.

Biết mình, biết ta...

.

Khảo sát thông tin tỉ lệ sinh viên (SV) có việc làm sau khi tốt nghiệp của các trường ĐH, CĐ ngoài việc giúp học sinh phổ thông tham khảo để lựa chọn ngành nghề, thông số này là một trong những kênh để các trường điều chỉnh quy mô tuyển sinh, chương trình đào tạo… Thế nhưng, nhiều trường thừa nhận con số khảo sát chỉ ở mức tương đối bởi rất nhiều nguyên nhân: SV không có thói quen lấy ý kiến phản hồi, nhà trường tiến hành khảo sát trên quy mô nhỏ…

Ngày hội tư vấn - giới thiệu việc làm là một trong những hoạt động của các trường ĐH nhằm tạo điều kiện cho SV tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.  Ảnh: H.H
Ngày hội tư vấn - giới thiệu việc làm là một trong những hoạt động của các trường ĐH nhằm tạo điều kiện cho SV tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Ảnh: H.H

Mỗi trường một kiểu

Hầu hết website các trường ĐH, CĐ đều có mục ba công khai, hoặc thông tin công khai. Thế nhưng, công bố tỷ lệ SV có việc làm thì mỗi trường thực hiện theo mỗi kiểu khác nhau. Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) công bố tỷ lệ SV có việc làm chi tiết tới từng ngành. Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) chỉ công bố tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm của toàn trường là 80,6%, bỏ trống từng ngành cụ thể. Đối với các ngành thuộc chương trình tiên tiến và chương trình hợp tác quốc tế như Điện tử, truyền thông, Vi điện tử, Viễn thông; Sản xuất tự động, Tin học công nghiệp; Kỹ thuật công trình xây dựng, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) công bố tỷ lệ này là 100%; đối với các ngành thuộc chương trình đào tạo đại trà, nhà trường chỉ công bố tỷ lệ chung là 92%. Tỷ lệ này của Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng là 82,6% cho cả 2 năm học liên tiếp và dùng cho cả 4 ngành đào tạo bậc CĐ.

Rất khó để tìm thấy con số SV ra trường có việc làm của Trường CĐ Phương Đông Đà Nẵng nếu người xem không “kiên trì” đọc hơn 100 trang báo cáo tự đánh giá để đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục trường CĐ. Nhà trường cũng chỉ thông báo chỉ số SV có việc làm đúng ngành đào tạo sau 6 tháng và 12 tháng. Riêng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) để trống toàn bộ phần liên quan đến số phần trăm SV có việc làm sau 1 năm ra trường. Trong khi đó, ĐH Đà Nẵng lại công bố tỷ lệ SV có việc làm của các trường ĐH, CĐ thành viên - trong đó có Trường ĐH Ngoại ngữ - chi tiết đến từng ngành đào tạo.

Tin cậy đến mức độ nào?

Trong báo cáo kiểm định chất lượng, Trường CĐ Phương Đông thừa nhận: “Việc khảo sát và thống kê số liệu sau khi tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo chưa được thực hiện rộng rãi, chưa bao quát hết các ngành đào tạo, các trình độ đào tạo”. Ông Lê Ngọc Nguyên - Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết: “Nhà trường chỉ có thể tiến hành khảo ở Đà Nẵng và một vài tỉnh lân cận và cũng chỉ ở quy mô hẹp, lấy thông tin thông qua những SV còn giữ liên lạc với thầy cô giáo trong trường”. Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cũng tự đánh giá: “Nhà trường chưa thường xuyên điều tra, khảo sát tình hình SV tốt nghiệp, chưa xây dựng kế hoạch đánh giá, khảo sát chất lượng đào tạo đối với người học sau khi ra trường, chưa mở rộng khảo sát các nhà tuyển dụng lao động về mức độ đáp ứng mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục của nhà trường với nhu cầu sử dụng lao động”. Để có con số 80,6% SV năm 2006 tốt nghiệp sau 1 năm, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng sử dụng kênh thông tin thông qua các lớp trưởng để nắm số liệu.

Khoảng 3 tháng sau khi tốt nghiệp, thời điểm SV quay về trường nhận bằng tốt nghiệp, Trường CĐ Công nghệ phát cho SV bảng hỏi theo biểu mẫu của trường, trong đó, ngoài thông tin về việc làm còn có một số thông tin như địa chỉ nhà, số điện thoại ổn định để liên lạc, địa chỉ email… TS Võ Như Tiến - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cho biết: “Cho dù thông tin tỷ lệ SV có việc làm sau khi ra trường là một kênh để nhà trường theo dõi những biến động của thị trường lao động nhưng sự tích cực trong phản hồi của SV thường là không cao, phải có điều kiện ràng buộc mới thu thập được. Chưa kể, những SV ở xa hoặc mới có việc làm, không thể quay về trường nhận bằng được, thì trường không thể nắm con số cụ thể”. Thế nên, theo TS Võ Như Tiến, thì “số liệu có thực nhưng không phản ảnh trung thực được”.

Ông Nguyễn Văn Phòng - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết: “Có một thực tế là SV không có thói quen gửi ý kiến phản hồi nên để khảo sát được, nhà trường phải mất rất nhiều công sức. Chúng tôi nắm thông tin của SV sau khi tốt nghiệp thông qua nhiều kênh: thời điểm SV nhận bằng tốt nghiệp, gửi thông tin qua email có kèm theo thư của Hiệu trưởng nói về tính chất quan trọng của việc phản hồi, trao đổi qua điện thoại với lớp trưởng. Thực tâm là nhà trường rất muốn SV phản hồi bởi đây cũng là một dữ liệu để trường định hướng tuyển sinh và điều chỉnh chương trình đào tạo”. Năm 2014, Trường ĐH Bách khoa sẽ đẩy mạnh công tác khảo sát các doanh nghiệp có sử dụng nguồn lao động là SV của trường để xin ý kiến nhận xét chương trình đào tạo và kỹ năng thích ứng của SV.

Trên thực tế, dữ liệu tỷ lệ SV có việc làm góp phần giúp SV thấy được sức cạnh tranh của trường mình theo học trên thị trường lao động, cũng như xu hướng việc làm, ngành nghề theo học. Phải chăng đây là một trong những lý do khiến cho nhiều trường bỏ trống, không công bố tỷ lệ SV có việc làm hoặc công bố không đầy đủ? Ông Nguyễn Tiền Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại cho rằng, cùng với yêu cầu “ba công khai” của Bộ Giáo dục & Đào tạo, thì thông tin về tỷ lệ SV có việc làm cần được cập nhật và điều chỉnh hằng năm mới có đủ độ tin cậy. Một điều đáng lưu ý nữa là rất ít trường công bố số lượng phiếu phát ra và số SV trả lời khảo sát, nên tỷ lệ bao nhiêu phần trăm SV có việc làm và có việc làm đúng ngành nghề đào tạo hay không vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ trong quá trình khảo sát này.

HƯNG HÀ

;
.
.
.
.
.