Mỗi khi đi trên đường phố sáng lòa ánh điện, tấp nập người xe, nhìn về Cà Nhông, dãy núi phía cực Tây thành phố, trong tôi lại hiện lên hình ảnh những người bảo vệ rừng trong ngôi nhà tôn vách ván, không điện, không ti-vi, với những bữa cơm đạm bạc, ngày nối ngày lặn lội rừng sâu.
Tuần tra bảo vệ rừng. |
Trạm quản lý (QL) bảo vệ rừng Cà Nhông (tạm gọi tắt là Trạm Cà Nhông thuộc Ban QL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa), lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng núi. Hàng chục năm nay, 5 cán bộ, nhân viên tại đây, ngày ngày lặng lẽ vượt suối trèo đèo, tuần tra giữ bình yên những cánh rừng nguyên sinh.
Lần đầu tiên, tôi đến dãy núi này vào năm 2003. Hồi đó, từ ngôi nhà cuối cùng của làng Láy xã Tư huyện Đông Giang (Quảng Nam), vào đến Trạm Cà Nhông chừng 7 cây số phải lội bộ. Con đường ngoằn ngoèo xuyên qua những cánh rừng. Đoạn lầy lội, đoạn dốc đứng trơn trượt, lởm chởm đá. Chuyến đi ấy, tôi mệt lả, hoa mắt khi cùng tổ tuần tra leo qua con dốc dựng đứng, mọi người gọi là dốc Nghẹt Thở. Lúc đó, tôi đã toan ngồi bệt xuống đất nghỉ ngơi chốc lát, nhưng Phạm Đình Thuận, cán bộ thuộc Lâm trường Sông Nam (cũ) vội chạy lại khuyên: “Không ngồi được đâu anh. Vắt nhiều lắm. Cố gắng đi thêm đoạn nữa, đến cột mốc...”. Nhìn xuống dưới chân, tôi thấy hàng chục con vắt đang ngo ngoe chực bám vào giày.
Đêm Cà Nhông
Vừa qua, cùng đoàn công tác của Ban QL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, tôi lại ngược Cà Nhông. Đường vào Trạm Cà Nhông nay được sửa chữa ít nhiều, nhưng Trạm thì vẫn vậy. Mái tôn, vách ván, ẩn mình giữa rừng sâu hun hút. Có chăng, lớp tôn rét rỉ ngày nào đã thay bằng tôn mới. Nơi mười năm trước, người ta chăng tấm bạt hứng nước mưa nay là bể xi-măng đựng nước từ hệ thống tự chảy - là hạng mục duy nhất đổi thay kể từ năm 2003 đến nay tại Trạm. Góc sân, chảo ăng-ten ti-vi nghiêng ngả, hình như cả năm không sử dụng. Nhà trạm rộng khoảng 40m2, nền xi-măng xám xịt, một số chỗ bong tróc chưa trám lại. Vẫn những chiếc giường gỗ cũ của 10 năm trước, kê sát vách. Chiều xuống, những tia nắng vô tư xuyên vào nhà qua mấy lỗ thủng trên vách ván.
Đêm Cà Nhông xuống rất nhanh. Cơm nước xong là tối mịt. Ngồi trong nhà nhìn ra, trước mặt chỉ là màn đêm đen kịt. Gần chục người quây quần bên chiếc bàn gỗ cũ đặt trước hiên nhà, tán chuyện. Anh Nguyễn Quang Lộc, Trạm trưởng bật lửa thắp ngọn đèn dầu để trên bàn rồi thủng thẳng: “Có máy phát điện, nhưng hỏng từ lâu rồi. Mà máy tốt cũng chẳng có xăng để chạy. Tiêu chuẩn mỗi tháng chỉ được cấp hơn 10 lít dầu đủ thắp sáng. Từ lâu anh em chúng tôi đã quen cảnh này rồi. Hơn nữa, ngày lội rừng về mệt, tối cơm nước xong là ngủ”. Anh Phạm Đình Thuận, Trưởng phòng Kế hoạch Ban QL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa phụ họa: Trạm này 10 năm rồi có đổi thay gì đâu. Nhà cột gỗ lâu ngày bị mối mọt xông, ván che đã mục khá nhiều, hễ gió to là ăn ngủ không yên. Ban đã đề nghị cấp trên đầu tư xây dựng, nhưng chưa có tín hiệu gì.
Khổ nhất vẫn là lo lương thực, thực phẩm. Đường sá xa xôi, chuyển được cân gạo, con cá lên đến nơi quả lắm gian nan. Giá cả thường đắt gấp đôi so dưới xuôi. Anh em ở đây, cứ gọi là quanh năm cá khô, mắm cái cùng rau bầu tự tăng gia. Thu nhập của cán bộ, nhân viên chẳng nhiều nhặn gì. Cao nhất như anh Lộc, Trạm trưởng, hơn 30 năm bám rừng, tất tần tật chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Thâm niên ít như anh Tùng, anh Trung từ 2,5 - 2,9 triệu đồng/tháng. Số tiền đó chỉ đủ cho mỗi tháng, họ về Ban họp hành, thăm gia đình vài lần.
Bình yên rừng nguyên sinh
Cà Nhông, bình minh đến muộn. Hơn 8 giờ sáng, mặt trời chưa ló dạng, mây mù phủ kín trên các dãy núi như những khối bông khổng lồ. Theo kế hoạch, cơm nước xong tổ tuần tra có sự phối hợp của hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa lên đường tuần tra. Với ý định xem rừng nguyên sinh ở đây có an toàn như mọi người vẫn nói, tôi xin làm thành viên của tổ. Trước khi xuất phát, anh Lộc đưa tôi đôi tất dài: “Anh đi vào kẻo vắt chui đầy người. Tốt nhất là cầm theo túi muối. Hễ nó bám vào là xát ngay”.
Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông. |
Tổ 6 người, ai nấy lỉnh kỉnh balô, súng, roi điện, xuất phát lúc 9 giờ sáng. Tôi được ưu tiên không mang vác gì ngoài chiếc máy ảnh. Đoạn đầu, chừng vài km, đường khá bằng phẳng, vừa đi mọi người vừa chuyện trò vui vẻ. Đến khi leo dốc Nghẹt Thở để lên dãy Cà Nhông ai nấy lặng lẽ bước trong hơi thở gấp gáp. Đến giữa dốc tôi tụt lại sau cùng. Thế nhưng khi nghe tiếng cổ vũ: “Cố gắng lên, cố gắng lên” của mấy anh bảo vệ rừng trẻ tuổi, tôi nghiến răng, níu cành cây, nhích từng bước trên đoạn dốc dựng đứng, vượt qua trở ngại đầu tiên mà không đến nỗi mệt lả, hoa mắt như đợt trước.
Rừng già râm mát, không khí trong lành, dễ chịu, nỗi mệt nhọc qua nhanh. Vừa đi tôi vừa phóng tầm mắt ra xa. Rừng như bức tranh tuyệt đẹp. Vô số cây gỗ to thẳng nối tiếp nhau trùng điệp. Nhiều cây, vòng tay ôm không xuể. Rừng bình yên như không hề có dấu vết bị xâm hại.
Cột mốc bằng bê-tông ở độ cao 400m là điểm nghỉ đầu tiên của chặng đường dài tuần tra trong rừng sâu của lực lượng bảo vệ rừng Trạm Cà Nhông. Vừa tới nơi, ai nấy chọn chỗ không có lá cây để tránh vắt, ngồi và rôm rả chuyện trò.
Được biết, tuần nào, anh em cũng lội rừng 2-3 đợt. Nhiều chuyến đi cả tuần. Có chuyến, khi đi trời tạnh, khi về gặp mưa xối xả, nước suối dâng cao, phải chờ 2-3 ngày nước rút mới về được. Đó là chưa kể, biết bao hiểm nguy luôn rình rập. Theo anh Hồ Văn Hai, anh em còn phải lên đỉnh 800m, rồi xuôi về phía bên kia. Tuần tra theo đường giáp ranh này, lâm tặc xâm phạm vào rừng là biết ngay. Bởi lấy gỗ ra chỉ mỗi cách kéo qua đường giáp ranh, thể nào cũng để lại dấu vết. Rừng ở đây gỗ quý nhiều, nhưng xa xôi cách trở, lâm tặc ít khi xâm hại. Chỉ có bà con người Cơtu của địa phương, thỉnh thoảng chặt ít cây về làm nhà và săn bắt động vật hoang dã. Tính ra trong năm 2012, Trạm chỉ phát hiện phá hủy 1,3m3 gỗ và hàng trăm bẫy thú.
Hơn 3 giờ chiều mới về đến Trạm. Tại đó, lãnh đạo xã Tư, toàn người Cơtu, gồm Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Ngàn, Phó chủ tịch UBND xã Lê Thị Tuyết và Trưởng công an xã Nguyễn Văn Chuân, đang cùng anh Lộc, Trạm trưởng bàn kế hoạch phối hợp bảo vệ rừng. Thấy tôi quan tâm đến rừng, Bí thư Ngàn trấn an: Ở đây không có lâm tặc là người địa phương khác đến. Rừng rộng, song đường ra không nhiều. Chặn tại bìa rừng là chúng bó tay. Hầu như đêm nào, dân quân, công an xã và anh em trạm này cũng trực tại chốt của rừng. Thỉnh thoảng bà con địa phương có vào chặt ít cây về làm nhà. Bảo vệ rừng bắt gặp, nhắc nhở, buộc ký cam kết họ không tái phạm.
Chỉ tay lên dãy Cà Nhông cao ngất trước mặt, ông tiếp: Không bảo vệ nghiêm ngặt, làm sao rừng bạt ngàn gỗ quý như vậy được.
Đem những điều mắt thấy tai nghe từ chuyến đi Cà Nhông, tôi trao đổi với lãnh đạo Ban QL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi chúa. Ông Phạm Ngọc Sự, Trưởng ban chia sẻ: Trạm Cà Nhông xây dựng đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng. Ban đã đề nghị trên đầu tư xây mới, nhưng đến nay chưa được phê duyệt. Vẫn biết, đời sống, sinh hoạt của trạm vô cùng khó khăn, cán bộ, nhân viên ở đây lương thấp, nhưng với đơn vị sự nghiệp không có thu, không có cách nào giúp anh em cải thiện thu nhập. Không chỉ Trạm Cà Nhông, mà các trạm khác cũng vậy, công việc gian nan vất vả mà lương bổng thấp, ít có sự quan tâm đãi ngộ của trên.
Chia tay Trạm QLBVR Cà Nhông đã mấy tháng nay. Thế nhưng, mỗi khi đi trên đường phố sáng lòa ánh điện, tấp nập người xe, hướng về phía tây, hình ảnh những người bảo vệ rừng trong ngôi nhà tôn vách ván, không điện, không ti-vi, với những bữa cơm đạm bạc, ngày nối ngày lặn lội trong rừng sâu, lại hiện lên trong tâm trí. Có thể, trong những nhân vật tôi đã kể trên, có người đã chuyển sang một công tác khác, nhưng tôi biết, rồi những ai tiếp nối cuộc hành trình cũng đều phải vượt qua vô vàn khó khăn thử thách để giữ bình yên những cánh rừng nguyên sinh.
NGUYỄN CẦU