Hàng trăm bộ hồ sơ cán bộ đi B của thành phố Đà Nẵng đang lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Đà Nẵng sẽ được trao trả cho người thân đúng vào dịp 30-4 lịch sử này. Lần tìm lại theo hồ sơ, tôi may mắn gặp được gia đình ông Bùi Công Trọng để nghe và hiểu hơn về chân dung một cán bộ đi B qua hồi ức của bà Lê Thị Danh - vợ ông và các con.
Bà Danh cùng các con đang lần giở lại những kỷ vật, tư liệu về ông Trọng. |
Tại căn nhà số 51B trên đường Phan Bội Châu có một kho kỷ vật của ông Bùi Công Trọng được bà Lê Thị Danh và những người con lưu giữ. Từng nét chữ, bút tích, dòng thư, lời căn dặn, những bức ảnh về ông Trọng dù trải qua nửa thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn. “Tôi nhớ từng lời, từng câu mà ông ấy nói với tôi từ khi quen nhau, tới lúc gia đình chia xa vì chiến tranh loạn lạc. Những bức thư ông ấy viết vội; bài thơ, bức thư trao đổi giữa ông ấy và nhà thơ Tố Hữu - bạn học cùng nhau; ngày tôi vào chiến trường gặp ông ấy... như còn in nguyên trong trí nhớ”, bà Danh, năm nay 88 tuổi nhưng còn minh mẫn, xúc động hồi tưởng lại ký ức về chồng.
Hai ông bà yêu nhau khi bà còn là thiếu nữ 16 tuổi. Gia đình bà giàu có, trong khi nhà ông Trọng nghèo rớt mồng tơi, nhưng lại nhiều cái chữ. “Có bao nhiêu đám trai trẻ, có điều kiện muốn cưới tôi làm vợ, nhưng tôi lại yêu ông ấy hơn tất cả, ngay từ khi biết cảm nhận về tình yêu. Hơn nữa, tôi yêu ông ấy vì một lẽ quan trọng hơn, ông ấy có học”, bà Danh tự hào.
Năm 1953, theo đường rừng dọc dải Trường Sơn, ông Trọng từ Quảng Nam ra dự hội nghị Việt Bắc với chức danh là cán bộ Kinh – Tài Liên khu V, sau đó, ông được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Công ty Bách hóa Hà Nội. Năm 1963, ông Trọng đi B, vào công tác tại Ban Kinh – Tài Trung ương Cục miền Nam, sau đó làm trưởng Thương vụ Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Campuchia - cơ sở trực tiếp vận chuyển cung cấp quân dụng, vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam. Năm 1970, ông trở lại miền Bắc, đến năm 1973 quay về miền Nam, công tác tại Ban Kinh – Tài liên Khu ủy Khu 5. Sau giải phóng, ông tiếp tục làm việc trong ngành Thương mại cho đến 1982 về hưu. Năm 2007, ông Bùi Công Trọng qua đời ở tuổi 90.
Năm 1973, bà Danh được vào chiến trường Khu ủy Khu 5 thăm chồng. Trên chuyến xe buýt vào đơn vị, khi bà đang háo hức, chờ đợi những lời hỏi thăm ân cần, tình cảm tha thiết mà ông dành cho mình và gia đình thì chỉ có sự im lặng. Đến gần cuối đường, đột nhiên ông Trọng hỏi: “Em có làm được tương không?”...
Vào đến đơn vị, bà Danh mới vỡ lẽ, thời điểm đó, toàn đơn vị chỗ ông Trọng đóng quân, anh em đang khó khăn, đói kém. Ông muốn bà vào thăm, biết cách làm tương để cải thiện bữa ăn cho anh em. “Tuy nhiên, sau này tôi cũng hiểu thêm ẩn ý của ông ấy nữa. Không chỉ là việc quan tâm anh em trong đơn vị, mà phần nào ông ấy “kiểm tra” tôi công việc “làm con, làm mẹ, làm cha” ở nhà có đảm đang hay không. Ổng bắn mũi tên trúng 2 đích đấy”, bà Danh dí dỏm.
Trong cái hộp “gia bảo” gìn giữ kỷ vật của gia đình bà Danh, điều tôi chú ý nhất là 8 điều ông Trọng dặn lại vợ trước lúc ông vào chiến trường miền Nam chiến đấu năm 1965. 8 điều dặn ấy, rất rõ ràng, chu đáo và tình cảm, cụ thể từng công việc. Từ lý tưởng, ý chí, suy nghĩ, cách đối mặt lúc khó khăn và niềm vui khi thắng lợi đối với làm cách mạng; có tổ chức, chu đáo, cẩn thận, nhẫn nại và bình tĩnh với công việc cửa hàng bách hóa; đảm đang, nuôi dạy con cái một cách có khoa học, chu toàn.
Bàn tay bà Danh run run lật từng trang hồi ức, nhắc lại kỷ niệm về nỗi nhớ chồng khi ông đi vào chiến trường chiến đấu: “Hồi đó, ngay cả nỗi nhớ cũng không được tự do thể hiện. Mỗi lần đi làm về, tôi chỉ biết đạp xe đạp thật chậm lại, chậm từng vòng một để làm sao không phải nghĩ ngợi, giảm bớt nỗi nhớ ông ấy mà mọi người không nhận ra. Cho đến ngày nhận được thư ông ấy gửi về thì mới đỡ lo lắng và vợi đi phần nào nhớ nhung”.
Chiến tranh đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng trong tâm trí bà Danh, hồi ức về nó chưa bao giờ nhạt phai. Bây giờ mỗi lần đại gia đình bà tập trung con cháu, bà lại cùng con cháu mang cái hộp gia bảo ấy ra để lần giở những hồi ức về người chiến sĩ cộng sản, người chồng kính yêu và người cha tôn kính. “Có thể bỏ lại tất cả của cải vật chất, nhưng những kỷ vật về cha tôi, mẹ tôi luôn khư khư giữ bên mình”, ông Bùi Công Minh, người con trai trưởng của ông Bùi Công Trọng, cho biết.
TRỌNG HUY