.

Gọi tên nghề công tác xã hội

.

Được thành lập và đi vào hoạt động đã gần 5 năm theo Quyết định  số 32 của Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020, nhưng đến nay, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu hết về hoạt động của Trung tâm CTXH thành phố Đà Nẵng, vẫn nghĩ đây là nghề “làm từ thiện”…

Cán bộ Trung tâm CTXH  hỗ trợ tham vấn hướng dẫn kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật cho phụ huynh.
Cán bộ Trung tâm CTXH hỗ trợ tham vấn hướng dẫn kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật cho phụ huynh.

Can thiệp những góc khuất

Một đêm giữa năm 2014, điện thoại đường dây nóng của Trung tâm CTXH thành phố Đà Nẵng nhận một cuộc gọi khẩn cấp. Sau tiếng thút thít, giọng cô gái ngập ngừng từ đầu dây nhờ tư vấn một chuyện khá tế nhị: Cô là y tá của một bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh, lỡ có thai với một người đã lập gia đình và họ không muốn ràng buộc nhau vì đứa con. Nhưng cái thai đã quá lớn nên không thể can thiệp phá bỏ. Cô muốn nhờ sự giúp đỡ từ trung tâm.

Chị Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm ôn tồn giải thích, động viên và cung cấp những thông tin quan trọng để tư vấn cô nên giữ bình tĩnh và trực tiếp đến trung tâm để xử lý kịp thời. Sáng hôm sau, cô gái đón xe từ Hà Tĩnh vào và được các chị em ở trung tâm đón tiếp, lo chỗ ăn ở và tư vấn cần phải giữ lại đứa con đang đến ngày ra đời. Sau khi được tư vấn và giúp đỡ, cô gái trẻ đã sinh con, được hỗ trợ chăm sóc những ngày ở bệnh viện và tiền ăn ở cũng như chi phí tàu xe về quê. Ngày ẵm đứa con trên tay trở về quê nhà, cô gái nức nở và cảm ơn hết lời những chị em ở trung tâm như là người thân, đã sinh ra cô và đứa con cô một lần nữa; đã động viên để cô tự tin, xử lý đúng đắn trong lúc cô hoang mang nhất trước biến cố lớn của đời mình!

Chị Trương Thị Như Hoa cho biết, đây không phải là trường hợp hy hữu ở trung tâm trước những ca khó đỡ như vậy. Trong thời gian qua, Trung tâm CTXH thành phố đã tư vấn kịp thời cho 6 bà mẹ trong chương trình “hỗ trợ bà mẹ đơn thân” như vậy, với số tiền tuy khiêm tốn (5-6 triệu đồng/ca) nhưng quan trọng là đã can thiệp kịp thời, cứu sống những đứa trẻ và cả những bà mẹ đang ở trên bờ vực của sự hoang mang, rối loạn tinh thần…

Gần 5 năm đi vào hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận hơn 1.100 thông tin của phụ huynh, trẻ em và người khuyết tật, trong đó có 192 trường hợp được mở hồ sơ quản lý, chia sẻ và kết nối dịch vụ. Ngoài chức năng tư vấn, kết nối dịch vụ cho phụ huynh, từ năm 2012 đến nay, trung tâm chú trọng việc cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý cho trẻ có vấn đề về rối nhiễu tâm trí, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ…

Khi tiếp nhận thông tin, trung tâm đã tư vấn gia đình, kết nối đến các bệnh viện để có kết quả đánh giá của bác sĩ; sau đó Trung tâm sẽ hỗ trợ can thiệp về việc trị liệu tâm lý, rèn luyện các kỹ năng cho trẻ vào bất kỳ thời gian nào trong tuần… Riêng từ tháng 2-2013 đến nay, với sự hỗ trợ của các chuyên gia chuyên ngành tâm lý, CTXH, trung tâm đã thực hiện mô hình tham vấn tâm lý cho nhóm phụ huynh trẻ khuyết tật, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, giải quyết những khủng hoảng trong cuộc sống.

Cần định danh cho nghề

Mặc dù được thành lập và đi vào hoạt động gần 5 năm qua theo Quyết định số 32 của Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu hết về hoạt động của Trung tâm CTXH thành phố Đà Nẵng. “Nhiều người vẫn nghĩ đây là nghề “làm từ thiện”, chưa hiểu hết về bản chất của nghề CTXH đối với đời sống hiện nay. Vì thế khi cán bộ, tư vấn viên của trung tâm đến thì mọi người nghĩ đến việc trợ cấp tiền bạc, lương thực, nhu yếu phẩm… chứ không chờ đợi một sự tư vấn, định hướng trên các lĩnh vực xã hội”, anh Mai Đức Vũ, cán bộ của trung tâm cho biết.

Chính vì vậy, theo chị Trương Thị Như Hoa, vấn đề cần thiết là nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng về nghề CTXH chuyên nghiệp để có sự thống nhất trong hành động, nâng cao vai trò của nghề trong đời sống xã hội. “Mặc dù đã được công nhận trên văn bản, giấy tờ, nhưng đến nay, cán bộ, nhân viên hoạt động trên lĩnh vực này vẫn chưa chính thức được định danh bằng việc cấp mã ngạch, áp dụng bậc lương và cả chứng chỉ hành nghề để có thể sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ”, chị Như Hoa bày tỏ.

Điều đáng mừng là qua triển khai thực hiện Quyết định 32, một số trường đại học, cao đẳng đẩy mạnh đào tạo ngành CTXH để hướng đến cung cấp nguồn nhân lực ngày càng chuyên nghiệp trên lĩnh vực này. Trần Thị Hương, tư vấn viên của Trung tâm CTXH thành phố Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp ngành CTXH của Đại học Quy Nhơn đã có đủ tự tin để theo nghề.

“Mặc dù là nghề mới mẻ, nhưng xu hướng của xã hội hiện đại với những vấn đề nảy sinh phức tạp, thì nghề CTXH hứa hẹn sẽ có một chỗ đứng và phát huy tích cực vai trò của mình. Nhất là ở một môi trường làm việc năng động như Đà Nẵng, thì người làm nghề CTXH sẽ có cơ hội thể hiện được mình; qua đó tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội; trong đó có cả việc can thiệp kịp thời để giải quyết những vấn đề thuộc về góc khuất của đời sống”, Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Cùng với việc được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, thì theo anh Mai Đức Vũ, điều quan trọng với người làm nghề CTXH phải được tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp một cách thường xuyên và có bài bản. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp để phục vụ cho hoạt động CTXH vẫn còn hạn chế; các hoạt động tập huấn và nâng cao tình độ chuyên môn  nghiệp vụ dành cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm CTXH vẫn còn ít do chưa được quan tâm một cách đúng mức.

“Người làm CTXH được đào tạo từ các trường có chuyên ngành CTXH có ý nghĩa quyết định; nhưng theo bản thân tôi, nếu chỉ được đào tạo về chuyên môn mà thiếu đi các kỹ năng, năng khiếu và niềm đam mê thì cũng chưa là nghề CTXH một cách tốt nhất. Vì vậy, cần phải điều hòa các yếu tố này để có đủ nhiệt huyết và kiến thức theo nghề một cách tốt nhất!”, anh Mai Đức Vũ đúc kết sau một thời gian dài theo đuổi nghề CTXH của mình.

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.