.

Chiếc áo của ngoại

“Bà tôi đưa tôi ra đầu làng/ Một mình bà đội cả trời nắng to…”.

Bà tôi không đưa tôi ra đầu làng như câu hát của nhạc sĩ Lê Minh Sơn trong bài “Bà tôi”. Bà chỉ đưa tôi ra đầu ngõ. Lần nào cũng vậy, mỗi lần tôi rời nhà ra Huế học, bà đều chầm chậm chống gậy tiễn tôi đến tận cánh cửa sắt màu xanh da trời. Dưới cái nắng thanh khiết của buổi sớm, mái tóc bạc và chiếc áo bà ba lụa trắng luôn làm tôi cảm thấy mình đang nhìn thấy một bức tranh minh họa cho những trang truyện cổ tích thời thơ ấu.

Ngoại tôi là một người thích mặc áo bà ba. Trong chiếc tủ gỗ đặt ở góc nhà luôn chứa đầy những chiếc áo bà ba đủ kiểu dáng, màu sắc, chất liệu. Mỗi lần mở cánh cửa tủ, tôi như choáng ngợp trong những chiếc áo đủ màu sắc, từ xanh rêu đậm, tím than, vàng đất đến bạc, xám tro…; đủ kiểu dáng, từ cổ tròn, cổ tim đến cổ thìa. Những chiếc áo mềm mại, không cổ, chạm vào vừa mát vừa nhẹ như lướt tay qua dòng suối nhỏ.

Ngoại mặc áo bà ba hầu như trong tất cả các dịp. Ở nhà mặc áo xám tro, xanh rêu thẫm đơn giản. Ngày lễ, Tết sẽ là những chiếc áo đỏ bầm, vàng đất bằng lụa mềm, in chìm hoa văn tinh tế. Nhìn những chiếc áo được nâng niu ủ thơm trong từng ngăn gỗ, tôi có cảm giác rằng với ngoại, đó không chỉ là trang phục thường ngày mặc cho thoải mái, mà nó còn ẩn chứa một ý nghĩa thật đặc biệt.

Tôi nhớ những buổi sáng mùa đông, vừa dụi đôi mắt còn ngái ngủ vừa lò dò bước xuống bếp, đã thấy bóng ngoại thấp thoáng dưới những tia nắng chếch đầu ngày. Ngoại tôi luôn yêu thích việc nấu nướng. Trong làn khói mỏng tỏa lan, ngoại ngồi quay lưng về phía tôi, chậm rãi cắt từng cọng rau nhỏ. Chiếc áo bà ba màu xám tro khẽ lay động trong những cơn gió se. Đầu tóc bù xù, mắt mũi kèm nhèm, tôi luôn đứng dựa vào cánh cửa bếp ngắm nhìn khung cảnh ấy, cho đến khi bóng lưng xám tro ấy quay lại, nhắc khẽ: “Dậy rồi à? Đánh răng rửa mặt đi con”. Nhìn màu áo bà ba sáng lên dưới nắng mùa đông, lòng chợt thấy bình yên.

Những buổi trưa hè oi ả, ngoại thường mắc một chiếc võng nơi hiên nhà, vừa nằm vừa nghe nhạc. Gió mùa hè thổi qua, mang theo mùi nắng nồng nồng. Trong cái trễ nải của buổi trưa, chiếc yếm trắng may bằng vải xô của ngoại hiện ra dưới lớp áo bà ba màu xanh lục đen thẫm. Tà áo buông nhẹ nhàng theo từng nhịp võng đưa. Nắng phủ nhẹ lên mái tóc bạc. Từ gian phòng khách vẳng ra những giai điệu Phạm Duy. Giấc trưa hè của ngoại bình lặng trong từng nhịp võng đưa và trong từng nốt nhạc màu vàng.

Ngoại tôi thường cài một chiếc ghim nhỏ nơi miệng túi áo. Bà có hàng chục chiếc áo bà ba, nhưng dù màu sắc, chất liệu áo có thiên biến vạn hóa thế nào, thì chiếc ghim nhỏ nơi miệng túi vẫn không hề thay đổi. Lúc nhỏ muốn mua bi ve, chỉ cần ngoại ơi, chiếc ghim nhỏ mở ra, là tôi sẽ có một bao đầy những viên bi đủ màu. Muốn mua những tấm cạc để chơi lật hình, chỉ cần ngoại ơi, chiếc ghim nhỏ mở ra, là tôi sẽ có một xấp hình đủ để tụi bạn ganh tị. Muốn ăn que kem đầu ngõ, chỉ cần xòe bàn tay đầy đất bẩn ra, gọi ngoại ơi, là tôi sẽ có hàng giờ ngồi mút kem ngon lành.

Ngay cả những lần đánh nhau với mấy thằng cùng lớp, thua te tua, chạy về khóc ỏm tỏi, mếu máo ngoại ơi, chiếc ghim nhỏ ấy lại mở ra, và khăn tay thơm dịu mùi hương trầm xuất hiện, xóa sạch nước mắt nước mũi lèm nhèm trên mặt tôi. Từ lúc còn là một thằng nhóc mè nheo nghịch ngợm cho đến khi trưởng thành, chiếc ghim nhỏ ấy luôn mở ra mỗi lần tôi gọi ngoại ơi, và từ trong túi áo mềm mại luôn xuất hiện lúc thì mấy đồng bạc lẻ, lúc thì chiếc khăn nhỏ. Những chiếc áo bà ba cài ghim nơi miệng túi ấy chưa bao giờ từ chối tôi. Cũng như phép màu bà lôi từ trong miệng túi ra chưa bao giờ làm tôi thất vọng, ngay cả khi bên trong túi chẳng có gì.

“Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm. Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ đến mong manh”. Ngoại tôi chưa bao giờ chèo xuồng, cũng không phải là con gái miền Nam. Bà chỉ là một phụ nữ miền Trung hằng năm phải chống chọi với từng cơn bão dữ. Nhưng chiếc áo bà ba vẫn vừa vặn và đẹp với bà như nó vừa vặn với bất cứ phụ nữ miền nào trên đất nước này. Bà đã đem lòng yêu mến chiếc áo không cổ, tay cánh, mềm mại và đơn giản ấy, mặc nó trong những sinh hoạt hằng ngày cho đến những dịp lễ lạt trang trọng, và bây giờ đến lượt tôi yêu mến chiếc áo bà ba như ngoại từng yêu. Bởi vì đó là những chiếc áo dung dị, đơn giản đã theo tôi suốt quãng đời tuổi nhỏ.

Ngoại tôi không ăn trầu. Không hút thuốc Cẩm Lệ. Ngoại chỉ thích mặc áo bà ba. Chiếc áo đã theo tôi ra đến tận ngõ trong những lúc tôi rời nhà đến một vùng đất khác. Nhiều lúc giữa chốn xa lạ, nhìn một cụ già bên đường mặc chiếc áo không cổ giản dị ấy, tôi lại thấy sống mũi cay cay khi nhớ đến bóng lưng màu lụa trắng cùng mái tóc bạc trong buổi sáng nắng ấm đã đi cùng tôi đến tận đầu ngõ…

NHI TRẦN
 

;
.
.
.
.
.