Liên kết để phát huy những thế mạnh, khắc phục sự đối đầu về lợi ích và tiềm năng, hạn chế tình trạng “cát cứ” lẫn nhau... để cùng phát triển đang được các tỉnh, thành duyên hải miền Trung nỗ lực thực hiện. Du lịch là lĩnh vực có nhiều lợi thế nhất để thực hiện sự liên kết này.
Biển Sơn Trà Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HỢI |
Từ “Con đường di sản” đến “Hành trình di sản”
Cách đây 11 năm, năm 2002, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng lúc bấy giờ, ông Paul Stoll đưa ra sáng kiến thiết lập “Con đường di sản thế giới” ở miền Trung với mục tiêu hợp tác, liên kết các tỉnh, thành miền Trung lại với nhau để cùng thúc đẩy du lịch phát triển. Sáng kiến của Paul Stoll ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của các công ty du lịch, hãng lữ hành, chính quyền các địa phương và Tổng cục Du lịch. Hai năm sau, chương trình này trở thành chủ đề phát triển du lịch năm 2004 tại miền Trung và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của miền Trung và Việt Nam đến tận hôm nay.
Ý tưởng của Paul Stoll hình thành trên một thực tế mà có lẽ chỉ ở duyên hải miền Trung mới có: sở hữu nhiều Di sản văn hóa thế giới (Phong Nha – Kẻ Bàng, cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn); là khu vực trải dài ven biển, với những bãi biển trong xanh, sạch đẹp; có tiềm năng vô cùng to lớn trong thu hút đầu tư vào phát triển du lịch. Tiềm năng đó đến nay đã có thể thấy được hình hài với hàng loạt dự án du lịch ven biển cao cấp trải dài từ Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam cho đến Nha Trang...
3 năm sau ngày “Con đường di sản” hình thành, các doanh nghiệp du lịch đã nhìn thấy được sức hút và tiềm năng của “con đường” này, khi vào năm 2005, Công ty Du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng (Vitours) phối hợp với 10 DN lữ hành thuộc nhóm các công ty du lịch liên kết - Happy Holiday tại TP.HCM và 2 DN du lịch tại Hà Nội tiến hành ký kết hợp tác, triển khai chương trình “Happy Holiday - Hành trình di sản” dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, giám đốc các Sở Du lịch TP.HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế.... Chương trình liên kết này nhằm đưa khách từ Hà Nội và TP.HCM và vùng phụ cận đến Đà Nẵng, sau đó hình thành các tour đi miền Trung vào các ngày cuối tuần. Lúc đó, một lãnh đạo Tổng Cục Du lịch tại miền Trung nói rằng, cái được lớn nhất của sự liên kết trên là sẽ giải quyết được những vướng mắc lâu nay ở các địa phương trong khu vực, hình thành một chuỗi điểm đến liên hoàn đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho du khách.
Cũng trong năm đó, ngành du lịch 3 địa phương Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cùng nhau ký bản ghi nhớ liên kết, hợp tác để cùng phát triển du lịch. Vấn đề quan trọng nhất của sự hợp tác này được quy tụ về một mục tiêu: 3 địa phương một điểm đến, với những giải pháp thực hiện như hợp tác trong các lĩnh vực qui hoạch, thu hút đầu tư, quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực...
Xâu chuỗi lại những sự kiện trên để thấy được một điều: tiềm năng du lịch của miền Trung là rất lớn và các địa phương cũng như các nhà làm du lịch đã thấy được sự liên kết để cùng phát triển là cần thiết và là xu hướng khó cưỡng, nếu không muốn nói là tất yếu. Thế nhưng, đến nay, sau hơn một thập niên, con đường du lịch và sự liên kết, kết nối dường như vẫn đang... đứt đoạn ở đâu đó.
Cần một Paul Stoll khác và “hãy bắt tay thật sự”
Paul Stoll là chuyên gia du lịch người Đức, mặc dù rời Furama lâu rồi, nhưng những đóng góp của ông đối với du lịch Đà Nẵng và miền Trung đã được ghi nhận, có giá trị đến bây giờ và có lẽ sau này. Nhiều người gọi ông là “Đại sứ du lịch”. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là “Hợp tác cùng tồn tại thay vì cạnh tranh rồi diệt vong”. Có thể đó là một nguyên nhân khiến ông nảy sinh ý tưởng hình thành “Con đường di sản” và trên con đường đó, chỉ có hợp tác, liên kết lại với nhau mới có thể phát triển.
