.

Mưa chiều Sacramento

.

Cơn mưa đột nhiên rải mênh mang xuống trời chiều Sacramento. Những giọt nước chạy lăn tăn trên các góc phố như những nốt nhạc trong một bài tình ca Việt nào đó viết về thành phố. Bỗng nhiên trong tôi bật lên giai điệu: “Thành phố nào nhớ không em, nơi chúng mình... ”.

Một góc phố ở Saccramento nhìn từ Capitol Hill. Ảnh: M.H.P
Một góc phố ở Saccramento nhìn từ Capitol Hill. Ảnh: M.H.P

Trời chiều ở Sacramento như tối hơn một chút trong cơn mưa bóng mây bất chợt, ào ạt, vội vàng nhưng qua cũng nhanh. Đi nép dưới những hàng hiên, theo sau lưng mái tóc ướt lèm nhèm, vừa vuốt vội của cô bạn thời phổ thông trung học. Cơn mưa chiều bất chợt ở Sacramento trở nên lung linh như kỷ niệm đẹp, khó phai của tình bạn không hẹn mà gặp từ bên kia nửa địa cầu.

Sacramento là một thành phố của tiểu bang California và cũng chính là thủ phủ của tiểu bang, kể từ năm 1879. Tên gọi này được đặt theo tên của giòng sông Sacramento nằm ở ranh giới phía Tây của thành phố. Sacramento được thành lập từ năm 1850, thời điểm mà “cơn sốt tìm vàng” (gold rush) ở California lên đến giai đoạn đỉnh. Sacramento trở thành đầu mối giao dịch và phân phối vàng nhờ sự lưu thông thuận tiện của các tuyến đường sắt, đường thủy, xe ngựa và nhiều dịch vụ khác. Trải qua hơn 160 năm thành lập, ngày nay rất nhiều công trình cổ vẫn còn được lưu giữ như là những thông điệp tốt lành mà người xưa gửi lại cho các thế hệ mai sau. Diện tích của Sacramento khoảng 2.578km2 và dân số chưa đến 1,5 triệu người.

Mặc dù người Việt sinh sống ở tiểu bang California rất đông (hơn nửa triệu người), nhưng chủ yếu tập trung ở quận Cam (Orange county) và San Jose là các khu đô thị sầm uất, buôn bán thịnh vượng, còn ở Scramento chỉ có một số gia đình người Việt chủ yếu làm bàn giấy hoặc học hành. Cứ mỗi độ xuân về, theo ước tính cộng đồng người Việt ở Sacramento tổ chức hội chợ với sự tham gia của khoảng 10.000 người Việt.

Quá nửa buổi chiều khi tôi tìm ra nơi gia đình của cô bạn gái đang thuê ở trọ, thì Tâm - tên cô bạn học thời phổ thông với tôi ngày xưa tại Đà Nẵng, vội vàng phone cho chồng là Khanh thông báo về sự có mặt của tôi. Tất cả chúng tôi đều là bạn. Hơn 3 năm rồi chúng tôi không gặp nhau vì gia đình Tâm và Khanh xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình. Trong khi chờ đợi Khanh xin phép về sớm từ nơi làm việc, Tâm vội vàng lái xe đi đón con gái đang tan buổi học chiều. Mọi người gặp nhau rất mừng vì cuộc hội ngộ có thể nói là “độc nhất vô nhị” này.

Tôi chỉ có thể ở lại Sacramento từ chiều cho đến sáng sớm hôm sau mà thôi. Khanh bảo dễ gì ông đi công tác và gặp nhau ở đây, nên chỗ ông cần đi thăm phải là Capitol Hill. Đây là nơi Quốc hội và Thống đốc tiểu bang California làm việc. Ở Hoa kỳ, tất cả những nơi mà Quốc hội và Thống đốc tiểu bang làm việc đều gọi là Capitol Hill, xây dựng theo một mô hình giống nhau và cũng giống với kiến trúc nổi tiếng mà ta quen gọi là Nhà Trắng (White House). Khanh giục mọi người lên xe để đi đến cho kịp trước giờ đóng cửa đón khách tham quan. Tôi ngồi trên khoang cùng tài xế, thấy Khanh mang theo đến hai bộ định vị dẫn đường. Khanh cười xì xòa giải thích rằng ở bên này thường phải đi xa, đường phố quá nhiều, chằng chịt, lạ hoắc mà tôi lại… chậm nhớ đường, nên nếu trang bị một bộ, nhỡ nó không làm việc thì… khỏi có về nhà.

Đã bước vào tuổi U50, nhưng khi sang đây, cả Tâm và Khanh đều vừa đi làm, lại vừa phải đi học tiếng Anh để xóa mù chữ. Tôi hiểu rằng, Tâm và Khanh bây giờ đang quay như một con vụ, bận rộn trong nhọc nhằn lo toan cuộc sống ở những năm đầu hội nhập từ tập quán đến cách thức sinh hoạt và văn hóa của quê hương thứ hai này.

