.

Nhà văn Sơn Tùng - giấc mơ hai mươi năm

Sau chiến thắng 30-4-1975, có nhiều bài hát hay, ca vang tưng bừng đầy hào khí về ngày thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, trong số đó có bài Gửi em chiếc nón bài thơ (nhạc Lê Việt Hòa, phỏng thơ Sơn Tùng). Một bài hát tươi mới với những lời thơ chân mộc, da diết: “Nón bài thơ, em đội nón bài thơ đi đón ngày hội mới, nước non ta nay một dải, vẹn tròn như chiếc nón bài thơ”. Ngày hội mới chắc chắn là ngày hội non sông 30-4-1975. Thơ và nhạc chắc chắn được làm sau ngày 30- 4-1975.

Thế nhưng, điều đó chỉ đúng một nửa! Đúng là nhạc sĩ Lê Việt Hòa viết bài hát đó sau ngày giải phóng miền Nam nhưng bài thơ thì đã được nhà văn Sơn Tùng viết trước đó 20 năm, năm 1955.

Tôi thắc mắc hỏi nhà văn Sơn Tùng: “Năm 1955, làm gì đã có ngày hội mới?” và làm gì đã “nước non ta nay một dải”. Ông trả lời: “Đó là nỗi mong mỏi, niềm mơ ước, là giấc mơ! Hoàn toàn tưởng tượng. Giấc mơ và sự tưởng tượng có căn cứ vững chắc vì khi ấy, chỉ mấy tháng nữa là sang năm 1956, sẽ tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà theo hiệp nghị Giơnevơ. Gần lắm, chắc lắm nên mình mới dám “hạ bút” mơ như thế! Ngờ đâu giấc mơ đó kéo dài 20 năm sau mới thành hiện thực”.

Trong tĩnh lặng, nhà văn Sơn Tùng kể cho tôi nghe xuất xứ bài thơ: “Năm 1955, mình là đại biểu sinh viên Việt Nam dự đại hội liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 5 tại Vácsava - Ba Lan. Trên đường đi có dừng lại ở Mátxcơva (Liên Xô), đi chơi phố bất chợt nhìn thấy một cô gái Nga đội chiếc nón lá Việt Nam (nón bài thơ), mình xúc động quá, chợt nhớ những người thân yêu ở quê nhà. Cảm xúc trào dâng thành thơ. Về nước mình đem nộp bài thơ để báo cáo, sau in trong Nội san Sinh viên năm 1955. Năm 1960 in báo “Thống Nhất”.

“Giấc mơ đẹp” cộng với tài năng của Sơn Tùng đã làm nên những câu thơ giàu nhạc điệu, đậm tình: “Anh gửi tặng nón bài thơ quê mẹ/ Gửi cho em dòng sông cửa bể/ Cả vầng trăng và cả trời xanh” và những câu thơ tiếp theo đậm chất dân ca, ước lệ nhưng không hề cũ: “Nước dưới sông khi đầy, khi cạn/ Trăng trên trời khi tỏ, khi mờ/ Tình đôi ta từ bấy đến giờ/ Vẫn tròn vẹn như nón bài thơ em đội đầu”.

Nhà văn Sơn Tùng không chỉ có một bài thơ đột xuất hay như thế, ông đã viết trên một trăm bài thơ, trong đó có nhiều bài thơ hay. Thơ ông da diết, lãng mạn. Bài Cửa sổ xanh ông viết sau khi ông vào miền Nam làm báo Thanh niên giải phóng trở ra (năm 1971) là một trong rất nhiều ví dụ. Hồi đó (năm 1967) nhà ông ở phố Nam Đồng (nay là phố Nguyễn Lương Bằng), đối diện phòng ông qua cây bàng là căn phòng nhỏ có cô bé nhí nhảnh, ngây thơ mà ông yêu mến. Người và cảnh vào thơ như đi vào một khu rừng xanh tinh khôi, thánh thiện: “Cửa sổ anh hướng về mặt trời lặn/ Cửa sổ em hướng về mặt trời lên/ Cây bàng đứng giữa hai chiều cửa sổ...” và “Anh không nhớ thời gian/ Mà đếm tuổi cây bàng qua màu lá/ Và đo tầm lớn của em qua cửa sổ/ Qua chiều sâu thương nhớ giữa lòng anh”.

Sơn Tùng vác ba-lô vào chiến trường mang theo hình ảnh cô gái bé nhỏ và cây bàng rụng lá. Năm 1971, Sơn Tùng bị thương nặng tại miền Đông Nam Bộ, ra miền Bắc với xác nhận thương binh 1/4. Sau thời gian điều dưỡng ông trở lại căn gác xưa ở phố Nam Đồng. Căn gác của ông giờ đã có người khác ở. Từ căn gác cũ, ông nhìn sang căn gác của cô gái nhỏ, chỉ thấy “Cửa sổ xanh xiêu vẹo/ Cây bàng nhiều vết sẹo/ Những hố bom lõm lồi” chợt nghe “Tiếng ru con lay động/ Xa vời...”. Ông chợt tỉnh, lặng lẽ rời xa căn phòng đầy kỷ niệm, trong tiếng ru... bâng khuâng, về một căn gác nhỏ ở ngõ Văn Chương... đến tận bây giờ.

Đọc thơ Sơn Tùng ta cảm nhận thêm được chất thơ trong các tác phẩm văn xuôi của ông như Búp sen xanh, Búp sen vàng... Và mỗi khi nghe lại bài hát Gửi em chiếc nón bài thơ, nhất là vào dịp 30-4, tôi lại nhớ nhà văn - nhà thơ Sơn Tùng - người anh mà tôi rất kính trọng và có đôi kỷ niệm.

Trại sáng tác Tam Đảo 15-4-2013

HOÀNG QUẢNG UYÊN

;
.
.
.
.
.