Tối 16-10 vừa qua, tại lễ trao giải tại thành phố Shonai, thuộc tỉnh Yamagata (Nhật Bản), lần đầu tiên tên phim và đạo diễn Việt Nam được xướng lên trang trọng trong sự ngỡ ngàng của giới làm phim tài liệu quốc tế.
Phim Mrs Bua’s Carpet (Chiếc chiếu của bà Bứa) của đạo diễn Dương Mộng Thu (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng) được Ban giám khảo Liên hoan phim tài liệu quốc tế Yamagata 2013 trao giải thưởng mang tên Ogawa Shinsuke - giải cao quý nhất trong hạng mục phim tài liệu châu Á.
Một cảnh trong phim Chiếc chiếu của bà Bứa (ảnh trái) và đạo diễn Dương Mộng Thu tại lễ trao giải. |
Đạo diễn Dương Mộng Thu đã kể lại câu chuyện “Chiếc chiếu của bà Bứa” chỉ trong 34 phút bằng những thước phim do chị tự quay và dựng trong gần 6 tháng với những chuyện cơm áo, nắng mưa hằng ngày của bao nhiêu số phận trên một khu phố nhỏ ở chân núi Ngũ Hành Sơn. Cái xóm nhỏ - nơi mà những người phụ nữ đã một thời hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho sự sống còn của đất nước và sau khi hòa bình lập lại họ trở về quây quần với nhau, cùng chia sẻ cho nhau bát canh rau, củ khoai luộc và nụ cười hạnh phúc sau những buổi lặn lội thân cò kiếm sống hay vật vã trong những cơn đau còn lại thời chiến tranh... Cuộc sống của họ cứ thế trôi đi, và những nỗi đau cũng dần nguôi ngoai bởi họ không còn phải sống trong ám ảnh của chiến tranh, của những trận đòn thù, những đợt tra tấn dã man, thừa sống thiếu chết.
Nhân vật chính trong phim là bà Bứa - một người làm công tác địch vận thời chiến tranh chống Mỹ ở vùng ven đô Đà Nẵng đã kêu gọi hàng trăm người lính cộng hòa quay súng về với cách mạng. Và chị bị bắt, bị tra tấn dã man đến nỗi chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm nhưng những ám ảnh của đòn thù vẫn vẹn nguyên trong người phụ nữ đơn thân ấy trong những lần lên cơn co giật động kinh lặp lại nguyên vẹn một cuộc tra tấn dài 4 tiếng với sự đau đớn thân xác đến cùng cực.
Còn một nỗi đau lớn hơn là chị đã bị chồng bỏ đi lấy người khác vì không chịu được cảnh vợ mình thường xuyên bị tù đày, tra tấn. Vượt lên nỗi mặc cảm thân phận, chị tự tìm cho mình niềm an ủi với đứa con gái chưa một lần biết mặt cha. Đó là cuộc sống và sự lựa chọn của người phụ nữ này - người mà được những bà con xóm giềng xem như là biểu tượng của sự anh hùng, và họ yêu thương, san sẻ với chị những lúc trái gió, trở trời, những khi thiếu cơm, lạt mắm.
Mặc dù đã gần hai năm rồi bà Bứa không còn lên cơn co giật nữa, nhưng trong tâm trí của những hàng xóm, chiếc chiếu giặt phơi trước nhà luôn gợi lên cho họ nỗi đau của người chị, người cô mà họ thương yêu như ruột thịt. Trước đây, mỗi lần chuẩn bị lên cơn động kinh, bà Bứa lại đem treo chiếc chiếu trước nhà để báo hiệu cho người trong xóm biết, để họ đến và giúp bà bớt sự quằn quại đau đớn do bệnh tật.
Những nhân vật trong phim là những mảnh đời sau chiến tranh đã về lại với nhau trong một xóm nhỏ để cùng sống và thụ hưởng niềm hạnh phúc quá đơn sơ là không còn chiến tranh, không còn tù đày, không còn cảnh cha khóc con, vợ khóc chồng. Hòa bình, qua lời nói của bà Bứa đơn giản như nụ cười ấm áp của bà khi cả xóm họp nhau lại cùng hát dân ca, cùng bàn chuyện đi bắt còng về nấu canh.
