Từ Hà Nội, chúng tôi lên Điện Biên Phủ bằng con đường năm xưa cha anh đã kéo pháo, thồ hàng đi chiến dịch. Ai đó trong xe đang nhẩm đọc câu thơ Quang Dũng: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm - Heo hút trời mây súng ngửi trời".
Mô hình bộ đội ta hò kéo pháo tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên. (Ảnh Internet) |
Đường lên Tây Bắc có vẻ đẹp hoang sơ, thấp thoáng bóng sơn nữ. Trên những sườn núi, các thửa ruộng lớp lớp như những chiếc thang bắc vào mây lần lượt đổi màu theo từng mùa lúa chín. Xa xa một vài nếp nhà sàn mái tranh bàng bạc. Những cái tên như Cò Nòi, Pha Đin, Thẳm Phúa, Chiềng Xôm, Tằng Quái... lại lần lượt hiện ra.
Lên Tây Bắc lần này, tôi muốn tìm về những kỷ niệm đời lính cách đây 34 năm. Năm 1979, tôi nằm trong đội hình Sư đoàn 391 mở con đường 279 chạy ngang qua Sơn La. Con đường chúng tôi mở như một cánh cung một hành lang thông tuyến. Chiến sự biên giới phía Bắc dội về, những anh lính mở đường như Trường Sơn năm nào lại sốt rét rừng lại mưa trắng bợt da, lại thêm "ruồi Vàng, bọ Chó, gió Than Uyên". Dạo ấy, chúng tôi, những người lính trong đội tuyên truyền văn nghệ của sư đoàn đi trên tuyến đường này bằng những chiếc xe Din 130, xe IPha lắc lư muốn hất tung người xuống vực sâu. Bản Chiềng Phấc bây giờ ở đâu? Pà Phắc - Uôn đã kịp bắc cầu chưa? Và Quỳnh Nhai đã mở mỏ than lộ thiên... Bao địa danh thấp thoáng lộ về như ánh mặt trời trên phù sa sông Đà đỏ.
Tôi mang theo cuốn tùy bút "Sông Đà" nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân, bất chợt giở ra một trang gặp ngay bài "Xòe". Ông nhà văn được mệnh danh là người phù phép vào câu chữ này đã cẩn thận đếm như năm nào, ông đã đếm trên cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải dưới tuyến có bao nhiêu tấm ván gỗ. Ông viết: "Người miền xuôi yêu thơ Kiều dài 3.254 câu lục bát như thế nào thì người Thái trắng, Thái đen đã yêu quý 1.600 câu thơ "Sóng chụ xon xao" (Tiễn đưa dặn dò người yêu) như thế. Nhưng qua một tập thơ dài kia cuộc đời Thái trước đây, giăng màn ra bao nhiêu là ánh mây sầu. Thơ ca Thái hồn hậu nhiều hình ảnh, nhiều thiên nhiên". Tôi đã kịp học thuộc vài câu tục ngữ bằng tiếng Thái để làm vốn cho những cuộc giao lưu: "Cốn ta chưn lé cốn mái lẩu máu đẩy - Phủ thẩu lé sao hám bấu đẩy" (Người tỉnh nhìn người say không được - Người già nhìn gái tơ không được).
Tôi có cảm giác Tây Bắc thật thơ mộng và đắm đuối, đắm đuối cả làn khói cơm nếp thơm, đắm đuối cả những khúc sông chợt thắt lại, chợt mở ra chạy dọc theo tuyến quốc lộ. Đắm đuối từng đôi mắt cô gái Thái đa cảm đến bùi tóc tằng cẩu trên đầu, đắm đuối cả hàng cúc bạc như những con bướm trắng đính hờ trên bộ ngực phập phồng với thắt eo lưng duyên dáng. Đắm đuối từng câu mời rượu, Phì Noọng ơi! Tây Bắc bất chợt và huyền thoại. Cảm giác thảng thốt luôn thường trực trong tôi. Từng chùm hoa gạo đỏ như đàn chim trời chợt bay, chợt đậu "Hoa gạo rắc trong nỗi nhớ nhà".
