.

Phiên dịch và chuyện “bếp núc”

.

Công việc phiên dịch cho các đội, nhà tư vấn, kỹ thuật và ban giám khảo trong Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) do 12 bạn trẻ 8X và 9X (phòng Lễ tân, Sở Ngoại vụ thành phố) đảm trách. Cứ ngỡ phiên dịch là phần việc khá nhẹ nhàng, nhưng ít ai biết, để có hai đêm pháo hoa diễn ra suôn sẻ, những “chiếc cầu nối” này đã miệt mài với rất nhiều phần việc bếp núc suốt 9 tháng ròng.

Đón và làm “tai, mắt” cho các đội trong suốt những ngày thi là công việc thường xuyên của nhóm phiên dịch. TRONG ẢNH: Vũ Quỳnh Trâm, (ngoài cùng bên phải) chuyên viên Sở Ngoại vụ đón đoàn Nga tại Sân bay Đà Nẵng, trưa 22-4-2013.
Đón và làm “tai, mắt” cho các đội trong suốt những ngày thi là công việc thường xuyên của nhóm phiên dịch. TRONG ẢNH: Vũ Quỳnh Trâm, (ngoài cùng bên phải) chuyên viên Sở Ngoại vụ đón đoàn Nga tại Sân bay Đà Nẵng, trưa 22-4-2013.

Không thể đếm hết đầu việc

Gắn bó với DIFC từ năm đầu tiên, đến nay, Trương Lê Dung 27 tuổi, chuyên viên Sở Ngoại vụ, phụ trách phiên dịch và điều phối thông tin đã không còn tỏ ra bỡ ngỡ mỗi khi mùa pháo hoa đến. Dù vậy, với Dung, mỗi năm lại có những cái mới và phát sinh thêm một vài thử thách. Thế nên, áp lực luôn là điều các bạn phải đối mặt thường xuyên.

Pháo hoa được trình diễn vào tháng 4 hằng năm, nhưng từ tháng... 7 của năm trước, các bạn đã chính thức bắt tay vào việc. Suốt 9 tháng, Dung cùng nhóm mình tham gia hàng tá công việc từ tìm kiếm đội thi, hỗ trợ các thủ tục vận chuyển pháo hoa và thiết bị bắn của các đội về đến Đà Nẵng một cách an toàn, đến lo chuyện ăn, ở, đàm phán vé máy bay, đặt chỗ cho các đội thi. Nói chung là từ hậu cần đến công tác bảo đảm cơ sở vật chất và các vấn đề kỹ thuật đều “qua tay” những bạn trẻ này.

Chưa kể, những ngày hối hả lắp pháo chuẩn bị thi cũng là lúc các bạn túc trực ở cảng 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. “Trai gái gì cũng phơi nắng như nhau, đến hết mùa pháo hoa thì đứa nào đứa nấy đen nhẻm”, một bạn nói. Trong khi đó, với Lê Hồng Điệp, 24 tuổi, chuyên viên mới toanh của Sở, phụ trách đội Nhật Bản, trọng trách này khiến bạn hơi run. Để có thể hoàn thành một nhiệm vụ lớn như thế, Điệp phải đọc kỹ tài liệu và tìm kiếm các thông tin về đội mình sẽ phục vụ. Ngày trình diễn, cô và bạn bè phải luôn ở trong tư thế tác nghiệp để làm tròn vai trò của mình.

Đủ làm… “pháo thủ”

Các bạn nói vui là nhờ cùng ăn, cùng ở với pháo hoa mà giờ đây vốn hiểu biết về kỹ thuật đã tăng lên rõ rệt. Nếu ngày đầu, dịch cho sát nghĩa những từ chuyên môn như ống phóng, kíp nổ, v.v… là chuyện hơi khó khăn, thì nay, đôi khi kỹ thuật viên vừa nói ra chữ đầu, các bạn đã hiểu ngay vấn đề.

Cũng như Lê Dung, Lê Quang Phúc, 26 tuổi, phụ trách dịch cho đội Việt Nam, may mắn được tham gia pháo hoa từ khi còn là chàng sinh viên thực tập của Sở Ngoại vụ. Vì thuộc dạng kỳ cựu nên năm nay Phúc thấy công việc đã quen thuộc hơn. “Mình đã ngồi ngẫm lại xem những gì còn vướng mắc ở các năm trước để rút kinh nghiệm làm tốt hơn trong năm nay. Việc vẫn vất vả, nhưng quen rồi nên chủ động sắp xếp trôi chảy chứ không chạy cuống cuồng như trước nữa”, Phúc nói.

Dù là “người của ban tổ chức”, nhưng trong hai đêm trình diễn pháo hoa, như chia sẻ của Lê Quang Phúc: “Lúc mọi người được ngắm nhìn pháo hoa trên bầu trời, thì bên dưới, bọn mình đang đứng ở ca-bin, sau cánh gà hay khu vực kỹ thuật để làm nhiệm vụ và không còn chút tâm trí nào để tận hưởng bữa tiệc ánh sáng ấy”. Dẫu vậy, được đóng góp thầm lặng để đem lại thành công cho thương hiệu DIFC là một niềm tự hào lớn lao khó đong đếm và cùng với đó là những trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc sống của nhóm bạn trẻ này.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.