Mới bảy giờ sáng, chưa ra đường mà mồ hôi đã rịn rịn lưng áo. Đến mười giờ thì gần như dầm dề. Khoảng trưa, xem như hết chịu nổi, nhất là khi phải chạy xe máy chậm rì rì. Đường phố đông cứng. Nắng như đổ lửa. Khói xe nghịt. Hơi xăng ngột.
Ảnh: Internet |
Sao khổ thế, cái thời tiết này!
Dừng xe chờ đèn đỏ, nhiều người cố gắng len xe đến cái bóng mát trước mặt, của một chòm lá ít ỏi từ hàng cây bên lề rớt ra trên khoảng đường nhựa, thậm chí bóng của một dải băng-rôn giăng ngang, mảnh mỏng. Mà cũng chỉ trong khoảng tích tắc trên dưới mươi giây đồng hồ của thời khắc chờ đèn xanh bật sáng.
Sao quý quá, cái bóng nhỏ nhoi ấy?
Đã có biết bao nhiêu những kêu gọi, những rao giảng, những biện pháp… mà sao cây xanh cứ mất dần đi? Từ những tranh luận về rừng giữa hai nhà khoa học lâm sinh người Pháp Re’aumur và Buffon mấy trăm năm trước. Từ điều lệnh của Piere đại đế trừng trị những kẻ đốt lửa cách một gốc cây sồi khoảng ba arsin (1) để bảo vệ giống cây gỗ quý này. Từ một cái am miếu nhỏ được xây ở bên ngoài một khu rừng cần bảo vệ để “hù dọa” những kẻ trộm chặt cây về sự trừng phạt sẽ xảy đến của những thế lực siêu nhiên.
Mà, sao trên cả cái hành tinh gọi-là-xanh này, cây xanh vẫn cứ lao nhanh về phía trơ trụi?
Để bây giờ, giữa buổi trưa nắng đổ hào quang này, bao nhiêu con người phải cố len đến bên dưới cái bóng mỏng mảnh của một dải biểu ngữ giăng ngang đường phố? Có mấy ai “nhìn lại” để thấy sự bội bạc trước những thân yêu nhỏ bé của chính con người? Có câu hỏi nào thoáng qua tâm trí, khi cái đầu được tạm thời che mát từ cái bóng rung rinh trên kia? Mà, cái bóng ấy là gì? Có phải đó là “cái hư /cái thực /cái mất /cái còn /cái có cái không /chập chờn / cái bóng…” (2) như lời của một người bạn (đã qua đời) từng nói?
Bao giờ, con người sẽ nhìn thấy rõ hơn và hiểu được chút gì về những cái bóng?
29-4-2013
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
(1) Đơn vị đo chiều dài của người Nga cổ, mỗi arsin bằng 0m71.
(2) Thơ Hoàng Tư Thiện.