Đợt này chúng tôi lên Tây Bắc đã qua mùa hoa ban trắng. Dọc những cánh rừng là bạt ngàn hoa dẻ và tiếng ve kéo nứa chớm vào hè. Tiếng ve thổn thức âm âm từ lòng rừng như tiếng của ngàn xưa úp mặt vào cây mà tình tự mà ấm ức mà dạt mỏng cái nắng ngọt đầu mùa và chăng những sợi chỉ đỏ thổ cẩm giăng mắt trong khí trời khí đất.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Mường Phăng từ trung tâm Điện Biên đến Mường Phăng chỉ khoảng 40km. Đường vào Mường Phăng hay còn gọi là khu rừng đại tướng ngút ngàn hoa trẫu trắng; rừng này còn nguyên sinh có linh khí tốt, không gian mát mẻ như bước vào một cuộc du lịch sinh thái... Đường vào khu di tích lịch sử Mường Phăng đã được lát bê-tông tuy còn hẹp nhưng sạch sẽ. Đó đây vẫn còn gặp những người phụ nữ Thái ngồi bán thuốc nam.
Tình cờ chúng tôi gặp một đoàn khách tham quan người Pháp, họ lên Điện Biên để dự hội thảo. Một người còn rất trẻ nghe nói là một giáo sư ở trường đại học đã sôi nổi trả lời câu hỏi của anh bạn phóng viên truyền hình đi trong đoàn qua phiên dịch:
- Ấn tượng của ông về khu rừng Mường Phăng?
- Thật tuyệt vời, rừng nguyên sinh rất xanh tốt, không khí trong lành, cảnh quan sạch đẹp. Một tướng không quân của chúng tôi đã đến thăm Mường Phăng và nói rằng: Người Pháp thua là đúng! Thua bộ giáp xanh của rừng che mắt máy bay, vũ khí hiện đại bất lực trước hoang sơ và ý chí của người Việt dẻo dai như thớ gỗ rừng, càng gió bão lớn càng xoắn, càng chắc.
Anh hùng Phan Đình Giót quê tôi cũng là một người lính nông dân. Tôi hình dung một Phan Đình Giót năm xưa chất phác, ít nói, hay cười với dáng người thấp đậm vòng ngực, vòng lưng, vòng tay cuồn cuộn. Tôi nghe kể lại rằng: Trước khi đánh trận mở màn đồi Him Lam, tiểu đội trưởng bộc phá Phan Đình Giót còn giơ tay chào mấy anh em văn nghệ sĩ ra tận chiến hào hẹn sau chiến thắng gặp lại. Bây giờ ảnh của anh treo trong bảo tàng Điện Biên vẫn khuôn mặt chữ điền, hồn hậu và nụ cười trẻ mãi với hơn hai mươi tuổi đời.
Hố bộc phá trên đồi A1. (Ảnh internet) |
Một đồng đội của anh kể lại: Cả thân mình lấp lỗ châu mai bịt chặt khẩu đại liên của địch đến nỗi người anh cháy đen không còn nhận được dạng, chỉ khi đồng đội móc túi áo lấy ra một tấm bìa nhỏ ghi tên: Phan Đình Giót mới biết đó là anh. Trong nghĩa trang Điện Biên anh nằm cạnh anh hùng Trần Can. Phan Đình Giót hy sinh ngày 13-3-1954, ngày mở đầu chiến dịch còn Trần Can hy sinh ngày 7-5-1954, ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Cả nghĩa trang 640 mộ mà tấm bia nào cũng chỉ ngời lên một ngôi sao đỏ không tuổi tên, không quê quán.
Chúng tôi gọi các anh bằng cái tên chung là: Chiến sĩ Điện Biên! Chiến sĩ Điện Biên mũ nan tre, dép lốp cao su ngủ hầm cơm vắt... Huyền thoại bao giờ cũng nhuốm sắc màu lãng mạn. Hút trên vòm trời xanh trong Điện Biên, một đàn chim bay về phía núi như vong linh các anh trở lại với rừng.
