.

Cần một mô hình đào tạo nghề hiện đại

.

Nhiều năm qua, đào tạo nghề ở thành phố dù mở rộng về số lượng, quy mô nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu. Đà Nẵng vẫn thiếu một trường đào tạo nghề hiện đại, có tác dụng đầu tàu, thúc đẩy, lôi kéo hệ thống phát triển tương xứng với các hệ đào tạo khác ở thành phố.

Thi tay nghề giỏi tại Trường Trung cấp nghề Việt-Úc.
Thi tay nghề giỏi tại Trường Trung cấp nghề Việt-Úc.

Thiếu giáo viên giỏi, thiếu thời lượng thực hành

Nói đến vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) dạy nghề, TS Nguyễn Bê, Hiệu trưởngTrường Cao đẳng Nghề (CĐN) Đà Nẵng cho rằng: “Trường có muốn thu hút người giỏi cũng rất khó, bởi để có chính sách riêng về tiền lương nhằm thu hút họ là điều không thể với trường công lập”. Nhiều trường tư thục cũng đau đầu trong việc tìm người tài và không ít đơn vị phải mời thêm GV nước ngoài. “Tìm một tiến sĩ dễ hơn nhiều so với tìm một thầy dạy nghề giỏi. Hầu hết các em dù thuộc diện khá, giỏi sau khi ra trường đều chưa thể dạy nghề ngay mà phải qua đào tạo từ 5 năm trở lên mới có thể đứng lớp”, ThS. Nguyễn Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường CĐN Nguyễn Văn Trỗi bộc bạch. Hiện trường này đang thu hút 4 GV nước ngoài với mức lương 1.000 - 1.500 USD/tháng trong chương trình hợp tác với một trường ở nước Đức.

Trường Trung cấp nghề Du lịch Việt - Úc cũng là một trong những đơn vị mạnh dạn mời nhiều GV người nước ngoài tham gia giảng dạy để nâng cao chất lượng, thu hút học sinh. Hiệu trưởng nhà trường, ông Đặng Phúc Sinh, cho biết: “Các em tỏ ra rất thích khi học các GV nước ngoài. Tuy nhiên, ngoài việc trả lương cao khoảng 1.500 USD/người/tháng, còn phải tốn chi phí kèm thêm mỗi GV một trợ lý kiêm phiên dịch”. Tuy nhiên, không phải trường nghề nào cũng đủ lực để mời GV nước ngoài và thu hút GV giỏi trong khi mức học phí không thể tăng quá cao.

Đội ngũ GV đào tạo nghề tại Đà Nẵng hiện có khoảng hơn 900 người. Bình quân các trường nghề hiện nay là 1 GV/32 học sinh, sinh viên (HSSV), trong khi chuẩn quy định là 1 GV/20 HSSV. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, số GV đạt chuẩn về sư phạm tại Đà Nẵng khoảng 96,4%, nhưng GV có khả năng dạy được cả lý thuyết và thực hành (tích hợp) chỉ chiếm 45,6% trong tổng số GV dạy thực hành. Trong khi, ngoài kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghề vô cùng quan trọng trong đào tạo nghề. Theo TS Nguyễn Bê, dạy nghề khác nhiều với dạy văn hóa. Nếu người GV không vững tay nghề thì sẽ thể hiện ngay trên những sản phẩm học sinh làm ra.

Trong kết cấu chương trình đào tạo nghề, thời lượng đào tạo thực hành chiếm đến 70-80% và phải bám sát với sự thay đổi công nghệ của các doanh nghiệp. Nhưng hầu hết các cơ sở đào tạo, tỷ lệ thời gian dành cho thực hành tính bình quân chung chỉ đạt khoảng 55,6%. Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ngoài nguyên nhân do thiếu GV dạy thực hành, một số trường còn do thiếu diện tích phòng học, trang thiết bị. Nhiều chương trình dạy nghề còn quá lạc hậu và GV nghề không đáp ứng được yêu cầu trước sự phát triển nhanh về công nghệ. GV có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tin học còn ít, ảnh hưởng đến việc tham khảo các tài liệu nước ngoài phục vụ công tác giảng dạy.

