Món ăn mà địa phương này có, địa phương khác không có thì gọi là món ăn “đặc sản”. Tương tự vậy, món ăn tinh thần với giọng điệu, ngôn từ diễn tả mà nơi này không giống nơi khác cũng có thể xem như là... “đặc sản”. Cụ thể ở đây là thơ, tạm gọi là thơ... đặc sản hoặc đặc sản... thơ!
Trên văn đàn, thỉnh thoảng người đọc bắt gặp đâu đó những vần thơ mà câu chữ mang âm hưởng địa phương. Tôi có một ông bạn thơ vong niên người gốc Quảng Trị. Lâu ngày không gặp tôi ghé lại thăm, ông dúi cho tôi bài thơ bảo mới sáng tác. Tôi đọc và cười... bật ngửa, vì đây là một bài thơ mà các câu đều mang nhiều từ địa phương thú vị nhưng cũng thật khó mà hiểu hết:
“Eng khải dằm vô chỗ ngá tui
Giọng quê dư đốt mía lau lùi
Mô tê bọ mạ... nghe mà dớ
Côi đưới ni nờ… chộ cũng bui...”
(Giọng quê - Trương Đình Đăng)
Thế là ông giảng nghĩa thế nào là: “eng khải” (anh gãi), “dằm vô” (nhằm vào), “chỗ ngá tui” (chỗ ngứa tôi), “dư” (như), “dớ” (nhớ), “côi đưới” (trên dưới), “chộ cũng bui” (thấy cũng vui). Để hiểu, đoạn thơ này “tạm dịch” thành: “Anh gãi nhằm vào chỗ ngứa tôi/ Giọng quê như đốt mía lau lùi/ Đâu kia cha mẹ nghe mà nhớ/ Trên dưới này đây thấy cũng vui...”.
Giọng Huế với “răng” (sao), “nì” (này), “o” (cô), “tê” (kia), “tề” (kìa), “mờ” (mà), “nớ” (kia)... được nhà thơ Mường Mán, người gốc Huế đưa vào trong những vần thơ tình tuổi học trò một thời làm say lòng bao nhiêu người yêu thơ, vì nghe lạ tai và cũng rất chân thật, dễ thương:
Nì O tê răng mờ đứng đó
Lớp anh tan buổi học trưa về
Sáng vàng thu trời mưa nho nhỏ
Chờ ai răng O nớ, mưa tề!
(Trời làm mưa ướt áo em rồi)
Nhưng với nhiều người, những nét đặt trưng hết sức riêng biệt và khó nhầm lẫn của giọng Quảng Nam mới để lại nhiều ấn tượng trong lòng mình. Sự biến âm một cách có hệ thống, khiến cho người nghe có cảm giác vừa lạ, vừa quen, dễ nhại theo và cũng dễ thực hành... bắt chước. Cái tính hay cãi, sự chân thật và hay nói bộc toẹt của người xứ Quảng không biết có góp phần tạo nên sự ấn tượng trong cách nói đó hay không? Một người “xứ” khác, chỉ cần để ý một chút, nắm được cách biến âm của giọng Quảng cũng có thể làm được bài thơ giọng... Quảng ngon ơ.
Chợt nhớ bài thơ rất xưa, thuộc, nhưng không rõ đề của cụ Tú Rua, quê quán Đại Lộc đã từng khai thác “đặc sản” giọng Quảng, biến vần “am” thành vần “ôm”, vần “ẵn” thành vần “ẽn” tạo thành một bài thơ Đường thú vị, vừa mang âm hưởng giọng Quảng, vừa nói lên được tính cách của người Quảng xưa và cả đến hiện nay:
“Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm,
Ăn cục nói hòn chẳng thôm lôm.
Có chàng công tử quê Đà Nẽng,
Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm.
Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ,
Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm.
Thêm ông hàng xóm người Hà Nội,
Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm”
Bài thơ còn ghi lại lương duyên giữa chàng học trò tuấn tú xứ Quảng và cô gái Huế đẹp xinh, mà ca dao lưu truyền bao đời nay: “Học trò xứ Quảng ra thi/ Thấy o gái Huế chân đi không đành...”.
Tường Linh là một nhà thơ tên tuổi gốc Quế Sơn, Quảng Nam, khi hồi tưởng lại tuổi thơ ở quê nhà, những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã đi qua trong đời, ông cũng mượn giọng Quảng, chuyển vần “ôm” thành vần “ơm”. Chính điều này khiến cho người đọc một khi đã bắt gặp thì khó mà quên:
Rủ nhau vô núi hái chơm chơm,
Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm.
Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc,
Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm.
Mùa đông tơi lá che mưa bấc,
Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm.
Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa,
Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!
Vui cùng các bậc tiền bối, trong lúc nhàn tản bên ly cà-phê thơm, đậm đà, thả hồn theo mây gió, người viết bài này cũng biến “ôm” thành “ơm” trong một bài thơ luật Đường tả cảnh làng quê giữa không gian hè oi ả, có ánh sáng lập lòe của đom đóm, của trăng ánh trăng lên, có tiếng cá quẫy, tiếng dế nỉ non, chút mây trôi, chút gió mát và sự hoài niệm về những dấu yêu xưa. Xin được tặng bạn yêu thơ và nhất là yêu cái giọng Quảng “Nôm” không lẫn vào đâu được:
Ánh đèn le lói buổi đầu hơm,
Oi ả trời đêm hóng ngọn nờm.
Đom đóm lập lòe sau dậu trúc
Trắm mè vùng vẫy cạnh ao chươm.
Tình xa, ai nhớ? Duyên phai nhạt,
Nghĩa cũ, ta hoài, mộng ấp ơm.
Nhạc dế bên hè tha thiết lạ,
Gương trăng lay động bóng mây chờm.
(Đêm Hè)
Định dừng lại với trích dẫn mấy bài thơ luật Đường giọng Quảng mà không biết tôi đã học thuộc đâu đó đã lâu, như là sự giới thiệu và mời gọi những người thích xướng họa thơ Đường luật nhân đây mà “trổ tài” và vui cùng giọng Quảng, chợt nhớ tới tập sách “Người xứ Quảng” của Lê Minh Quốc bèn lục tìm và trích dẫn thêm mấy câu thơ với “nè” (này), “mi” (mày), “dị òm” (mắc cỡ), “chưn” (chân), “một cấp” (một lát), “răng” (sao), “ni” (này)... của nhà văn gốc Quảng - Nguyễn Nhật Ánh trong bài thơ “Hồi xưa tôi đã tỏ tình” để tăng thêm “gia vị” cho bạn đọc:
“Nè mi mới dọn tới bên nhà
Dị òm tau cũng bước chưn qua
Ba đi một cấp, răng về kịp?
Mẹ chắc giờ ni ở chỗ bà...”.
MAI HỮU PHƯỚC