Vào thăm Bảo tàng chiến thắng ở Điện Biên tôi ngẩn ngơ trước chiếc xe đạp thồ cõng trên mình những bì gạo tròn căng. Một nhà báo Pháp đã ví những chiếc xe đạp thồ này là "dòng sông sắt huyền thoại". Ông viết: Trong cuộc tranh cãi vì sao Pháp thua trận sau này, không ít tướng tá Pháp đã đổ tội cho việc chưa hề có binh thư nào của phương Tây đề cập đến các kỹ thuật kém hiện đại ấy. Lấy xe đạp của người Pháp cải tiến thành xe vận tải không động cơ là phát triển kỳ diệu của người Việt Nam. Từ tháng 12-1953 cho tới hết chiến dịch Điện Biên Phủ hơn 20.000 xe đạp thồ cõng trên mình từ 200 - 400kg như những dòng sông nhỏ chảy len lỏi quanh co ở khắp núi rừng Tây Bắc. Phương tiện vận tải thô sơ này được điều khiển bởi những con người ăn không đủ no, ngủ trên những mảnh nilon trải trên mặt đất đã đạt tốc độ cao hơn cơ giới.
Đoạn từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ mỗi đêm xe thồ có thể đi được 25km trong khi ô-tô chỉ nhích được 15km. Ngoài chở lương thực và súng đạn, xe đạp thồ còn chở cả thương binh. Mỗi tổ xe thồ có 3 người để bảo đảm cho xe lên và xuống những con dốc cheo leo. Đêm đi, ngày nghỉ, bữa ăn thường chỉ có cơm và cá khô, mỗi tiểu đội có máng nứa đựng canh hôm thì bí đỏ hôm thì rau cải. Nhưng nhiều bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ như cháo pha loãng với muối và chút mỡ gọi là "canh đậu toàn quốc". Chợt vang lên trong tôi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam - Hoa Mơ lại trắng vườn Cam lại vàng" đã kết thành vòng hoa 5 màu sắc: Thanh (xanh), Hồng, Lam, Trắng và Vàng, đó cũng chính là vòng hoa của Điện Biên kính dâng lên hương hồn của các liệt sĩ.
Điện Biên hôm nay có nhiều đặc sản: rượu chít, măng đắng, thổ cẩm đủ sắc màu và đặc biệt là gạo thơm Điện Biên, thứ gạo mang nhãn hiệu IR 64 vừa dẻo vừa bùi. Ở đây có một đặc sản vô cũng quý báu vừa hoang sơ vừa thấm đậm tình người, đó là lòng mến khách. Xe máy, xe đạp buổi tối người dân cứ để ngoài hiên chỉ kéo cánh cổng lại.
Đêm cuối cùng trước khi rời Điện Biên chúng tôi được tham dự giao lưu với đội văn nghệ bản Ten cách trung tâm thành phố chưa đầy một cây số. Những cần rượu vít cong, khuôn mặt ửng hồng của cô gái Thái trong bộ váy áo truyền thống. Ngày đi làm nương tối ra sân khấu biểu diễn say sưa múa hát, say sưa chúc rượu. Tôi còn nhớ rõ một câu thơ của tác giả người Thái Lò Khum ín trong bài Siềng Suồi (Tiếng Thoi): "Ải tẳng ký đó suồi - Êm sót phím cống hụt" (Bố chuốt con thoi đựng khung cửi. Mẹ giăng vải mắc sợi cho em).
Xa rồi Điện Biên, nhưng có một Điện Biên giăng mắc ở bên lòng. Tuy không được gặp hoa ban, nhưng trong ký ức của tôi vẫn có những cánh ban mỏng tang, trắng nuốt đón mình như người bạn cũ, bền bỉ thủy chung gắn bó với đất đai sông núi nơi này. Vì theo cách nói của người Thái: "Đũa cong không ăn được - Bụng cong không ở được". Buổi sáng xe chúng tôi lên đường, anh bạn quay phim đã kịp thời ghi được hình ảnh chiếc máy bay ATR - 72 của Việt Nam Airlines đang cất cánh. Có một Điện Biên huyền thoại đang cất cánh bay lên từ trầm tích lịch sử.
NGUYỄN NGỌC PHÚ