.

Jacqueline của Picasso

.

Ngày 6-1 vừa qua, Viện Bảo tàng nước Anh tại London tuyên bố chính thức mua hai bức tranh “Jacqueline Reading” và “Still life Under Lamp” (Tạm dịch : “Jacqueline đọc sách” và “ Tĩnh vật dưới ngọn đèn”) với giá 500.000 bảng.

Số tiền do Quỹ hỗ trợ nghệ thuật và các nhà sưu tập nghệ thuật tư nhân đóng góp. Đặc biệt, hai bức tranh này được thực hiện vào năm 1962, lúc tác giả ở tuổi 80, nằm trong số 80 bức tranh mang kỹ thuật ấn bản đồ họa rất đặc biệt của Picasso - tranh khắc nét trên vải lót nền nhà, kỹ thuật do Picasso tự khám phá vào thời kỳ từ cuối năm 1950 và đầu những năm 1960.

 
Jacqueline đọc sách (ảnh trên) và Tĩnh vật dưới ánh đèn (tranh khắc của Picasso).
Jacqueline đọc sách (ảnh trên) và Tĩnh vật dưới ánh đèn (tranh khắc của Picasso).

Picasso (1881-1973) là nghệ sĩ châu Âu, nổi tiếng thế giới, có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực mỹ thuật vào thế kỷ 20. Ở thể loại đồ họa, qua số lượng lớn tranh in, tranh khắc của ông, kỹ thuật cũng như hiệu quả nghệ thuật giữ một vị trí quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật lâu dài của Picasso. Số tranh đồ họa của ông hơn 2.500 bức, chủ yếu là tranh khắc, in thạch bản và khắc trên vải lót nền nhà.

Thời gian những năm 1950 trở đi, Picasso cư trú chủ yếu ở miền Nam nước Pháp, bắt đầu in ấn tranh đồ họa bằng cách sản xuất tranh áp phích quảng cáo cho các cuộc triển lãm đồ dùng bằng gốm và các pha biểu diễn đấu bò. Trong một thời gian rất ngắn Picasso tìm cách thức mới để sản xuất “tranh đồ họa trên vải lót nền nhà” bằng nhiều  màu sắc - trổ bản, cắt rời từng phần rồi phủ màu lên để in như chúng ta thấy cách in từng màu một trong kỹ thuật in ty-po vào thời đó.

Hai bức tranh nổi bật sự cải tiến kỹ thuật và sáng tạo đáng kinh ngạc của Picasso. Bức “Tĩnh vật dưới ngọn đèn” mô tả các trái táo bên cạnh một chiếc cốc thủy tinh, rực rỡ chiếu sáng dưới chụp đèn vào ban đêm. Picasso dần dần cắt khung hình trên vải rồi in các mảng duy nhất, từng bước xây dựng hình nét với độ phức tạp ngày càng tăng. Bức thứ hai chứng minh cho một chủ đề đơn sắc, “Jacqueline đọc sách”, cũng được thực hiện trong năm 1962. Người ngồi trong tranh là Jacqueline Roque  (1927-1986 ) sinh tại Paris, vợ thứ hai của Picasso, cũng là người ông đã sống chung, cận kề nhau trong những năm cuối cùng của cuộc đời mình.  Trong thời gian này, Picasso vẽ hàng trăm chân dung Jacqueline và cô ấy đã trở thành nàng thơ cuối cùng trong cuộc đời.

Lúc 72 tuổi,  Pablo  Picasso lần đầu tiên nhìn thấy Jacqueline Roque và nhận ra một vẻ đẹp bừng sáng lên giữa những vật dụng làm bằng gốm, nơi cô làm việc, vùng Riviera của Pháp. Ông tán tỉnh cô trong sáu tháng, và rất lãng mạn, ông vẽ một con chim bồ câu khổng lồ bằng phấn trắng trên tường của ngôi nhà của mình. Sau khi người vợ đầu tiên của Picasso Olga Koklova mất, ông được tự do kết hôn. Hôn nhân của Jacqueline và Pablo  Picasso kéo dài 11 năm cho đến khi ông qua đời, trong thời gian đó ông đã tạo ra hơn 400 bức chân dung Jacqueline. Trong những năm vừa qua, một vài trong số tranh chân dung của Jacqueline Roque được các nhà sưu tập chọn mua với giá rất cao ở các cuộc bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Giới nghiên cứu nghệ thuật đều thừa nhận rằng, dù có phần bẳn tính, nhiều nhân tình, người mẫu nhưng Jacqeuline được Picasso yêu chuộng nhất và gần gũi nhất.

13 năm sau cái chết của Picasso ở Mougins, Jacqueline tổ chức trưng bày số tranh của Picasso trong sưu tập riêng của mình ở Tây Ban Nha, nơi chôn nhau cắt rốn của Picasso, bà đã tự sát với một khẩu súng. Giới truyền thông lúc đó đưa tin về cái chết đột ngột ấy đã không quên ghi nhiều giai thoại mặn nồng của hai người.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc Viện Bảo tàng Anh, cho biết: “Hai bức tranh đồ họa của Picasso được mua lần này là tài sản nghệ thuật bổ sung đáng kể cho Bảo tàng Anh. Tôi rất biết ơn cho Quỹ nghệ thuật, các nhà sưu tập, khách hàng quen của Bảo tàng Anh đã tài trợ để đưa về những tác phẩm nghệ thuật độc đáo cho bộ sưu tập của Bảo tàng “.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.