.

Thật bất công khi họ bị lãng quên

.

Bạn có biết bao nhiêu khán giả người Việt có mặt trên khán đài cổ vũ cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trong trận bán kết với đội Malaysia chiều 18-12 ở SEA Games trên đất Myanmar? Con số thật bẽ bàng, theo ghi nhận của phóng viên truyền hình Việt Nam: vỏn vẹn 1 người!

Đó là người đàn ông đến từ một tỉnh phía Bắc. Giữa rừng khán giả bản xứ và các cổ động viên Malaysia, một mình ông lọt thỏm bơ vơ. Tiếng reo vui phát đi từ ông mỗi khi đội tuyển ghi bàn cũng dễ tan loãng vào không gian náo động. Và khi đội nhà giành chiến thắng cách biệt những 4-0 để hiên ngang vào trận chung kết, dường như cũng chỉ mình ông là khán giả người Việt - bên cạnh các nhà báo Việt Nam đang tác nghiệp tại Myanmar - xuống sân chúc mừng.

Huỳnh Như (9) ghi 1 bàn trong chiến thắng đậm của nữ Việt Nam trước đội Malaysia (4-0) (Nguồn: Người Lao Động)
Huỳnh Như (9) ghi 1 bàn trong chiến thắng đậm của nữ Việt Nam trước đội Malaysia (4-0) (Nguồn: Người Lao Động)

Hình ảnh này có vẻ tương phản với cảnh ồn ào, hăm hở dành cho đội U23 trong các trận vòng bảng. Trước, trong và sau các trận đấu của đội tuyển bóng đá nam, sự quan tâm, chờ đợi nóng lên từng giờ, không riêng từ phía khán giả, dư luận mà cả những quan chức chuyên trách thể thao nước nhà. Trong khi các tuyển thủ bóng đá nam được săn đón, chăm chút từng chi tiết nhỏ thì dường như rất ít người đoái hoài đến hành trình của các tuyển thủ nữ. Thật chẳng ngoa khi có người ví von rằng bên cạnh người con đẻ là bóng đá nam với bao thứ ưu đãi, chở che thì bóng đá nữ chẳng khác nào đứa con ghẻ lặng thầm.

“Đứa con ghẻ” ấy, trớ trêu thay, bây giờ đang là chỗ dựa của nhiều người trong nỗ lực cứu vớt tiếng tăm cho cả nền bóng đá khi mà “người con đẻ” phải xót xa sớm từ biệt đấu trường. Giờ mới là lúc nhiều người sực tỉnh nhìn lại chiến công của đội tuyển nữ: Lần thứ 6 liên tiếp giành quyền vào chung kết giải bóng đá SEA Games sau 4 chiếc huy chương vàng ở đấu trường này! Nếu giành chiến thắng trong trận chung kết với Thái Lan vào chiều 20-12, đội tuyển Việt Nam sẽ lập kỷ lục mới cho môn bóng đá nữ ở đại hội thể thao khu vực. Trên thực tế, bằng thực lực, đẳng cấp không ngừng nâng cao của mình, đội tuyển Việt Nam đã được nhiều đối thủ công nhận là “bà hoàng của Đông Nam Á”. Cũng đừng quên vào lúc bóng đá nam ì ạch đuối sức trong chiếc ao làng thiếu sức sống thì bóng đá nữ đang đứng trước cơ hội khá rõ lần đầu lọt vào vòng chung kết Giải bóng đá nữ thế giới.

Bảo đừng quên nhưng chắc chắn vẫn còn rất nhiều người - trong đó có cả các quan chức quản lý, điều hành - chẳng thể nhớ dấu ấn vẻ vang và hành trình thầm lặng của tuyển thủ bóng đá nữ. Những Kiều Trinh, Thanh Hương, Huỳnh Như, Tuyết Dung, Minh Nguyệt làm sao đáng nhớ bằng những Văn Quyết, Hồng Quân, Danh Ngọc của U23! Cái phận nữ nhi vốn bẽ bàng chăng, khi mà có thời những Ngọc Mai, Kim Chi cùng đồng đội của họ từng phải chạy xe ôm, bán bánh mì vừa kiếm sống vừa khoác áo tuyển thủ?

Một biểu ngữ do cổ động viên Việt Nam trương lên giữa khán đài ở Myanmar khi chứng kiến nỗi thất vọng từ các tuyển thủ nam viết rằng hãy thôi hy vọng vào U23 mà dồn sự ủng hộ vào đội tuyển nữ và lứa cầu thủ U19. Công chúng ngày càng nhận chân giá trị của bóng đá nữ và tìm thấy niềm vui từ những cô gái vàng đúng nghĩa. Các quan chức liên đoàn dường như cũng bắt đầu tỉnh ngộ. Họ sẽ làm gì để chuyển đổi thái độ ứng xử và phương thức đầu tư chiều sâu cho bóng đá nữ là điều công chúng đang chờ.

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.