Thật là may mắn. Khi chúng tôi đến, cửa kiểm soát vào hãy còn rộng mở. Mọi công dân Mỹ kể cả du khách đều có thể vào tham quan tự do sau khi xuất trình một loại giấy tờ nào đó, thông thường là giấy phép lái xe (driver license) cho người trong nước và passport cho các du khách nước ngoài. Sau khi trình giấy và được kiểm soát như lúc vào các sân bay, mọi người tha hồ lang thang trong một tòa nhà rộng lớn, kiến trúc cầu kỳ, đẹp mắt, tranh tượng được bài trí với một thẩm mỹ cao nhất và tất nhiên ánh sáng của camera cũng nháy liên hồi để ghi lại hình ảnh làm kỷ niệm.

Trong một góc của tòa nhà có nhiều phòng liên thông nhau trông giống như một viện bảo tàng trưng bày các di vật và hình ảnh liên quan đến lịch sử phát triển của tiểu bang để giáo dục lịch sử cho các thế hệ trẻ. Khi tôi nháy đèn flash để ghi hình thì nhân viên quản lý ở đây nói “no camera here” (không chụp hình ở đây). Giọng nói của anh ta thong thả, không có gì là gay gắt, chỉ nhằm để nhắc nhở mà thôi. Tôi nhìn quanh không thấy bảng thông báo cấm chụp hình, hoặc có thể là nó nằm ở đâu đó mà khi bước vào tôi đã không để ý.

Qua mấy bậc tam cấp dẫn ra những dãy ghế ngồi nhìn xuống bên dưới như trong các rạp hát, rạp cinema thường xây dựng, khách tham quan có thể quan sát các bộ phận hành chính của tiểu bang đang làm việc bên dưới, việc chụp hình không bị cấm ở đây. Một hội trường rất rộng với nhiều bàn làm việc được bày bố quây quần. Đúng là mô hình hành chính một cửa.

Trong một hành lang rộng, trên vách tường là hình ảnh thống đốc tiểu bang California qua các “triều đại”, tôi nhìn thấy có ảnh Ronald Reagan, người đã trở thành Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, với hai nhiệm kỳ làm việc (1981 - 1989). Ronald Reagan là thống đốc thứ 33 của tiểu bang California từ 1967 đến 1975. Và tất nhiên tôi đã không bỏ qua cơ hội chụp ảnh “cùng” tất cả các thống đốc của tiểu bang California kể từ ngày thành lập đến nay.

Trên lá cờ riêng của tiểu bang California có in hình con gấu. Con gấu là biểu tượng của vùng đất nằm ven biển phía Tây Hoa Kỳ, có diện tích gần 424.000km2, lớn thứ 3 cả nước, nhưng đông nhất về dân số, với hơn 37 triệu người. Một con gấu có thể nói là khổng lồ đúc bằng đồng đặt ngay trước cửa phòng làm việc của thống đốc tiểu bang. Hình ảnh con gấu trông hiền từ, thân thiện, nhưng rất oai vệ. Một nữ cảnh sát mặc cảnh phục chỉn chu và rất “diện”, đầu đội mũ nỉ rộng vành, hông đeo một khẩu súng côn (colt) đựng trong bao da đứng gác bên ngoài cửa thống đốc cười thành tiếng khi chúng tôi giả vờ như bị gấu… cắn để chụp ảnh. “Vào cửa quan” ở đây sao thấy thân thiện như đi dạo trong công viên.

Lúc tôi ngỏ lời muốn chụp với người nữ cảnh sát này một bức ảnh bên con gấu để mang về Việt Nam làm kỷ niệm thì lời đề nghị đã được đồng ý một cách vui vẻ. Điều này khác với các cảnh sát nam đang làm nhiệm vụ ngoài hàng rào Nhà Trắng ở Washington D.C hôm tôi đến. Lúc có lời yêu cầu tương tự họ lắc đầu bảo đang làm nhiệm vụ, không được phép chụp hình và chỉ vào Nhà trắng bảo các bạn cứ tha hồ mà chụp.

Rời Capitol Hill khi cơn mưa chiều vừa tạnh. Hình như cơ quan này cũng đang rục rịch đóng cửa kết thúc một ngày làm việc và tiếp khách thăm quan. Ra bên ngoài khuôn viên chúng tôi nán lại chụp thêm vài tấm hình ở khu tiền sảnh kẻo khi rời xa lại tiếc.

Những cơn gió nhẹ từ phía bờ sông xa chợt ùa đến mang theo sự se lạnh cuối ngày. Đường phố hãy còn loang loáng nước. Trên đường về, Khanh đưa mọi người đến một quán ăn tự chọn để thưởng thức các loại đặc sản biển vùng này. Thôi thì đủ các loại tôm, ghẹ và nghêu sò… Đây là những món rất hợp gu với tôi. Có một điều lạ là trong quán không thấy bán bia rượu ở đâu cả. Khanh bảo mình “chịu khó” ăn ở đây rồi về nhà uống lai rai sau, vì cách ăn uống trong các quán của Mỹ khác bên quê nhà. Quán rộng, đông thực khách nhưng không gian lại ấm áp, dễ chịu và lịch sự từ cách bài trí đến phục vụ. Không có những tiếng kiểu như “dô… dô” hay cười nói lớn ồn ào.

Sacramento, cơn mưa rải mênh mang trong chiều còn reo mãi trong tôi những nốt nhạc vui.

Bút ký MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.