.

Luận thơ Hồ Chí Minh ở Pác Bó

Nhà nghiên cứu văn học Lê Xuân Đức bất chợt gọi điện cho tôi sau khi đi thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó về (vào tháng 11-2012), đang nghỉ ở nhà khách Tỉnh ủy Cao Bằng. Cảm nhận đầu tiên của tôi, ông là một người chỉn chu, phúc hậu, nghiêm cẩn và quý bạn bè... Có lẽ đó là một trong những lý do để ông trở thành người đại biểu của dân (ông là đại biểu Quốc hội khóa VIII). Ông ký tặng tôi cuốn Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh và cho tôi xem cuốn tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó ông vừa mua ở Pác Bó. Tôi rưng rưng cảm động vì ông đã mua sách của tôi!

Ông bắt đầu ngay vào đề tài thơ Hồ Chí Minh sau những thăm hỏi, giao đãi ngắn gọn. Ông bảo: “Cụ Hồ ở Pác Bó nhiều năm vậy mà chỉ có hai bài thơ là quá ít”. “Quả là ít - tôi trả lời - nhưng không phải chỉ có hai bài. Hoàng Quảng Uyên đã tìm thêm được ít nhất hai bài nữa”. Lê Xuân Đức sửng sốt: “Bài gì? Bài gì?”. Tôi cười: “Xin “cụ” về đọc Mặt trời Pác Bó sẽ thấy”.

Câu chuyện của tôi với nhà nghiên cứu Lê Xuân Đức trở nên tự nhiên, sinh động khi bàn về thơ Bác Hồ bởi lẽ Lê Xuân Đức đang đi tìm tài liệu để chỉnh lý cuốn Đọc thơ Hồ Chí Minh sắp tái bản mà tôi cũng đang “tập tành” nghiên cứu Hồ Chí Minh nên rất dễ đồng cảm. Vậy nên tôi không ngần ngại trao đổi với ông những cảm nghĩ thật của mình. Tôi nói với ông rằng, các nhà biên tập, nghiên cứu đã “góp phần” làm sai thơ Hồ Chí Minh nhiều! Lê Xuân Đức ngạc nhiên: “Sai thế nào?”. Tôi trình bày: “Như bài Tức cảnh Pác Bó  chẳng hạn: Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời Cách mạng thật là sang. Sống ở hang, xếp đá làm bàn, ăn cháo bẹ, rau măng là quá nghèo khổ chứ sang cái nỗi gì mà phán: Thật là sang!” “Thế nào mới đúng”, Lê Xuân Đức vặn lại. “Phải là: Cuộc đời Cách mạng thế mà sang!” Thế mà chứ không phải là thật là. Lê Xuân Đức vẫn nghi ngờ: “Đấy là Hoàng Quảng Uyên nghĩ như thế! Xét về văn bản học thì...”. “Hoàng Quảng Uyên nghĩ thế và văn bản học cũng đã từng ghi chép như thế. “Cụ” về tra cứu ở thư viện quốc gia, báo ảnh Việt Nam năm 1960 sẽ thấy”.

Lê Xuân Đức ngẫm ngợi. Tôi tiếp tục mạch “cải chính”: “Còn trong bài Pác Bó hùng vĩ: Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối LêNin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà. Thì từ xây có lẽ chưa đúng. Phải gây dựng mới đúng mạch. Lúc Bác Hồ đến Pác Bó đã có gì đâu, phải gây dựng từ con số không, chứ đã có gì mà xây”.

Lê Xuân Đức hỏi tôi: “Theo Uyên, về Thái Nguyên nên đi những đâu?”. Tôi lại rưng rưng khi được ông tin tưởng: “Dạ, “cụ” nên về ATK, lên đồi Khau Tý, nơi Bác sáng tác bài thơ Cảnh khuya - 1947, vào Khuôn Tát nơi Bác Hồ ở, tắm giặt, đánh bóng chuyền, luyện võ dưới gốc đa cổ thụ. An toàn khu Thái Nguyên giờ đã được xây hoành tráng, linh thiêng “. Lê Xuân Đức lại hỏi: “Sau Thái Nguyên tôi sẽ về Tuyên Quang, có hẹn rồi”. Tôi cười: “Tuyên Quang có nhiều chuyện vui lắm. Như chuyện họ bỏ công cải chính địa danh Nà Lừa thành Nà Nưa. Loay hoay thế nào Nà Lừa vẫn là... Nà Lừa. Chuyện có vẻ hài, hài...”.

 Tôi giở cuốn Lời bình thơ chữ Hán Hồ Chí Minh ra đọc một số bài, chợt thấy Lê Xuân Đức “sáng tác” hay đáo để. Đây là bài bình Dương Đào ốm nặng (trang 334). Lê Xuân Đức kể: “Tháng 9-1963, nhân dịp mừng Quốc khánh 2 tháng 9, Bác mời một số đại biểu hai huyện Tĩnh Tây và Nà Pha tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), những người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam, sang thăm Việt Nam và dự lễ quốc khánh. Bác có mời bà Dương Đào nhưng lúc này bà đã yếu nên nhường cho em ruột chồng là Dương Thắng Cường đi thay. Khi đoàn về, Bác gửi lụa biếu bà Dương Đào”.

Ô hay nhỉ! Tôi đã đến Pà Mông thăm gia đình Dương Đào nhiều lần. Ông Dương Thắng Cường, bà Dương Xuân Hạng, em trai, em gái ruột Dương Đào kể lúc đưa Bác Hồ đi Bình Mã thì Dương Đào chưa có vợ! Vậy thì bà Dương Đào “nhảy” vào nhà Dương Đào lúc nào để năm 1963 nhận quà biếu của Bác Hồ? Có thể chuyện này có chép ở đâu đó mà tôi chưa được đọc, xin nhà nghiên cứu chỉ giúp.

Chuyện nhầm lẫn của nhà nghiên cứu Lê Xuân Đức (nếu có nhầm lẫn thật!) thì cũng không có gì lạ. Sai thì sửa! Các giáo sư T.Đ.S; giáo sư P.L... đã từng giảng “chưa đúng” về thơ Hồ Chí Minh. Ngay như nhà Hán Nôm Đ.T.T viết chữ phong (đỉnh núi) thành con ong còn được nữa là. (Xin xem bài của Đ.T.T in trong tạp chí Thơ số tháng 5 năm 2010).

Tôi có gọi điện cho nhà nghiên cứu Lê Xuân Đức ngay sau đó nhưng điện thoại của ông không “bắt sóng”. Vậy nên có điều gì thất thố xin được lượng thứ. Rất mong có dịp gặp lại ông ở Cao Bằng để nhận sự chỉ giáo của ông.

Cao Bằng, ngày 20-12-2012

Hoàng Quảng Uyên

;
.
.
.
.
.