.
Phương hay Thuốc quý

Mơ lông chữa lỵ, đại tràng...

.

 “Mơ lông chữa lỵ, đại tràng/ Trừ giun, thanh nhiệt, sát trùng, tiêu viêm”. Đó là câu vè giúp mọi người dễ nhớ tính năng vị thuốc Mơ lông.

Mơ lông - Paederia lanuginosa. Ảnh: P.C.T
Mơ lông - Paederia lanuginosa. Ảnh: P.C.T

Mơ lông không chỉ là vị thuốc hay mà còn là loài rau sạch, có thể làm gia vị ăn kèm không chỉ với thịt chó (với người ăn mặn) mà cả đậu khuôn (với người ăn chay) để phòng chữa bệnh đường ruột rất tốt. Mỗi gia đình nên trồng một vài dây Mơ lông cho bò lên các hàng rào, vừa làm cảnh, vừa làm rau ăn, vừa làm thuốc khi cần.

Mơ lông còn gọi là Mơ tam thể, tên khoa học Paederia lanuginosa, thuộc họ Cà-phê - Rubiaceae. Đây là loài dây leo khỏe có mùi khắm, khó ngửi (nên dân gian có khi gọi là dây thúi địt). Nhánh tròn có lông. Lá to, phiến xanh, gốc hình tim, mặt dưới ửng tím đỏ, có lông mịn, gân phụ 7-8 cặp; cuống dài 3-6cm; lá kèm hình tam giác. Cụm hoa chùy ở nách lá và ở ngọn; hoa có tràng thường trắng, có miệng tím, có lông; nhị 5. Quả hình cầu, có đài màu vàng.

Cây được trồng làm rau gia vị từ đồng bằng đến miền núi. Trồng vào mùa xuân thu, ở bờ rào, bờ ao có lùm bụi để leo, cắt đoạn dây bánh tẻ dài 40-50cm; trồng theo kiểu trồng khoai lang, chừa ngọn lên trên, tưới nước và bắt cho cây leo.

Theo Đông y, lá Mơ lông có vị nhẫn, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng.

Nhân dân ta thường dùng lá Mơ lông để chữa kiết lỵ đi ngoài ra máu mủ hoặc có sốt, hay đại tiện thất thường, ỉa chảy phân lổn nhổn: người ta lấy 30g lá Mơ lông xắt nhỏ trộn với một quả trứng gà, thêm vài hạt muối, đánh đều, dàn mỏng trên lá chuối, gói lại rồi lót thêm một lần lá chuối, đặt trên chảo, rang hoặc nướng cho chín, đến khi thấy cháy lá chuối dưới sém vào lá gói, thì lót thêm lá, lật trên xuống dưới như đúc chả trứng cho chín mà ăn (không dùng dầu mỡ). Ăn ngày 2 lần, trong 3 ngày liền là khỏi.

Ðể trục giun kim và giun đũa, dùng lá Mơ lông khoảng 50g giã nhỏ, cho tí muối ăn sống hoặc vắt lấy nước uống, uống liền 3 buổi sáng vào lúc đói thì giun ra. Ðể trừ giun kim, ngoài ra cũng dùng lá Mơ lông một nắm 30g giã nhuyễn, chế vào 50ml nước chín, vắt lấy nước cốt bơm thụt vào hậu môn, giữ lại khoảng 20 phút vào lúc 19-20 giờ trước khi đi ngủ, giun sẽ bò ra.

Dân gian còn có kinh nghiệm dùng lá Mơ tươi đem nướng rồi nhét lỗ tai trị viêm tai chảy máu mủ, nước vàng.

Kinh nghiệm riêng của tôi dùng bài thuốc cổ phương Bất hoán kim chính khí trong sách “13 phương gia giảm” của Thánh y Tuệ Tĩnh (gồm các vị Thương truật, Hậu phác, Hoắc hương, Bán hạ, Trần bì, Cam thảo…) gia thêm vị Mơ lông (lấy toàn dây lá Mơ lông phơi râm, sấy nhẹ lửa cho khô giòn), tất cả tán thành bột. Đây là bài thuốc kinh nghiệm đặc trị hội chứng lỵ, viêm đại tràng mạn tính, rất được bệnh nhân tín nhiệm, có thể dùng cho mọi người, kể cả người già và trẻ em, nhất là quý ông lạm dụng bia rượu nhiều làm yếu đường ruột, hay đau quặn bụng bắt đi cầu phân sống buổi sáng sớm…

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.