỷ niệm vui trong nghề.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.