.

Mạnh dạn từ chối?

.

Hai tuyển thủ gốc Đà Nẵng và cũng là hai chị em ruột Thanh Phúc và Thanh Ngưng đã không thể đoạt HCV môn đi bộ như dự đoán ban đầu. Trong thể thao, dự đoán là một việc, thực tế thi đấu lại là việc khác bởi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như đối thủ, thời tiết… Riêng với SEA Games thì yếu tố trọng tài là mạnh nhất. Rất nhiều VĐV của các nước đã oan ức mất HCV vì trọng tài o ép một cách thô thiển.

Thanh Phúc khóc vì bị xử ép. (Ảnh: Internet)
Thanh Phúc khóc vì bị xử ép. (Ảnh: Internet)

Nhìn cô gái Thanh Phúc khóc nức nở sau khi về đích, ai cũng cảm thông cho cô vì nỗi oan ức. Nhưng lẽ ra, cô không nên… khóc bởi chuyện trọng tài là bệnh “nan y” của thể thao Đông Nam Á mà các VĐV buộc phải sống chung. Cô là đương kim á quân châu Á, nghĩa là đẳng cấp của cô đã được định hình. Nói thẳng ra, chiếc HCV ở SEA Games mang ý nghĩa về tiền thưởng nhiều hơn là đẳng cấp. Nó được coi như món quà đền đáp cho tài năng và nỗ lực tập luyện suốt một năm qua.

Không chỉ có Phúc khóc, rất nhiều tuyển thủ chúng ta đã ôm hận vì sự không trung thực của trọng tài. Vậy mà trưởng đoàn thể thao Việt Nam Lâm Quang Thành bảo rằng: Chúng ta không thể quá căng với chủ nhà Myanmar mà phải giữ hòa khí, tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Chúng ta vẫn không quên hình ảnh hai chị em ruột nhà Williams (Mỹ) so kè từng điểm một trong các trận đấu quần vợt ở giải Úc mở rộng, Mỹ mở rộng. Họ là người trong một nhà nhưng khi bước ra thể thao đã gạt bỏ tất cả để thể hiện tinh thần thể thao cao thượng. Cái cách chủ nhà Myanmar cố làm để có HCV và cái cách quản lý của ông Thành cho chúng ta thấy SEA Games nửa nạc nửa mỡ: không đỉnh cao mà cũng chẳng phải nghiệp dư. Nếu nghiệp dư, mọi người vui vẻ bỏ qua những hành động không fair play. Nếu cho rằng đỉnh cao thì SEA Games phải làm theo tinh thần, tôn chỉ Olympic: nhanh hơn, cao hơn, xa hơn.

Nên nhớ rằng khi quyết định tổ chức SEA Games hai năm một lần thay vì bốn năm một lần, các nhà hoạch định đã hiểu Đông Nam Á là vùng trũng nên cần cọ xát nhiều. Vậy mà những SEA Games gần đây, ngày hội thể thao Đông Nam Á đong đầy nước mắt oan uổng. Chứng kiến quá nhiều nỗi oan ở SEA Games 27 không chỉ của Việt Nam mà các nước bạn Malaysia, Indonesia… càng khiến khán giả chán nản hơn.

Ngồi xem truyền hình với cảnh những VĐV các nước tức tưởi vì thua oan, một người bạn đặt ra câu hỏi có phần cực đoan nhưng không phải không có lý. Đó là vì sao không có quốc gia nào từ chối tham dự SEA Games vì chủ nhà đưa vào thi đấu những môn lạ hoắc nhằm kiếm huy chương, cố dùng trọng tài o ép VĐV nước khác để kiếm huy chương? Trong lịch sử thể thao thế giới, có không ít quốc gia từ chối tham dự Olympic vì lý do chính trị. Nay cũng cần có một quốc gia nào đó mạnh dạn từ chối tham dự nhằm đánh động và vực dậy tinh thần thể thao ở khu vực Đông Nam Á đang ngày càng trũng này...

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.