“Tui nói thiệt chừ hòa bình rồi là quá sướng. Ăn mắm, ăn muối chi cũng được, miễn là không có tiếng súng, không có cảnh máu chảy đầu rơi”. Và nỗi đau thân xác của bà cũng nhẹ nhàng như cách bà kể chuyện: “Tụi Mỹ với mấy thằng công an ngụy ác lắm. Tụi hắn tạt nước lạnh vô người, lấy kềm cắt đứt vú của tui rồi lấy bánh mì chấm máu bắt tui ăn. Tụi hắn dọa không ăn thì giết chết, tui phải ăn thôi. Tới hồi sinh con Yến, tui chỉ cho con bú một vú bên trái, thì cũng ráng chịu thôi. Ai bị tra tấn cũng rứa thôi”.
Câu chuyện và lời kể của bà Bứa đã làm cho hàng triệu trái tim trên các châu lục thổn thức. Và tác giả của phim đã nhận được sự chia sẻ của những tấm lòng hướng về Việt Nam. Đến thời điểm này, Mrs Bua’s Carpet đã lọt vào 3 liên hoan phim tài liệu quốc tế: Liên hoan phim tài liệu quốc tế Jean Rouch lần thứ 31 tại Paris - Pháp vào giữa tháng 11-2012, Liên hoan phim tài liệu Đông Nam Á tại Jakarta- Indonesia vào đầu tháng 12-2012. Tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Jean Rouch, phim tài liệu Mrs Bua’s Carpet được một thư viện công của Pháp mua bản quyền. Và lần này đạt giải thưởng cao nhất trong hạng mục phim tài liệu châu Á.
Bà Takashi Toshiko, một thành viên trong Ban giám khảo hạng mục phim tài liệu châu Á nhận xét: Mrs Bua’s Carpet thực sự cuốn hút chúng tôi bởi lối kể chuyện đơn giản, nhẹ nhàng, cô đọng nhưng chuyển tải được một nội dung lớn. Đó là tình người. Đó là sự tha thứ và lòng nhân ái của người dân Việt Nam dù chiến tranh đã gây ra bao nỗi đau thương, mất mát mà họ phải gánh chịu cho họ. Nó thực sự đã chạm đến trái tim tôi.
Khi tên phim Mrs Bua’s Carpet – Việt Nam được xướng lên, câu hát Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Hồ Chí Minh vang lên trong hội trường, Dương Mộng Thu hiểu rằng, đó không chỉ là sự thiêng liêng và niềm xúc động của riêng mình. Chị cũng không giấu nổi sự nghẹn ngào khi chứng kiến những giọt nước mắt của người xem tại Shonai. Dương Mộng Thu chia sẻ, khi Mrs Bua’s Carpet được chiếu tại Trường trung học học viện Yamagata, có một cô bé gục đầu xuống bàn khóc. Xong phim, mình hỏi vì sao em khóc, hay là em quá mệt khi phải xem phim này hay vì lý do nào khác?
Trong nước mắt dàn dụa, em trả lời rằng, em không thể nào chịu nổi những cực hình tra tấn trong chiến tranh mà bà Bứa đã kể, đã phải chịu đựng. Rồi có một bạn nam đứng lên hỏi sao người Việt Nam dễ tha thứ như vậy, trong khi người Nhật không làm được như thế đối với một số nước láng giềng... Và tôi hiểu ra rằng, phim của mình được trao giải vì đã đưa một thông điệp hòa bình từ Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Liên hoan phim tài liệu quốc tế Yamagata 2013 có 1.761 tác phẩm dự thi đến từ 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chỉ có 34 phim xuất sắc được chọn chiếu và tranh giải ở các hạng mục. Riêng hạng mục phim tài liệu châu Á có tất cả 608 phim của 63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, lọt vào chung kết 19 tác phẩm. Phim tài liệu Mrs Bua’s Carpet của đạo diễn Dương Mộng Thu đoạt Giải Ogawa Shinsuke – giải cao quý nhất trong hạng mục này cùng với phim tài liệu A World Not Ours của đạo diễn Mahdi Fleifel người Lebanon (nước Cộng hòa Lebanon thuộc vùng Tây Á). Ogawa Shinsuke là người sáng lập ra liên hoan phim này. Khi qua đời, ông để lại gia tài làm giải thưởng cho liên hoan phim, được tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 1989. |
KIM EM