Cuộc bầu chọn tân Tổng Thư ký LHQ vào năm 2016 đánh giá 70 năm hoạt động của tổ chức lớn nhất thế giới này. Gần hai năm nữa mới tới thời điểm tìm người kế nhiệm Ban Ki-moon nhưng vừa mới đây các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội của LHQ và các cựu quan chức LHQ đã ký vào bức thư mở gửi cho LHQ với tiêu đề Chiến dịch 1 cho 7 tỷ (tức là tìm người đứng đầu cho thế giới 7 tỷ người hiện nay).
Theo đó, họ đề nghị thay đổi cách thức tìm tân Tổng thư ký vốn đã quá cổ lỗ sỉ và tới lúc phụ nữ đứng ra lãnh đạo thế giới.
Từ trái sang phải: Kristalina Georgieva, Helen Clark và Amina Mohammed. |
Tân Tổng thư ký phải là người thực sự tài năng, có khả năng hợp tác quốc tế tốt hơn bao giờ hết bởi tình hình thế giới ngày càng biến chuyển phức tạp như nội chiến, khủng hoảng nhân đạo, thảm họa môi trường, khủng bố, suy thoái kinh tế - tài chính và bất bình đẳng. Quy trình chọn tân Tổng Thư ký LHQ có từ năm 1946 đã quá lạc hậu.
Theo quy định hiện hành, các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ bàn thảo để chọn ra ứng cử viên duy nhất giới thiệu trước Đại hội đồng. Hai tổng thư ký liên tiếp không sống ở cùng một châu lục. Năm thành viên là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc có quyền phủ quyết bất cứ ứng cử viên nào. Thực ra, đây là quá trình mà 5 thành viên này thực hiện những “trao đổi bí mật”.
Bức thư ghi rõ quyết định chọn người kế nhiệm Ban Ki-moon là quyết định quan trọng nhất trong thập niên sắp tới. LHQ cần đưa ra danh sách rút gọn các ứng cử viên và các ứng cử viên này phải trải qua những buổi trả lời, phỏng vấn, đưa ra phương hướng hành động…
Edward Mortimer là người viết diễn văn và giám đốc truyền thông cho cựu Tổng Thư ký Kofi Annan cho rằng quy trình hiện tại không công bằng chút nào. Chẳng hạn như lần bầu chọn gần đây nhất Trung Quốc bảo rằng lần này tới lượt châu Á; Mỹ im lặng đồng ý với Trung Quốc về ứng cử viên Ban Ki-moon; Nga không quan tâm tân Tổng thư ký là ai miễn đừng là người Đông Âu. Cuộc bỏ phiếu tìm người đứng đầu LHQ nên cho phép bất cứ thành viên nào của LHQ cũng có tiếng nói chứ không phải để 5 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đặt vào thế đã rồi.
Bức thư mở còn đặt ra vấn đề là gần 70 năm qua chưa có vị Tổng thư ký nào là thuộc phái yếu cả. Đây là lúc để nữ giới lần đầu tiên nắm quyền lãnh đạo LHQ vì nó còn đúng với tinh thần của tổ chức này là muốn có nữ nắm vai trò lãnh đạo chủ chốt.
Có ba ứng cử viên nữ rất đáng để ý là Helen Clark, Kristalina Georgieva và Amina Mohammed. Helen Clark là cựu Thủ tướng New Zealand, là người quyền lực thứ ba ở LHQ và nắm quyền điều hành các dự án ở hơn 170 quốc gia. Kristalina Georgieva là ủy viên châu Âu phụ trách chương trình tài chính. Amina Mohammed là cố vấn đặc biệt cho Tổng thư ký về vấn đề phát triển.
ANH THƯ