.

Những tay máy trẻ

.

Từ chia sẻ rất tình cờ trên các diễn đàn, facebook, những người đam mê ảnh nghệ thuật đã gặp nhau và quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Đà Nẵng gần 100 thành viên. Phần lớn họ là những kỹ sư, họa sĩ, sinh viên, công chức… tuổi đời còn khá trẻ.

Trong nắng chiều của tác giả Võ Triều Hải trưng bày tại triển lãm “Đà Nẵng, những góc nhìn”.
Trong nắng chiều của tác giả Võ Triều Hải trưng bày tại triển lãm “Đà Nẵng, những góc nhìn”.

Săn lùng ảnh đẹp

Lĩnh vực nhiếp ảnh có lẽ ít dành cho người không có điều kiện về kinh tế. Bởi những bức hình “ra hồn”, đủ “sức nặng” để đem khoe với bạn bè thường được “sản xuất” từ những máy ảnh chuyên dụng. Chi phí đầu tư đối với một người mới vào nghề khá lớn, khoảng từ 30 đến 50 triệu đồng nếu muốn có một máy ảnh tốt. Ngoài máy ảnh kỹ thuật số đơn thuần, phải có thêm chân máy, ống kính và đèn flash nhằm đảm bảo tác nghiệp ở mọi góc độ, mọi tình huống trên đường.

Cách đây khoảng 3 năm, chị Trịnh Thu Nguyệt (30 tuổi), công tác tại Viện Khoa học thủy lợi khu vực miền Trung-Tây Nguyên, một trong 5 thành viên nữ của CLB làm quen với cách chụp ảnh bằng chiếc máy kỹ thuật số. “Người mẫu” của chị là cậu con trai đầu lòng đang tuổi ăn, tuổi lớn. Niềm hạnh phúc của người mẹ khiến chị muốn lưu lại tất cả những khoảnh khắc nhí nhảnh của con. Những bức ảnh được in ra, chuyền cho nhiều người xem và chị Nguyệt phát hiện ra mình có chút năng khiếu về ảnh. Sau một thời gian, chất lượng ảnh chụp của chị nâng lên rõ rệt, cả về màu sắc, ánh sáng lẫn bố cục hài hòa, tự nhiên hơn. Là kỹ sư địa chất, thường xuyên có những chuyến công tác lên vùng rừng núi, chị có điều kiện thử tay máy rồi đưa lên mạng facebook chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp. Thu Nguyệt chia sẻ: “Từ mạng xã hội này, tôi nhận được nhiều lời khen, chê cho những bức ảnh của mình. Ngoài ra, tôi còn học được kỹ thuật chụp ảnh, góc nhìn cũng như cách bình ảnh từ những người có cùng đam mê”.

Dù mới thành lập cách đây chưa lâu, nhưng các thành viên CLB Nhiếp ảnh Đà Nẵng đã kịp tổ chức cho mình một số chuyến đi sáng tác ảnh trong địa bàn thành phố. Một số tác phẩm được người yêu nghệ thuật đánh giá cao và chọn triển lãm Đà Nẵng, những góc nhìn  và Đà Nẵng - dấu ấn thời gian như “Cất vó mặt trời” của Trịnh Thu Nguyệt, “Múa rồng trên biển” của Huỳnh Nam Đông,  “Đêm về” của Đinh Thế Anh, “Nỗ lực” của Ngô Ánh Khánh và “Đà Nẵng ngày mới” của Đặng Anh Tuấn.

Anh Võ Ngọc Hưng (34 tuổi), thành viên CLB chia sẻ: “Với người mê chụp ảnh thì du lịch bụi là một cách thể hiện bản thân mình. Ở những chặng dừng chân, chắc chắn bạn sẽ thu vào máy của mình những hình ảnh thú vị và độc đáo. Ngoài ra, bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm chụp hình với những thành viên đi cùng đoàn”.

Cần kế hoạch dài hơi

Có máy ảnh tốt, cộng vài bức ảnh được đánh giá có chất lượng chỉ là bước khởi đầu cho niềm đam mê chụp ảnh của nhiều bạn trẻ. Bởi để trở thành một tay máy thực thụ, là điều không dễ. Nói về tác phẩm có tên “Khắc khoải”, chụp một loại quả dại trên đỉnh Phanxipăng, Võ Ngọc Hưng cho hay, khi nhìn thấy nó, anh đã bị mê hoặc bởi loại quả này rất nhỏ, chỉ bằng đầu ngón tay út và khi chín có màu đỏ, đen xen kẻ rất đẹp, nhìn rất giống quả dâu tằm. Theo người Mông địa phương, loại quả này có tên là hủ vẫu. Để chụp nó, anh đã mất 45 phút lăn, trườn, “rình” những khoảnh khắc không có sương mù, chụp hàng trăm bức mới tìm ra một bức hình anh cho là “đỉnh” nhất.

Để thỏa sức sáng tạo, Võ Ngọc Hưng đã đầu tư khá nhiều tiền vào máy móc. Anh bảo, từ ngày cầm máy ảnh đến giờ, anh đã thay 7 đời máy, từ máy chụp bằng phim đến máy ảnh kỹ thuật số bán tự động rồi tự động. Máy ảnh hiện nay anh Hưng dùng là Canon 60D. Để mua được máy này và một số phụ kiện kèm theo, Hưng đã phải dành dụm nửa năm lương của mình.  

Nhiều người trong giới nhiếp ảnh đùa nhau rằng, chơi máy ảnh “càng đầu tư càng thấy thiếu”. Đặc biệt là ống kính, bởi mỗi loại có ưu điểm riêng nên một tay máy chuyên nghiệp thường phải có rất nhiều loại ống kính để chụp được nhiều thể loại. Đầu tư khá tốn kém, nên niềm vui và phần thưởng lớn nhất của họ là nhận được lời khen của người xem, kết bạn với người có cùng đam mê, hay đơn giản là được chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè.

Đối với những tay máy trẻ, chụp ảnh còn là cách thể hiện phong cách, cá tính của mình. Anh Trần Minh, thành viên CLB đúc kết: “Bằng niềm đam mê và tình yêu nhiếp ảnh, qua thời gian, bản thân mình sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Đừng ngại hỏi hay nghe lời góp ý, có khi là chê trách, vì đó là lúc cần nhìn lại bản thân để biết mình cần hoàn thiện những gì”.

TIỂU YẾN - CÔNG HỚN

;
.
.
.
.
.