.
Những cái nhất của Đà Nẵng

Người chế tác đàn vi-ô-lông

.

Ông mưu sinh bằng nghề thợ máy nhưng lại khiến cho mọi người biết đến mình bằng tài vẽ tranh và nghề làm pháo. Và, ít ai biết ông là người Đà Nẵng từng chế tác duy nhất một chiếc đàn vi-ô-lông để... thử sức mình.

Anh Trần Hữu Thuận và cây vi-ô-lông độc bản của cha mình.Ảnh: L.G.L
Anh Trần Hữu Thuận và cây vi-ô-lông độc bản của cha mình.Ảnh: L.G.L

Ông là Trần Hữu Viên (còn gọi là Trần Viên), sinh năm 1936, người làng Nam Ô, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Nam Ô một thời có nghề làm pháo lừng lẫy cả nước, cả pháo nổ lẫn pháo hoa, trong đó gia đình ông ba đời làm nghề.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 15 năm Ngày giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng và Giỗ Tổ nghề pháo, HTX Pháo Nam Ô nảy sinh ý định biểu diễn pháo hoa để đánh dấu sự kiện quan trọng này. Ông được giao dàn dựng tháp pháo hoa “Song Long Thọ” đặt tại Sân vận động xã Hòa Hiệp (cũ), nay là khuôn viên Trường THCS Đàm Quang Trung. Giàn pháo có đến trên 20 loại pháo hoa, được chế tác từ nguyên lý làm pháo hoa cổ điển, mỗi loại có hàng trăm đơn vị, riêng pháo thăng thiên các loại đạt đến số ngàn.

Cái khó của tháp pháo hoa là trong hàng chục loại với hàng nghìn viên pháo phải thiết kế sao cho ngọn lửa lần lượt bén đến từng công đoạn và làm bật tung ánh pháo lên trời theo “hiệu ứng đô-mi-nô”. Người làng nghề cho rằng ông có cái đầu “đa hệ”, cứ miệt mài ngẫm nghĩ, làm thử nghiệm xong đâu đó từng công đoạn rồi mới đưa vào lắp đặt chính thức. Năm đó, có đến hàng vạn người từ Nam ra, Bắc vào, tụ tập tại sân vận động xã để chiêm ngưỡng tài nghệ vang dội của các nghệ nhân làng pháo Nam Ô do ông làm “tổng công trình sư”.

Người ta bảo ông giỏi làm pháo, tỉ mẩn trong từng chi tiết, là nhờ ông có nghề thợ máy trong tay. Ông mở tiệm cơ khí dưới Quán Hộ, trên đường Trần Cao Vân, vừa là chủ vừa là thợ chính, chuyên sửa thủy động cơ cho tàu đánh bắt thủy sản ở Thanh Khê.

Lúc đó có một ông thầy dạy ở Trường Kỹ thuật Đà Nẵng (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng) rất giỏi lý thuyết về máy móc, thường chạy chiếc Vespa màu xanh lên nhà ông ở Nam Ô đặt pháo. Bất ngờ, hai người sau đó gặp nhau trong một tình huống rất… khó xử. Mỗi người được một chủ tàu nhờ đại tu máy Kubota Yanmar 6 lốc, vô hình trung như là ngầm thi thố với nhau. Biết mình thua kém về lý thuyết, lại bị say sóng, ông cho thợ xuống tàu tháo máy đem lên bờ và quyết tâm đại tu máy bằng... trí nhớ. Rã máy ra, ông để các chi tiết máy có lớp lang, bài bản, đến khi lắp lại không thừa một bù loong, ốc vít nào, mà lại nhanh hơn ông thầy giỏi lý thuyết!

Trước đó, ông từng bôn ba vào tận Sài Gòn học nghề vẽ, tuy không mưu sinh bằng nghề cầm cọ nhưng lại nhờ cái nghề làm bạn với màu sắc này mà ông chế tác được chiếc đàn vi-ô-lông duy nhất, không phải để biểu diễn hay buôn bán mà để thử sức mình.  

Năm 1960, khi đưa gia đình vô sống ở Kỳ Khương, Tam Kỳ (nay là xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), ông làm quen với một nghệ sĩ đàn vi-ô-lông. Hai người từ mến tài đến mến nhau, người này bày người kia học vẽ và người kia bày người này học đàn. Đêm đêm nằm nghe bạn mình kéo đàn réo rắt, ông cảm thấy thiếu thốn cái gì đó. Ông mượn đàn về, tỉ mẩn đo, vẽ lại từng chi tiết một rồi lặn lội đi tìm gỗ, quyết tâm làm đàn cho bằng được. Tay ngang làm thợ mộc đã khó, làm thợ mộc đóng đàn vi-ô-lông lại càng khó hơn. Thế mà ông lại làm được mới lạ, nó giống chiếc đàn của bạn ông như hai giọt nước, cả tiếng đàn cũng một chín một mười. Xong đâu đó, ông dán mảnh giấy nhỏ ghi hàng chữ “Trần Hữu Viên, Kỳ Khương, Tam Kỳ, Quảng Nam” vào bên trong đàn để làm kỷ niệm.

Mỗi lần cầm đàn lên là ông chơi ngay “bản ruột”, bài Tình lúa duyên trăng của Hoài An, đoạn mở đầu mô tả nét đẹp đồng quê: Mây bay qua. Ánh trăng chiếu dần vào ruộng đồng bao la. Nghe xa xa. Mấy câu hát vè vọng từ đầu thôn đưa về… Sau này, khi con trai ông là Trần Hữu Thuận học đàn, ông cũng lấy bài này làm bài “vỡ lòng”.

Có lần ông đưa Thuận đi học vi-ô-lông dưới Nhà thiếu nhi Đà Nẵng, bỗng có một người đàn ông đi cùng một đứa bé đến hỏi ông: Chú có phải là chú Viên không? Ông gật đầu, rồi hỏi lại sao cậu biết tôi? Người này bảo: Trước đây tôi từng lẽo đẽo theo chú cả buổi để xem chú vẽ bức tranh phong cảnh có cây keo bò qua mái nhà, thích quá mà không vẽ được nên chừ cho con đi học vẽ.

Đa tài, là một trong những nghệ nhân làm pháo nổi tiếng nên khi ông mất năm 1992, cả làng Nam Ô tỏ lòng thương tiếc, cùng nhau đi bộ đưa ông về nơi yên nghỉ ở làng Xuân Thiều, cách nhà ông gần 4 cây số. Thuận nối nghiệp cha học vẽ rồi làm… kỹ sư. Trong nhà giờ treo đầy tranh của hai bố con. Chiếc đàn vi-ô-lông độc bản sau hơn nửa thế kỷ ra đời đã trở thành vật gia bảo của gia đình.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.