Đầu năm 1975, tôi đang chữa bệnh và điều dưỡng ở miền Bắc thì nhận được thư nhà từ Quảng Nam gửi ra cho biết các chiến thắng lớn dồn dập của quân ta tại các huyện Thượng Đức, Tiên Phước, Núi Thành, Tam Kỳ…
Tôi mừng quá, lòng những bồn chồn háo hức, mong đợi ngày về để được tận mắt chứng kiến cảnh quân địch trong giờ phút tan rã. Trong những tin chiến thắng mà tôi nhận được ngày ấy, có tin trận đánh Đức Phú là cụ thể mà tôi còn giữ được.
“Ngày 6-5-1974, ta san bằng cứ điểm Đức Phú, một cứ điểm rất kiên cố, chỉ có một con đường cheo leo từ dưới chân dẫn lên đỉnh đồi, bộ đội ta tiến sát, vây ép ngay địch trong đêm đầu, nhưng gần một tuần lễ, không làm sao vượt được con đường độc đạo dốc đứng khi pháo cối, súng AR15 của địch hoạt động ráo riết. Cuối cùng, nhờ quyết tâm và sáng kiến của các chiến sĩ đặc công tinh nhuệ, ta mới mở được đường lên. Trong trận này, một tiểu đoàn của Sư 2 anh hùng đã diệt gọn 2 tiểu đoàn, 1 đại đội và 6 trung đội ngụy, giải phóng hơn 4.000 dân”.
Rồi suốt trong tháng 3-1975, báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình Hà Nội liên tục đưa tin giải phóng các tỉnh, mở màn là Ban Mê Thuột, Pleiku, toàn bộ Tây Nguyên, rồi đến các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng. Không khí Thủ đô rộn rịp hẳn lên, ngày đêm sôi động, tưng bừng. Các loa phóng thanh luôn thông báo tin chiến thắng, tin giải phóng từng ngày, từng giờ. Ở các ngã ba, ngã tư, người đi đi lại lại, ai cũng có vẻ tất bật. Trên tàu điện, tàu lửa, hành khách náo nức, phấn khởi, reo vui, gương mặt ai nấy đều rạng rỡ.
Trưa 30-4-1975, tin giải phóng thành phố Sài Gòn lan nhanh, khắp Hà Nội tràn ngập cờ hoa, và rền vang tiếng pháo.
Anh chị em cán bộ miền Nam ra chữa bệnh, điều dưỡng, ai cũng nôn nóng trở về nhưng phải nén lòng chờ phương tiện, vì xe cộ không đủ để giải quyết cho lượng người đông đúc. Mãi đến đầu tháng 8-1975 mới có một chuyến vào mà tôi may mắn được có tên trong danh sách để lên xe ấy.
Hai năm trước, tôi đi ra trên đường Trường Sơn dốc đèo hiểm trở, lại qua những ngầm nước sâu, lạnh ngắt. Hôm nay trở về được đi trên quốc lộ 1, dẫu chật chội, nóng bức, lòng cũng cứ thênh thênh nhẹ nhàng, quên cả nắng chói chang. Hai bên đường, cảnh vật như xanh tươi hơn, mừng cho đất nước vui mùa xuân đại thắng.
Sau hai ngày đêm, đèo Hải Vân hùng vĩ hiện ra dưới màn sương mỏng, và chẳng mấy chốc xe dừng lại trước tượng Phật, phía trên ngã ba Huế. Chúng tôi đi xe lam vào thành phố, đến 64 Thái Phiên là nơi đón tiếp cán bộ từ Bắc trở về.
Hôm sau, tôi tìm đến ngôi nhà số 200 Bạch Đằng, nơi ở tạm của cán bộ Mặt trận từ chiến khu về. Chồng tôi đang ở đây, anh vô cùng mừng rỡ vì tôi về bất ngờ, không báo trước.
Hôm sau, hai chúng tôi cùng về quê, ở phía Bắc Tam Kỳ 5 cây số. Tại đây, thời Mỹ ngụy nhân dân bị o ép, cán bộ cách mạng bị sát hại nhiều. Cũng tại đây, vào cuối tháng 8-1954, đã xảy ra một vụ tàn sát thảm khốc do địch gây ra.
Không thể nói hết nỗi vui mừng của những người trong gia đình khi thấy tôi về mạnh khỏe sau hơn mười năm ra vùng giải phóng tham gia công tác. Cô tôi và chị tôi già đi nhiều, tóc bạc trắng, nhất là chị tôi trông rất tiều tụy. Bao nhiêu năm bị ngụy quyền ức hiếp về tội có em, có cháu, có con tham gia cách mạng. Chúng không kể gì đến tuổi già, chân yếu, mắt mờ của chị, đêm đêm còn bắt chị vác chiếu, đeo mõ ra đầu cầu canh gác. Chị gắng gượng nuốt nỗi đau vào lòng, gắng gượng sống để giữ gìn vườn tược, nhà cửa của cha mẹ, để chờ đợi các em trở về.
Bà con trong xóm nghe tin, ai cũng chạy đến mừng rỡ, chào hỏi tíu tít. Các bà mẹ, bà chị hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về bộ đội giải phóng, ai cũng trẻ trung, lễ phép, về giải phóng quê hương rất mau lẹ, tài tình, địch không kịp trở tay, ra đầu hàng từng loạt.
Qua giây phút sum họp đầy hạnh phúc, ai nấy chợt lặng đi, xúc động, tưởng nhớ đến 3 thành viên đã hy sinh, vĩnh viễn rời xa mái ấm gia đình, không được thấy ngày vui đại thắng. Đó là con gái tôi và hai cháu trai, con của anh chị tôi. Một cháu đã cầm súng chống lại hỏa lực của xe tăng địch để bảo vệ cho đồng bào rút lui, bị trúng đạn ngay ngực. Một cháu bị địch bắt tra tấn dã man rồi thủ tiêu, nay không biết mồ mả, không biết ngày tháng hy sinh.
Nước mắt đã rơi trong ngày vui. Không riêng gì gia đình tôi, mà hàng vạn, hàng triệu nhà cùng chung nỗi đau thương này. Nhưng rồi nghĩ đến thắng lợi chưa từng thấy của dân tộc, chúng tôi lại phấn khởi tự hào. Tôi bỗng nhớ đến một câu rất hay mà tôi được đọc ở đâu đó: “Trong chiến đấu, có lúc gian khổ, có lúc đau xót nhưng không hề có tủi nhục, tràn đầy một niềm tự hào to lớn về trách nhiệm của mình”.
Bà Phan Thị Miều (bút danh Phan Thị Mỹ Khanh, Thanh Minh) trước năm 1975 công tác ở Văn phòng Ban Đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trung Trung Bộ; sau năm 1975 phụ trách Thư viện Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Tại thời điểm 1975, chồng bà-ông Đống Lương là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Trung Trung Bộ. |
PHAN THỊ MIỀU