Tiềm năng du lịch miền Trung vẫn đang được nói đến hàng ngày, sự cần thiết phải hợp tác, liên kết cũng thường xuyên được nêu lên tại các diễn đàn. Nhưng thực tế thì sao? Những năm qua, ngành du lịch các địa phương và các nhà làm du lịch vẫn chưa có tiếng nói chung với nhau, vẫn “cát cứ”, vẫn “mạnh ai nấy làm”, địa phương nào cũng có lễ hội du lịch; nơi này Festival Biển, nơi kia Biển gọi, nơi nọ huyền thoại biển...
Bỗng dưng tôi nghĩ đến việc phải chi ở miền Trung bây giờ có một Paul Stoll khác, một “Đại sứ du lịch” kết nối và định hình nên thương hiệu du lịch chung của cả khu vực. Câu trả lời biết đâu là ở đây: Cuối tháng 1-2013 vừa qua, Tổ chức tiếp thị Điểm đến miền Trung (DMO) được các nhà quản lý khách sạn, khu nghỉ mát và các nhà đầu tư sân gôn, các nhà điều hành du lịch (ở miền Trung và nước ngoài) thành lập với mục tiêu cùng chung tay định hình thương hiệu điểm đến miền Trung là điểm đến du lịch mới nổi của khu vực Đông Nam Á.
“Khu vực này đang nổi lên là điểm đến duy nhất với nhiều tiềm năng đột phá”, ông John Blanco, Chủ tịch Tổ chức điểm đến miền Trung, chia sẻ khi tổ chức này ra mắt. “Xét đến các tài sản quý giá này, chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm để cùng chung tay với sáng kiến quảng bá điểm đến này để xây dựng thương hiệu nổi bật cho điểm đến và góp phần tăng trưởng nguồn khách du lịch. Chúng tôi đang định hình điểm đến miền Trung như là điểm đến với các bãi biển hàng đầu của khu vực và một điểm đến mới cho khách nghỉ ngơi và nhóm khách sành điệu để khám phá”, ông Blanco nói tiếp.
Tổ chức trên ra đời là sáng kiến của những người làm du lịch, những người thấy rõ tiềm năng và lợi thế to lớn của du lịch miền Trung. Họ cũng thấy được sự cần thiết phải liên kết, phải hợp tác để cùng nhau phát triển. Nhìn vào những đối tác thành lập tổ chức trên có thể thấy rõ điều đó: The Nam Hải, Crowne Plaza Danang, Hyatt Regency Danang, Fusion Maia Danang, Furama Resort Danang, Grand Mercure Danang, The Ocean Villas, Angsana Lăng Cô và La Residence Huế – cùng với Montgomerie Links và Danang Golf Club....
Bất kỳ liên kết kinh tế nào cũng hình thành từ sự hoạch định và hỗ trợ của chính quyền; sự tham gia, hưởng ứng của doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của chính quyền vô cùng quan trọng. Có lẽ, đã đến lúc giữa những nhà quản lý du lịch với nhau, giữa các doanh nghiệp với nhau nên bắt tay thật sự, thật chặt, thật bền để cùng đi tới, thay vì thiếu hỗ trợ, xa rời nhau, xé lẻ, đi riêng. Và khi nhân tố thuận lợi xuất hiện, như tổ chức nêu trên chẳng hạn, sự liên kết càng có điều kiện để phát triển. Trong mối liên kết này, Đà Nẵng, với vai trò trung tâm khu vực, có sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, có hệ thống khu nghỉ mát và dịch vụ lưu trú sang trọng và hoàn chỉnh, có nhiều bãi biển đẹp… sẽ là sự bổ sung lý tưởng cho các địa phương khác, nơi sở hữu nhiều Di sản văn hóa thế giới cùng những sản phẩm du lịch phi vật thể phong phú khác.
THẢO ĐÀ NAM