Hội nghị Quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ 3 năm 2015 và Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai kéo dài từ ngày 1-3-2015 đến hết ngày 6-3-2015 tại các địa điểm khác nhau thuộc Hà Nội và Quảng Ninh với sự tham gia của 151 đại biểu quốc tế đến từ 43 quốc gia và các vùng lãnh thổ; các nhà văn, nhà thơ, dịch giả tiêu biểu đến từ khắp các vùng miền trên cả nước.
Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam tiếp nối với Hội thảo về văn xuôi: “Văn xuôi Việt Nam – Hội nhập và phát triển” do nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì; và Hội thảo mang chủ đề “Thơ Việt - Nơi lưu giữ tâm hồn Việt” do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam điều hành.
Nếu bên văn xuôi, tham luận “Văn xuôi Việt Nam hiện đại trong hội nhập và phát triển” của Giáo sư Phong Lê mở đầu hội thảo, đưa các vị khách quốc tế hành trình xuyên một thế kỷ văn xuôi Việt Nam, hay phát biểu của nhà văn lão thành Nguyễn Xuân Khánh (tác giả tiểu thuyết trường thiên: “Mẫu Thượng Ngàn, “Đội gạo lên chùa”) hoặc tham luận của nhà văn quân đội đang kỳ sung sức: Sương Nguyệt Minh gây ấn tượng; thì ở hội thảo thơ, qua đề dẫn “Hội thảo Quốc tế Thơ Việt - Nơi lưu giữ tâm hồn Việt”, nhà thơ Bằng Việt khái quát được nét chung nhất của tâm hồn Việt thể hiện qua thơ ca; và nền tảng chung ấy vẫn còn truyền thừa đến hôm nay. Các tham luận đáng chú ý khác của nhà thơ Vũ Quần Phương (“Phác thảo tiến trình thơ Việt”), nhà thơ Vương Trọng “Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thấm đẫm tâm hồn dân tộc”… cùng vài cảm nhận tinh tế của các vị khách quốc tế, là nhà thơ, dịch giả thơ, rất được hoan nghênh.
Nghĩa là chỉ có ta ca ngợi ta, ca ngợi suông vậy thôi. Và bạn văn quốc tế tham gia ca ngợi ta. Thực tế thế nào?
Khoảng không gian các pa-nô thơ chỉ xuất hiện các nhà thơ thế hệ chống Mỹ tiêu biểu mà không thấy đâu tác giả đương đại, trong khi đại đa số họ đang bước sang tuổi lục thập rồi còn gì. Vậy thơ Việt Nam hiện nay đang ở đâu? - Không ai biết. Khách ngoại quốc muốn nhìn tận mắt các tập thơ của các nhà thơ tiêu biểu nhất, cũng không thấy đâu. Ở Hà Nội không thấy, ở Bắc Ninh hay Quảng Ninh cũng không. Chỉ thấy vài tác giả chạy đi chạy lại tiếp thị tập thơ mình với bạn thơ nước ngoài, thấy mà tủi. Phần thơ được đọc thì hiếm có thơ hay.
Festival thơ để làm gì nếu không tạo được mối liên kết bền chặt qua sự giới thiệu được nền thơ độc đáo của dân tộc, trình làng quốc tế các khuôn mặt thơ Việt Nam tiêu biểu, và nhất là giới thiệu được các giọng thơ hay?
May mắn thay ta vẫn có thể bắt gặp vài giọng thơ đặc sắc ở đó, xin giới thiệu cùng bạn đọc hai tác phẩm của nhà thơ Mūesser Yeniay và Trần Quang Quý.
INRASARA