.

Ấn tượng nhà cổ ở Hòa Vang

.

Nhà cổ ở Hòa Vang mang đậm nét văn hóa đặc trưng của làng quê Việt được xem là điểm đến hấp dẫn để phát triển tour du lịch sông nước. Thế nhưng, tiềm năng này đang dần bị lãng quên.

Nhà cổ Tích Thiện Đường là một trong những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn cho tour du lịch sông nước.    Ảnh: H.H
Nhà cổ Tích Thiện Đường là một trong những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn cho tour du lịch sông nước. Ảnh: H.H

Thu hút khách nước ngoài

Nằm trong số ít những ngôi nhà cổ còn sót lại qua bao thăng trầm của thời gian, Tích Thiện Đường của gia chủ Đỗ Hữu Minh (thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn) từ lâu được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm du lịch làng quê độc đáo không thể bỏ qua. Quả thật, đôi bàn tay tài hoa của người thợ Kim Bồng, đất Hội An xưa kia đã khéo tạc nên một tác phẩm nghệ thuật sắc sảo mà hậu thế vẫn mãi ngưỡng vọng.

Có tuổi thọ trên 200 năm, nhà cổ Tích Thiện Đường còn vẹn nguyên lối kiến trúc nhà Việt cổ xưa được chạm khắc với nhiều hoa văn tinh xảo cầu mong cho gia chủ một cuộc sống sung túc, no đủ. Nhiều vật dụng còn lưu giữ trong ngôi nhà như cối xay bột, cối giã gạo, khuôn đúc bánh in, bàn ủi than… đã phản ánh khá rõ nét cuộc sống làng quê nông thôn thời bấy giờ. Ông Đỗ Hữu Minh chia sẻ: “Nhiều khách nước ngoài tỏ ra rất thích thú với kiến trúc độc đáo của nhà cổ Việt, đặc biệt là khách Nhật. Đến đây, họ không chỉ tham quan nhà cổ để hiểu thêm về nét văn hóa đặc trưng của người Việt mà còn muốn tìm về nơi miền quê yên bình để trút đi bao lo toan của cuộc sống”.

Cùng tuổi thọ với Tích Thiện Đường, ngôi nhà cổ của tộc họ Đặng Công (thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong) cũng mang nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của làng quê Túy Loan xưa kia. Tuy không đón nhiều khách du lịch như Tích Thiện Đường, nhưng nơi đây lại thu hút khá đông các nhà nghiên cứu, sinh viên đến tìm hiểu về kiến trúc nhà Việt cho các bài khóa luận tốt nghiệp... Ông Mười Tao, chủ nhân ngôi nhà cổ này cho biết: “Qua nhiều đổi thay của lịch sử, chiến tranh và bom đạn, tộc họ Đặng Công vẫn gìn giữ ngôi nhà cổ này để truyền lại cho con cháu đời sau biết thêm về lịch sử, văn hóa địa phương”.

Rải rác khắp làng quê Hòa Vang còn nhiều ngôi nhà cổ tồn tại cùng thời gian như Tích Thiện Đường, tộc họ Đặng Công. Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang, hiện nay ở Hòa Vang còn khoảng trên dưới 100 ngôi nhà cổ có trên một trăm năm tuổi. Đặc biệt, từ khi tàu du lịch được đưa vào khai thác, nhà cổ Hòa Vang được du khách gần xa biết đến nhiều hơn. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng hơn nửa tiếng đường sông, du khách thích thú cảm giác ngồi trên những chiếc tàu du lịch xuôi dòng sông Túy Loan để ngắm cảnh sông nước yên bình với những ngôi nhà cổ dọc hai bên bờ. “Khách nước ngoài đi du lịch không chỉ giản đơn là đi tham quan cảnh đẹp mà với họ du lịch còn là trải nghiệm, là tìm hiểu. Vì vậy, nhiều  du khách thích đến thăm nhà cổ bằng đường sông hơn là đường bộ”, ông Trần Văn Tạo, chủ tàu du lịch Mỹ Xuân cho hay.

Còn nhiều khó khăn

Nắm bắt được tiềm năng của sản phẩm du lịch này, đồng thời để nhiều du khách biết thêm về nét riêng của văn hóa nhà cổ Việt, hơn 3 năm trước, ông Đỗ Hữu Minh đã cho xây dựng bến cầu tàu neo đậu phía trước nhà để tàu du lịch thuận tiện cho việc đưa đón khách. Gia chủ còn dày công xây dựng một khu Đỗ Gia Viên với những ngôi nhà đón khách bằng gỗ, hòn non bộ, cây cảnh… được bố trí rất bắt mắt và công phu. Nhiều đoàn khách còn ở lại để thưởng thức những món ăn dân dã do chính gia chủ làm, nghe chủ nhân kể về sự tích kỳ bí của ngôi nhà cổ này.

Thế nhưng hơn một năm nay, những chuyến tàu du lịch của Cát Tiên, Hàn Giang, Mỹ Xuân… dần vắng bóng trên dòng sông Túy Loan. “Từ ngày cầu Túy Loan bị sập rồi xây lại mới, do gầm cầu quá thấp nên tàu du lịch không qua cầu được. Tích Thiện Đường thưa khách dần. Chỉ còn một vài khách lẻ tìm hiểu thông tin trên mạng rồi đi taxi đến thăm”, ông Đỗ Hữu Minh cho biết.  

Nhiều ngôi nhà cổ ở Hòa Vang cũng đang dần xuống cấp do bị hư hại, mối mọt, qua nhiều năm không được trùng tu. Có những ngôi nhà lại bị gia chủ sửa chữa phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày đã làm mất đi ít nhiều những nét kiến trúc cũ. Nhiều tộc họ cũng muốn góp công góp sức để gìn giữ nhưng cũng đành bất lực vì vượt quá khả năng tài chính của gia đình thuần nông. Ông Mười Tao chia sẻ: “Việc tu bổ nhà cổ hiện nay không phải dễ, đòi hỏi phải có một đội ngũ thợ giỏi, lành nghề và sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước”. Ông cụ 82 tuổi này vẫn hằng ngày đau đáu có được một khoản kinh phí để trùng tu toàn bộ ngôi nhà cổ, gìn giữ cho thế hệ sau báu vật vô giá của tổ tiên để lại.

Nhà cổ được xem là điểm nhấn phát triển tour du lịch đường sông, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Đà Nẵng. Liệu mai đây những ngôi nhà cổ này có được nhiều du khách biết đến không hay bị mai một dần?

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.