.
Phương hay Thuốc quý

Cần đẩy mạnh trồng và sử dụng đảng sâm Việt Nam

.

Một chuyên gia sinh kế của Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên – FLITCH đã tìm gặp tôi để tham vấn nên chọn cây thuốc nào để thực hiện đạt hiệu quả cao cho mục tiêu dự án đó.

Đảng sâm.
Đảng sâm.

Được biết chuyên gia này vừa có chuyến khảo sát mô hình trồng cây ba kích khá thành công của đồng bào Cơtu ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam), nhưng theo tôi, nếu như chỉ chọn một cây thuốc, thì đó nên là cây đảng sâm.  Vì sao phải là đảng sâm, bài viết này xin lý giải rõ hơn về ý tưởng này.

Đảng sâm, theo Dược điển Việt Nam II quy định là rễ đã phơi hay sấy khô của cây đảng sâm Codonopsis javanica (Blume) Hook f. và một số cây cùng chi thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae) có nhiều ở Trung Quốc (TQ). Riêng cây đảng sâm Codonopsis javanica, có nhiều tên địa phương như mằn rày cáy (Tày), co nhả dòi (Thái), cang hô (H’Mông), đùi gà, sâm leo, sâm dây Ngọc Linh, sâm rừng… là một loài bản địa Việt Nam. Loài này phân bố khá rộng trên địa bàn miền núi 14 tỉnh, thành nước ta, tập trung nhiều nhất ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang… và vùng núi Ngọc Linh (Kon Tum, Quảng Nam), vùng Đà Lạt (Lâm Đồng). Tại miền Bắc từ năm 1961, ngành dược đã bắt đầu khai thác cây đảng sâm này.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cây này cũng đã được ngành dược quân dân y Khu V khai thác làm thuốc bổ tăng lực cho bộ đội, cán bộ, như đưa vào sản xuất viên Đại bổ hoàn cùng với một vài dược liệu khác. Đặc biệt, trong giai đoạn 1978-1990, khi quan hệ Việt - Trung căng thẳng, dược liệu này đã bị khai thác triệt để phục vụ nhu cầu trong nước trong khi không có kế hoạch nuôi trồng tái sinh phù hợp, nên dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên cây thuốc tự nhiên. Đến năm 1996, đảng sâm đã được đưa vào “Sách đỏ Việt Nam” để lưu ý bảo vệ.

Đảng sâm là một loại thuốc bổ khí thông dụng, là đầu vị của hầu hết các bài thuốc bổ khí huyết, bổ tỳ vị, chữa bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể, thích nghi với mọi lứa tuổi, giới tính. Ðảng sâm với liều cao có thể dùng thay thế nhân sâm, nên người ta thường ví đảng sâm là “nhân sâm của người nghèo”. Theo kinh nghiệm sử dụng của chúng tôi trong nhiều năm qua, dược liệu đảng sâm của ta hoàn toàn có khả năng thay thế được đảng sâm TQ, vừa hiệu quả, vừa an toàn hơn rất nhiều.

Hiện nay, nhu cầu về đảng sâm trên thị trường dược liệu trong nước rất lớn, theo ước tính của chúng tôi, có thể trên 1.000 tấn mỗi năm (chừng 2% tổng lượng dược liệu tiêu thụ). Hầu hết (trên 95%) đảng sâm chúng ta đang sử dụng đều nhập từ TQ theo đường buôn bán tiểu ngạch nên rất khó quản lý về giá cả và chất lượng (các loại đảng sâm TQ trôi nổi có độ ẩm rất cao nhưng để lâu không mốc mọt có khả năng tẩm chất bảo quản không kiểm soát được). Chỉ trong vòng 2-3 năm gần đây, giá đảng sâm TQ trên thị trường tăng chóng mặt gấp 4-5 lần, nên có nhiều bệnh viện không mua được để cung ứng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế. Đây là một thực trạng rất đau xót cho ngành dược liệu nước nhà.  

Đứng trước tình hình này, ngành dược liệu cần gấp rút có một chiến lược bảo tồn, phát triển sản xuất bền vững và phát huy sử dụng cây đảng sâm bản địa, dần dần tiến tới thay thế cho các loài đảng sâm nhập ngoại. Được biết, hiện nay Bộ Y tế cũng đã đưa cây đảng sâm vào danh mục 40 dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường.

Cây đảng sâm, ngoài nhu cầu về số lượng rất lớn, giá trị kinh tế cao, còn có nhiều ưu thế như địa bàn phân bố rộng (không hạn hẹp như sâm Ngọc Linh), thời gian có thể thu hoạch chỉ 18-20 tháng (ngắn hơn 1 năm so với ba kích), rất thích hợp với đồng bào miền núi có thể trồng đại trà hoặc xen canh với các loài cây khác như (như cây bắp) trên các nương rẫy để góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo…

Vì vậy, theo chúng tôi, ngành dược liệu cần gấp rút quy hoạch vùng trồng, xây dựng các quy trình nhân giống, kỹ thuật nuôi trồng, sơ chế dược liệu, phối hợp cùng các địa phương vận động nhân dân, doanh nghiệp đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất dược liệu này, phát triển thành cây hàng hóa của địa phương; góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cần tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu hơn về thành phần, tính năng tác dụng của đảng sâm Việt Nam, để công bố trên báo chí, phổ cập trong giới thầy thuốc Đông y biết sử dụng cây thuốc quý này thay thế cho dược liệu đảng sâm TQ.

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, một số bà con đồng bào các dân tộc cũng như một số đơn vị kinh doanh cũng như chính quyền địa phương đã bắt đầu có định hướng nuôi trồng sản xuất với quy mô nhỏ và vừa cây thuốc quý này, điển hình như người dân tại xã Ch’Ơm (huyện Tây Giang, Quảng Nam) hay Công ty TNHH Thái Hòa ở Kon Tum. Được biết, gần đây Trung tâm ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tỉnh Kon Tum đang thực hiện nhân giống bằng hạt và củ, từ đó tiến tới mở rộng sản xuất, phát triển đảng sâm trong tự nhiên. Thiết nghĩ, thành phố Đà Nẵng cũng nên nghiên cứu trồng thử nghiệm cây này ở một số xã miền núi huyện Hòa Vang.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.