.
Giới thiệu sách

Nếp nhà trong truyện ngắn Nguyễn Khải

.

“Tôi chỉ có thể đặt bút viết nếu tôi được chạm vào người, vào việc và những cảnh ngộ có thật trong cuộc sống (…) Mà chỉ những người, những việc, những cảnh ngộ ít nhiều có dính líu tới tiểu sử của tôi, những kỷ niệm xa gần của tôi hoặc một nguyện vọng, một mơ tưởng đã khao khát từ năm còn trai trẻ”.

Nguyễn Khải viết những dòng tự bạch như vậy khi mở đầu “Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Khải” (*), được chính ông chắt lọc trong một đời gắn bó với văn chương, kể từ truyện ngắn “Nằm vạ” (1956) đã góp phần làm nên tên tuổi của ông trên văn đàn Việt Nam.

Chính vì vậy, những truyện ngắn của Nguyễn Khải được chuyển tải một cách nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người nhờ sự đồng cảm, chia sẻ, nhất là của những người cùng thời và những bạn đọc luôn sống với ký ức những năm tháng đầy kỷ niệm của đời người. Cũng chính vì thế, truyện ngắn của Nguyễn Khải thường gắn với “nếp nhà” – dẫu đứng riêng lẻ trong mối quan hệ của một gia đình hay hòa mình vào trong dòng chảy của thời cuộc.

Trong mối quan hệ gia đình, dường như Nguyễn Khải khai thác triệt để những nhân vật có thật, bởi ở đó có những mối quan hệ ràng buộc một cách chặt chẽ với thời cuộc, trải qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả trong giai đoạn của thời mở cửa, đổi mới, hòa mình vào cơ chế kinh tế thị trường những năm 90 của thế kỷ trước.

Trong đó, ám ảnh ông nhất vẫn là nhân vật chị Bơ – đã được chuyển tải trong truyện dài “Gặp gỡ cuối năm”; nhưng trong truyện ngắn “Nắng chiều”, bà Bơ hiện diện ở một góc nhìn sâu sắc hơn để khắc đậm hình ảnh của một nếp nhà. Vẫn là một “chị Bơ tôi sở dĩ muộn chồng vì cả một thời son trẻ chả ai để ý đến chị cả… Chị bị bỏ quên cũng vì chị không bao giờ đòi hỏi, chị cam phận, chị tự khép mình vào cái khuôn khổ lễ giáo đã không còn mấy ai theo nữa”, nhưng đến cuối đời, nhờ chuyện cưới xin theo thủ tục để định cư, đoàn tụ với gia đình, không ngờ chị Bơ lại được sống trong một gia đình êm ấm, trong một nếp nhà đầy thương yêu, đùm bọc.

Hãy cứ đọc Nguyễn Khải mà cảm nhận cái hạnh phúc muộn mằn nhưng đằm thắm của tuổi già “Ăn cơm xong, ông ngồi hút thuốc lá, bà ngồi sát cạnh, đặt bàn tay gầy guộc nhăn nheo lên đùi chồng, ông chồng nắm chặt lấy bàn tay, nắn bóp các ngón và trò chuyện với tôi, thỉnh thoảng lại hỏi vợ: “Ngón tay bà sao lạnh thế, lòng bàn tay cũng lạnh, bà đưa hộp dầu tôi xoa cho”. Rồi tác giả đúc kết: “Chỉ có cái tâm tốt của con người mới làm nảy nở được những cái mầm yêu thương đang bị thui héo ở đâu đó”.

Trong mỗi truyện ngắn chuyển tải thông điệp nếp nhà – từ cái nếp nhà gia giáo của một gia đình đậm chất phong kiến (Nắng chiều, Mẹ và bà ngoại), hay cái lãng mạn của một gia đình tiểu tư sản (Một người Hà Nội) hoặc một gia đình của một kẻ giang hồ tứ chiếng (Đàn bà), của một kẻ lãng du phiêu bạt (Lãng tử)…, Nguyễn Khải đều khắc họa và đúc kết một châm ngôn - được ông lắng đọng lại sau những trăn trở, suy ngẫm thấu đáo, đầy dằn vặt nhưng cũng luôn chất chứa yêu thương. Một sĩ quan cảnh sát hình sự, u uất nỗi ưu tư trong một gia đình “cơm không lành, canh chẳng ngọt”: “Thất bại về gia đình là thất bại đau đớn nhất vì lòng kiêu hãnh của thằng đàn ông bị tổn thương đến tột cùng”.

Nhưng anh bất ngờ trước cảnh người vợ ốm o, xơ xác của tên tội phạm nguy hiểm mà anh đối mặt, đã không ngần ngại ôm chân anh để chồng chạy thoát trước mũi súng, rồi an ủi anh rằng sẽ đưa chồng ra đầu thú. “Lời nói dịu dàng, cung cách con nhà gia giáo mà chịu làm vợ một thằng tướng cướp ư? Vợ con như thế, trời ưu đãi đến thế mà không chịu làm người đàng hoàng thật là uổng quá, là một thằng đàn ông ngu quá. Cũng như đã có những con đàn bà hết sức ngu…” (Đàn bà).

Trong cái nếp nhà của truyện ngắn Nguyễn Khải, vì thế, dẫu vui dẫu buồn, ông vẫn tìm thấy một tia sáng để hướng tới, để thấy lạc quan, tin tưởng ở cuộc sống hơn. Ở đó, luôn luôn là tia sáng của hạnh phúc, dẫu của hôm nay hay ở tương lai. Chia sẻ với hạnh phúc của vợ chồng thương binh già trong “Một bàn tay và chín bàn tay”, Nguyễn Khải thức ngộ: “Ngắm nhìn một cặp vợ chồng hạnh phúc, tôi đột nhiên thức ngộ, một đời tôi, tôi chưa dùng được bao nhiêu cái sức mạnh mà Thượng đế ban cho mỗi người, một sức mạnh cũng gần ngang với Thượng đế”.

Hay trước sự đua chen của con người, kể cả không theo kịp lối sống bon chen của giới trẻ trong gia đình, ông vụ trưởng về hưu trong “Sống giữa đám đông” cũng bày tỏ sự lạc quan “Chú cứ nghĩ mà xem, cách sống tôn trọng đồng loại sẽ là cách sống của thế kỷ tới”.

Thế kỷ tới là thế kỷ nào, nỗi dằn vặt ấy không có hồi kết. Nhưng rõ ràng, qua truyện ngắn Nguyễn Khải, người ta hiểu rằng, chính nếp nhà với lối sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là cái bền vững nhất để giữ cho xã hội ổn định vững bền, dù rằng ở bất kỳ thời đại nào!

NGUYỄN THÀNH


(*) Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Khải – NXB Văn hóa - Thông tin, năm 2014.

;
.
.
.
.
.