TS. Nguyễn Bê khẳng định, chất lượng của HSSV học nghề ra trường không thể đánh giá qua tỷ lệ tốt nghiệp xuất sắc, khá, giỏi, mà còn phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ HSSV ra trường có được việc làm, làm việc đúng ngành nghề đào tạo và mức độ hài lòng của doanh nghiệp.

Phát triển manh mún

Đà Nẵng hiện có 61 cơ sở đào tạo nghề (35 cơ sở ngoài công lập). Đào tạo nghề trình độ sơ cấp, ngắn hạn chiếm gần 70%. Chưa quá một nửa trong số đó là cơ sở chuyên đào tạo nghề; còn lại hoặc vừa đào tạo các hệ khác, hoặc vừa sản xuất kinh doanh, vừa tham gia đào tạo nghề. Quy mô đào tạo của các cơ sở còn nhỏ. Chỉ có khoảng hơn 10 cơ sở đủ sức “kham” từ 1.000 đến 2.000 HSSV/năm, còn lại đa số từ 500 đến dưới 1.000 em; thậm chí có cơ sở chỉ có quy mô dưới 100 em/năm.

Quy mô tuyển sinh nêu trên cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu nhân lực về số lượng qua đào tạo nghề của thị trường lao động thành phố. Việc đào tạo chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trước mắt của thị trường lao động. Tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ những năm gần đây, xét riêng về đội ngũ công nhân kỹ thuật, số lao động đăng ký dự tuyển xếp thấp nhất và tỷ lệ trúng tuyển làm việc cũng thấp nhất.

Các cơ sở đào tạo nghề hiện nay tập trung nhiều ở quận Hải Châu với 25 cơ sở, trong khi đó huyện Hòa Vang chỉ có 1 cơ sở. Ngoài một số cơ sở mới thành lập, hầu hết các cơ sở đều không đủ chuẩn chất lượng quốc gia quy định.

Nguồn kinh phí của trường ngoài công lập chủ yếu dựa vào học phí và vốn góp của cổ đông sáng lập. Với nguồn kinh phí này, các trường rất khó khẳng định thương hiệu đào tạo nếu các cổ đông sáng lập không có thực lực tài chính. Điều này dẫn đến các trường có xu hướng tăng mức sinh lợi bằng hình thức đào tạo lý thuyết, chú trọng các ngành ít trang thiết bị thực hành theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, lấy kinh tế nuôi kỹ thuật.

Cần một mô hình mới

Đà Nẵng chưa có trường đào tạo nghề nào quy mô lớn, đạt chuẩn, trực thuộc doanh nghiệp, như mô hình Trường CĐN Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam) hay CĐN LILAMA 2 (Đồng Nai)... và cũng chưa có mô hình dự án hợp tác giữa thành phố và các nước, thành lập trường đào tạo nghề có vốn đầu tư nước ngoài, như mô hình Trường CĐN Việt Nam - Singapore (ở Bình Dương) hay CĐN Kỹ thuật công nghệ Việt - Hàn (ở Nghệ An)… Do vậy, chưa huy động được kinh nghiệm quản lý, nguồn vốn, chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực đào tạo nghề. Các nghề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, ô-tô; dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính... số lượng đào tạo không đáng kể, ở trình độ thấp và do một vài cơ sở đào tạo nghề hoặc khoa đảm nhận. Rất nhiều nghề hiện nay chưa có cơ sở nào đủ điều kiện đào tạo như các nghề công nghiệp sản xuất trang thiết bị thông tin liên lạc, quang điện tử, vật liệu mới; công nghệ sinh học; dịch vụ truyền thông, doanh nghiệp, logistic…

Bên cạnh đó, theo ThS. Phan Văn Sơn, người đi học nghề có đông hay không phụ thuộc rất lớn từ công tác phân luồng từ THCS và THPT. Do vậy, cần tạo nhiều mô hình mới về hướng nghiệp, dạy nghề ngay trong trường phổ thông; tổ chức cho các em học sinh đi tham quan các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… Các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Đà Nẵng đều cần phải có phương án đào tạo trong dự án đầu tư và được thành phố khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo nghề trực thuộc doanh nghiệp.

Đà Nẵng rất cần một trường đào tạo nghề hiện đại, có tác dụng đầu tàu, thúc đẩy, lôi kéo hệ thống phát triển tương xứng với các hệ đào tạo khác ở thành phố.     

P.TRÀ - V.SƠN

;
.
.
.
.
.