.

Cầu thị và chiêu mộ

.

15 năm qua, thu hút nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành chiến lược ưu tiên hàng đầu của TP Đà Nẵng. Ngay từ khi mới chia tách từ tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (năm 1997), thành phố từng bước hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực với những chủ trương, giải pháp, thể hiện sự cầu thị của lãnh đạo thành phố, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ và bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh chụp ảnh lưu niệm tại buổi nói chuyện với các cán bộ trẻ khi còn là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. 						                             Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh chụp ảnh lưu niệm tại buổi nói chuyện với các cán bộ trẻ khi còn là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Có thể nói, tuy chế độ đãi ngộ của Đà Nẵng chưa hẳn đã hấp dẫn bằng khu vực doanh nghiệp hoặc tổ chức khác ngoài nhà nước, nhưng đã có cách nghĩ, cách làm mới. Chính sách thu hút nguồn nhân lực đi vào thực chất, hiệu quả, được triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới chứ không mang tính hình thức. Sau khi được tuyển dụng, các đối tượng thuộc diện thu hút đã được hỗ trợ một lần với mức tiền tương ứng với bằng cấp họ đang có, đồng thời còn nhận được sự đãi ngộ về tiền lương và trợ cấp hằng tháng trong 5 năm; được tạo môi trường làm việc thân thiện và bố trí chỗ ở; luôn được tạo điều kiện để tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ… Ngoài ra, thành phố cũng có chính sách hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn.

Sau 15 năm thực hiện, TP Đà Nẵng đang có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tương đối chuyên nghiệp, có khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao một cách chủ động và sáng tạo với 1.043 đối tượng thu hút có trình độ, phẩm chất và bản lĩnh chính trị vững vàng để bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn.  Các đối tượng thu hút nhận được đánh giá cao về chuyên môn từ lãnh đạo cơ quan và đồng nghiệp, cứ 5 đối tượng thu hút thì có 1 người có cơ hội thăng tiến cao, với 138 đối tượng được bổ nhiệm từ phó, trưởng phòng đơn vị thuộc sở, ngành trở lên, 50 đối tượng được bổ nhiệm tại quận, huyện… Những nỗ lực liên tục, kiên trì trong thu hút nguồn nhân lực góp phần để nhiều năm liền thành phố giữ được vị trí hàng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin cùng với nhiều kết quả nổi trội trong cải cách hành chính.

Có lẽ, điểm khác biệt quan trọng nhất trong thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực của Đà Nẵng chính là thái độ cầu thị của lãnh đạo thành phố khi chiêu mộ nguồn nhân lực, nhất là những đối tượng thu hút ngoài địa phương về làm việc. Đà Nẵng hiểu rõ việc biệt đãi người tài không chưa đủ, mà cần phải tạo niềm tin ở nơi họ. Mặc dù với Đà Nẵng, chính sách thu hút chỉ mới dừng lại ở việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng chứ chưa quy tụ người tài, đặc biệt là những nhà khoa học đầu ngành. Nhưng lãnh đạo thành phố luôn tôn trọng sự cống hiến của đối tượng thu hút, thể hiện qua việc bố trí đúng chuyên môn sở trường, mạnh dạn giao việc, luôn đánh giá khách quan, đúng mực và tạo điều kiện cho họ được thăng tiến.

Những thành quả sau 15 năm thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực cho TP Đà Nẵng là rất lớn, song cũng cần nhận thức được rằng, việc thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân tài không hề đơn giản. Trong quá trình thực hiện, TP Đà Nẵng cũng vấp phải nhiều vướng mắc. Vấn đề thuê nhà chung cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn; vẫn còn một tỷ lệ đối tượng thu hút chưa đáp ứng yêu cầu công việc, còn một số hạn chế về kỹ năng, phát huy năng lực và chưa khiêm tốn; mức lương và trợ cấp về lâu dài chưa đảm bảo cho đối tượng thu hút sống bằng lương. Có thể, những cái chưa phù hợp trong thực hiện chính sách thu hút nhân tài nêu trên là một trong những nguyên nhân khiến cho hơn 10% đối tượng thu hút chưa hài lòng với Đà Nẵng và “dứt áo ra đi”. Một lãnh đạo chịu trách nhiệm thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực cũng chia sẻ: “ Sự vênh nhau giữa đào tạo và nhu cầu thực tế thì ở đâu cũng có. Không có trường nào học xong rồi vô cơ quan nhà nước là làm việc được ngay. Tuy nhiên người nào thích ứng nhanh, tự điều chỉnh thì thấy phù hợp. Người nào muốn đi tìm nơi phù hợp hơn thì chưa hài lòng…”.

Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng mục tiêu phát triển mới, nhiều địa phương trên cả nước đã nhìn thấy rõ vai trò quan trọng của nhân tài trong phát triển kinh tế, xã hội và đã có hàng loạt chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”. Tuy hiện nay, lực hút của Đà Nẵng còn yếu so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nên chỉ hút được nguồn nhân lực ở miền Trung. Nhưng với chủ trương “luôn rộng cửa - tạo điều kiện phát huy năng lực”, chính sách thu hút riêng lẻ, từng vị trí, giải quyết về số lượng và từng bước nâng dần về chất lượng, trong thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để tạo được sức hút với đông đảo nguồn nhân lực cống hiến lâu dài cho sự phát triển bền vững của Đà Nẵng.

TRẦN HÀ
 

;
.
.
.
.
.