.
Những cái nhất của Đà Nẵng

Cầu Sông Hàn

.

Cầu Sông Hàn là cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, là cầu quay duy nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay, và cũng là chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn kể từ thời điểm 1975.

Cầu Sông Hàn được  xem như một biểu tượng về thành tựu và triển vọng của Đà Nẵng.Ảnh: MINH TRÍ
Cầu Sông Hàn được xem như một biểu tượng về thành tựu và triển vọng của Đà Nẵng. Ảnh: MINH TRÍ

Cầu Sông Hàn được khởi công ngày 2-9-1998 và khánh thành đưa vào sử dụng ngày 29-3-2000 nhân kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng. Báo giới lúc đó đã đánh giá cầu Sông Hàn là “một công trình mang tính bứt phá đã được xây dựng trên trục chính của đường Bạch Đằng, một công trình mà sau này chắc chắn sẽ có một chỗ đứng bền vững trong lịch sử phát triển của thành phố”. Việc bắc cây cầu Sông Hàn qua dòng sông cùng tên được ghi nhận là tác nhân để cho “đường Bạch Đằng được lột xác lần thứ hai trong cuộc đời dài hơn 3 thế kỷ” (Sài Gòn Tiếp Thị).

Đây là công trình lớn đầu tiên của Đà Nẵng được xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cuộc vận động đóng góp xây dựng cầu Sông Hàn có lẽ là cuộc vận động rộng lớn nhất được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Đà Nẵng hưởng ứng nồng nhiệt nhất. Ngoài ra, đồng bào Quảng Nam, bà con đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng nhiều nơi, Việt kiều trên khắp thế giới, nhiều bạn bè quốc tế đang kinh doanh, làm việc, học tập ở Đà Nẵng... đã đóng góp, lưu một chút tình cảm với đất và người Đà Nẵng.

Cầu Sông Hàn đã đi vào tâm thức người dân thành phố như một biểu tượng của thành tựu và triển vọng, nó khép lại những năm tháng nghèo khó, mở ra một chân trời mới tràn đầy niềm tin và hy vọng để bờ đông sông Hàn trở mình vươn dậy. Nương theo chiếc cầu thế kỷ, cùng với những tín hiệu vui từ phát triển kinh tế, ánh sáng văn hóa - văn minh sẽ chảy tràn lên những cảnh đời tối tăm, đói rét. Những chuyến đò ngang đầy bất trắc trong những đêm đông mưa bão đã trở thành chuyện của ngày hôm qua cùng với kỷ niệm buồn vui của những người đưa đò một dạo.

Từ ý tưởng bước ra hiện thực, chiếc cầu nối bên ni Hàn - bên tê Hà Thân ấy đã hào phóng đưa cánh tay níu bán đảo Sơn Trà hoang sơ gần lại với nhịp sống đô thị. Từ khi có cầu, từ đường Lê Duẩn sang đến bán đảo Sơn Trà chỉ mất 5 phút xe máy đã rút ngắn một chặng đường vòng 15 - 16km. Hôm nay, đứng trên cầu phóng tầm mắt nhìn bên ni Hàn hay bên tê Hà Thân đều thấy phố xá nghênh ngang, cộ xe như mắc cửi. Nhiều trăm năm thầm lặng đi qua, nhưng chỉ mới hơn mười năm mà Đà Nẵng đã đổi thay đến lạ. So với hơn bốn nghìn năm vàng son của lịch sử dân tộc, đó chỉ là khoảnh khắc, nhưng là một khoảnh khắc làm nên cái vô cùng!

Thật khó mà thống kê hết tác phẩm của các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, các nhà báo... đã đón nhận cảm xúc từ chiếc cầu mang tên dòng sông thành phố. Điểm nhấn của đêm Đà Nẵng là cầu Sông Hàn. Trong những kỳ trình diễn pháo hoa quốc tế, cây cầu được cho là biểu tượng của Đà Nẵng này càng đẹp thêm với tông màu ánh sáng trang trí mới. Đoàn thuyền hoa xuôi ngược trên sông, dòng hoa đăng sóng sánh cùng sông nước đã chấm phá thêm nét duyên cho sông Hàn ngày hội.

Trước đây, hằng đêm, vào khoảng 0 giờ 30, phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông để thông đường cho tàu lớn đi qua, đến khoảng 3 giờ 30 cầu sẽ quay trở lại như cũ. Kể từ ngày 5-3-2010, thời gian quay cầu có thay đổi: Nếu không có tàu qua lại, mở cầu vào lúc 1 giờ và đóng cầu xong trước 2 giờ cùng ngày; nếu có tàu qua lại, mở cầu vào lúc 1 giờ và hoàn thành việc đóng cầu vào lúc 4 giờ cùng ngày. Nhiều du khách đến Đà Nẵng đã thức khuya để ngắm cây cầu độc nhất vô nhị của Đà Nẵng và cả Việt Nam này quay. Với họ, đến Đà Nẵng mà chưa xem cầu Sông Hàn quay nghĩa là chưa đến Đà Nẵng.

Với tổng kinh phí xây dựng 95 tỷ đồng, trong đó cán bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng và các địa phương khác đóng góp gần 27,5 tỷ đồng, cầu Sông Hàn là vạch nối liền hai trục đường chính của Đà Nẵng là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông. Cầu có chiều dài 487,7m, rộng 12,9m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m, kết cấu bê-tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7m, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê-tông cốt thép.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.