Sẽ ra sao nếu căn bếp tiện nghi nhà bạn thiếu tiếng lách cách của dao? Chính vì xem dao như vật bất ly thân trong nhà bếp, nên trên thị trường có khá nhiều chủng loại dao. Dưới đây là một vài gợi ý về cách chọn mua cũng như bảo quản để dao luôn sắc, bén không bị cùn.
Khi mua dao, bạn nên chú ý đến chất liệu của lưỡi dao. |
* Chọn mua:
Dao gọt vỏ: Đây là chiếc dao rất cần thiết và không thể thiếu trong gian bếp nhà bạn. Hãy chọn loại dao được thiết kế thuận tiện cho việc sử dụng, cầm nắm, thao tác để việc gọt trái cây, rau củ nhỏ hoặc cắt tỉa các loại thảo mộc và hành lá... một cách dễ dàng, để tránh bị đứt tay.
Nếu bạn muốn cắt các loại rau củ lớn, thịt… thì nên sắm một chiếc dao đa năng. Dao có một cạnh răng cưa và phần lưỡi dao dài khoảng 13cm, có thể sử dụng đa năng: gọt, bằm, cắt…
Lóc xương thịt, cá, gia cầm thì hãy chọn mua dao lọc (hay còn gọi là dao phi lê). Đây là một loại dao được thiết kế đặc biệt, có một lưỡi hẹp, cứng và cong lên trên để lưỡi có thể dễ dàng làm việc xung quanh xương. Kiểu dáng thanh mảnh, sắc nét, kích thước điển hình của một con dao lóc xương khoảng từ 12 - 17cm.
Chặt xương, cắt thịt hoặc băm thì chọn dao chặt (hay dao phay). Loại dao này có một phần lưỡi dày, rất nặng và mạnh mẽ với một đặc điểm nổi bật nữa là phần sống dao hơi cong lên.
Bạn cũng có thể tìm thấy tất cả những tính năng trên trong các loại dao bộ, điển hình là bộ dao kiểu Pháp. Đây là loại dao thông dụng, được thiết kế dạng lưỡi trung bình, đôi khi mỏng, kiểu lưỡi hơi cong, chiều dài lưỡi cũng khá đa dạng. Nó có nhiều kích cỡ giúp bạn giải quyết tất cả các mục đích băm chặt hay cắt gọt một cách cơ bản.
* Bảo quản:
- Khi sử dụng dao, nên theo đúng chức năng của từng loại dao khác nhau để giữ được độ bền. Không nên dùng dao để cắt thực phẩm nóng hay dùng dao trên các mặt cắt bằng kim loại hoặc gốm cũng như để thành phần axit có trong các thực phẩm như trái cây, nước sốt cà chua... bám vào lưỡi dao. Vì như thế sẽ làm lưỡi dao nhanh bị mòn.
- Khi dùng dao xong, nên rửa dao sạch bằng miếng rửa chén không gây trầy xước. Không nên “tống” dao vào bồn rửa chén ngâm chung với các đồ vật khác. Điều này sẽ làm chuôi gỗ bị lỏng, khiến dao khó sử dụng hoặc dao còn có thể bị va đập mạnh với những đồ vật khác làm hỏng lưỡi dao.
- Cần đặt dao vào hộp gỗ hoặc kệ cắm dao để bảo đảm độ bền. Đặt hộp hoặc kệ dao ở vị trí cao, nhưng không quá khó lấy để bảo đảm an toàn và thuận lợi khi sử dụng. Không để dao tiếp xúc với các vật dụng bằng chất liệu bạc vì chúng sẽ làm cho dao mau mòn. Phần cán nhựa cần tránh xa nguồn nhiệt để tránh bị nóng chảy.
- Để giữ dao luôn sắc bén, mỗi tuần nên mài dao một lần. Nên mài dao trên miếng đá nhỏ hoặc dụng cụ mài dao, không mài dao trên vật nhẵn nào đó hoặc trên đáy chén đĩa… vì như thế dao sẽ nóng lên, dễ bị cong và rỉ. Sau khi mài, nên rửa sạch dao, để khô rồi hãy sử dụng nấu nướng đừng dùng ngay vì có thể bụi kim loại còn sót lại sau khi mài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Để yên tâm dao không bị rỉ sét, bạn có thể bôi lên mặt dao một ít dầu ăn, ngâm vào nước vo gạo, hoặc lấy gừng xoa lên.
C.M (theo phunu online)