.

Bức tranh phá vỡ kỷ lục đấu giá

.

Tuần qua, tại công ty đấu giá Sotheby ở New York đã bán bức tranh với giá 46 triệu USD, mức giá phá kỷ lục đối với các cuộc bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật từ trước đến nay trên đất Mỹ. Giới chuyên môn tỏ ra sửng sốt với thông tin khá nóng này.

Tranh của họa sĩ Mỹ nổi tiếng nào mới có giá vượt cao đến thế - Jackson Pollock, Andy Warhol, Winslow Homer, Mary Casatt…? Nhưng không, đó chỉ là một bức tranh sơn dầu Saying Grace (tạm dịch: Lời nguyện cầu) của một “họa sĩ làm báo” người Mỹ Norman Rockwell vào đầu thế kỷ 20.

Lời nguyện cầu-tranh sơn dầu của Norman Rockwell.
Lời nguyện cầu-tranh sơn dầu của Norman Rockwell.

Tên đầy đủ của ông là Norman Rockwell Perceval sinh năm 1894 tại New York, mất năm 1978, thọ 84 tuổi. Rockwell nổi tiếng qua các tranh minh họa các kịch bản, các trang bìa gây ấn tượng độc giả trên tạp chí Saturday Evening Post trong hơn bốn thập kỷ. Ngoài  công việc hằng ngày trình bày sách báo, vẽ bìa và minh họa, ông còn vẽ tranh. Ngoài ra, trong dịp này, hậu duệ của Kenneth J. Stuart, cựu biên tập viên nghệ thuật báo Saturday Evening Post, người đã làm việc với Rockwell trong gần 20 năm đã bán 3 bức tranh khác nữa của  Rockwell.

Lúc sinh thời Rockwell nhận được nhiều sự ưu ái, giúp đỡ của Kenneth J. Stuart. Để thông tin thêm đời sống và hoạt động riêng của  Rockwell qua sự kiện bán bức tranh với mức giá kỷ lục, công ty tổ chức đấu giá Sotheby trích dẫn một đoạn thư của Rockwell viết cho Kenneth J. Stuart, người mà Norman Rockwell có rất nhiều kỷ niệm khi sinh thời: “Việc khuyến khích và thời gian bạn dành riêng cho công việc của tôi giúp tôi cảm nhận được sự chu đáo mà bạn đang có. Thật tuyệt vời khi cảm thấy rằng biên tập viên nghệ thuật của Ban biên tập đã dành một trăm phần trăm cho mình và cư xử của ông ta như một người bạn thật sự. Điều này có thể hơi hoa mỹ một chút, nhưng nó hoàn toàn chân thành, và tôi muốn gửi lời cảm ơn của tôi với bạn”.

Norman Rockwell gặp Kenneth J. Stuart  vào năm 1943, ngay sau khi ông trở thành biên tập viên nghệ thuật của tờ Saturday Evening Post. Để đạt được hướng đi mới trên mảng nghệ thuật của báo, Stuart đề xuất và được thông qua một số cách thức mới, một trong cách thức tiên quyết trong số đó là cho phép các nghệ sĩ trong tòa soạn làm việc theo hình tượng và phong cách họ thích, bất kể ấn phẩm thẩm mỹ truyền thống hay sáng tạo. Tạo được cách bố trí và màu sắc mới cho trang bìa, cũng theo cách làm của Stuart, ông khuyến khích các nghệ sĩ để vẽ lại những hình ảnh với một nền chi tiết cô đọng và toàn diện hơn. Những thay đổi này ngay lập tức tạo cho Rockwell với một diễn đàn mới, một sân chơi mới, linh hoạt và sáng tạo.

Rockwell vẽ bìa đầu tiên cho The Post vào năm 1916. Vào giữa những năm 1940, tên Rockwell đã trở thành gần như đồng nghĩa với sự mài giũa kỹ thuật và dần dần ông bắt đầu xây dựng được những hình ảnh dân gian với sự ấm áp chen lẫn tí chút hài hước. Giai đoạn này đã tạo nên danh tiếng Rockwell, họa sĩ có năng suất cao và tinh thần sáng tạo và cũng là giai đoạn thắt chặt hơn tình thân cá nhân và công việc giữa ông với Stuart.

Mối quan hệ chuyên nghiệp Rockwell và Stuart mỗi ngày mỗi tăng trưởng qua các trang báo trước và sau khi in. Trong nhiều trường hợp, Stuart và Rockwell thảo luận hoặc viết thư qua lại với các ghi chú, trao đổi ý kiến chung, riêng để cải thiện hoặc thay đổi hướng trang báo. Mặc dù mỗi bức tranh của Rockwell là một biểu hiện không thể chối cãi về khả năng tạo hình tượng, kỹ thuật hay bố cục bằng sự tưởng tượng thật sự độc đáo nhưng để có tác phẩm đó thì quá trình của người vẽ  luôn luôn liên quan đến một mức độ hợp tác với biên tập viên bộ môn của mình.

Trước khi chuyển đến công ty đấu giá, bức “Lời nguyện cầu” trước đây treo trong văn phòng của biên tập viên mảng nghệ thuật ở tòa soạn báo và sau đó, bức tranh được treo trang trọng trong phòng ăn của gia đình Stuart. Bộ sưu tập tranh của hai vợ chồng Stuart là một minh chứng không những độc đáo về tình cảm giữa Rockwell và Stuart mà còn là sự thành công tuyệt vời mà họ đạt được trong thời gian cùng hợp tác với nhau trong quá trình gần 20 năm tại The Post.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.