.

Thơ Đà Nẵng hôm nay

.

Những cách nhìn, quan niệm về thơ và thơ Đà Nẵng hôm nay đã được các nhà thơ, nhà nghiên cứu, người yêu thơ bày tỏ, trao đổi, tranh luận thẳng thắn tại tọa đàm “Thơ Đà Nẵng hôm nay”, do Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp với Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tổ chức vừa qua.

Theo nhà thơ Đông Trình, tồn tại của thơ chính là tồn tại của cuộc đời này. Ảnh: T.T
Theo nhà thơ Đông Trình, tồn tại của thơ chính là tồn tại của cuộc đời này. Ảnh: T.T

Băn khoăn tìm lối

10 tham luận và các ý kiến tại tọa đàm theo những cách thức khác nhau ít nhiều đã nhận diện, đánh giá dung mạo thơ Đà Nẵng hôm nay trong sự đối sánh các khái niệm, hình thức, trường phái biểu đạt thơ, trong trường địa phương, quốc gia và thế giới. Một nhìn nhận khá nhất quán là thơ Đà Nẵng có thành tựu nhất định, nhưng hiện vẫn chưa đạt ngưỡng như mong đợi. Những từ, cụm từ “hiếm”, “rất hiếm” “ít” hoặc “gần như không có”… được các tác giả dùng phổ biến để tìm thơ “hay”, thơ “lạ”, thơ “giàu tham vọng” của bức tranh thơ Đà Nẵng trong thời gian gần đây.

Nhà thơ Trần Tuấn nhận định: “Đời sống thi ca gần đây ít dần hoặc không có những tập thơ, tác giả thơ mang tham vọng thể hiện những tư tưởng, suy tưởng lớn của thời đại và thân phận con người - loài người”. Hay nhà thơ Nguyễn Minh Hùng - tác giả của tập Thiên di, ít nhiều đem lại tiếng vang trong dư luận thơ gần đây thì cho rằng “thơ Đà Nẵng còn im lìm. Thơ hay, thơ như một hiện tượng mới lạ ở Đà Nẵng nhiều năm qua còn rất hiếm, có lúc gần như không có…”.

Bên cạnh đó, thực tế độc giả của thơ mỗi ngày mỗi thưa vắng là điều khiến người nặng lòng với thơ băn khoăn. Tác giả Đinh Thị Như Thúy với tham luận “Thơ và sự tồn tại của thơ” bày tỏ: “Thơ và người làm thơ nhiều lên, trong khi sự yêu thích mến chuộng dành cho thơ ở người đọc thì ít lại. Đó như là một nghịch lý”. Thậm chí, theo nhà thơ nữ này, nhắc đến thơ và người làm thơ ngày nay sẽ ít nhiều đem lại thái độ vừa ngao ngán, vừa ngậm ngùi đối với chính người trong cuộc. Nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Anh Đào cũng cho rằng ngày nay, người tri âm với thơ quá ít. Ít ai còn mặn mà ngồi đọc một tập thơ nếu như đó không phải là thơ một người bạn, một hội viên, hay tập thơ “bị tặng”… Vậy vấn đề đặt ra là thơ còn có ý nghĩa, vai trò gì trong đời sống hôm nay?

Đòi hỏi cách tân

Một trong những vấn đề khiến tọa đàm về thơ Đà Nẵng hôm nay thực sự “nóng” là câu chuyện về thơ mới, thơ cũ, về đòi hỏi tất yếu của một cuộc cách tân thơ. Theo nhà thơ Nguyễn Thị Anh Đào thì đã đến lúc người làm thơ cần đổi mới để làm mới chính cảm xúc, tư duy của bản thân để cống hiến cho người đọc những dòng cảm xúc thật và giàu sức nặng. Bởi nói như nhà thơ Đinh Thị Như Thúy thì “cái bẫy rất dịu dàng” mà người làm thơ dễ mắc phải đó là sự lạm dụng những từ ngữ, định ngữ sáo mòn. Sự nhàm chán, sáo mòn của ngôn ngữ chính là một trong những cách “giết chết thơ”. Vậy nên, người mạnh dạn cách tân thơ cần biết vượt qua nhiều cái bẫy ngôn từ như thế.

Trong cái nhìn trực diện, nhà thơ Trần Tuấn cho rằng, cách tân thơ là đòi hỏi quá gấp gáp của thực tại, khi thế giới hiện đại đang tạo ra “những náo loạn, phân ly ghê gớm về tâm thức”. “Náo loạn nội tâm thi ca của người làm thơ chính là lúc này đây, khi đời sống, thời đại đang liên tục quất đau điếng vào chúng ta vô vàn phức cảm rối bời, khóc cười ly loạn. Từng cung bậc, âm giai ngôn ngữ, thi ảnh không còn toàn vẹn mà bị xé rơi, bị bứng, bị quăng quật… Vậy thì tại sao bạn vẫn cứ bình thản, chậm rãi và duyên dáng đi trên lối cũ bình thường?”, nhà thơ Trần Tuấn nói. Nhiều ý kiến tại hội thảo đồng quan điểm rằng, có những cái mới, cái “lạ” bước đầu có thể khó tìm được sự đồng cảm nhưng đó được coi là thử thách cần có đối với người làm thơ trong giai đoạn hiện nay. Một bài thơ lặp lại chính mình hoặc người khác thì đều không có lý do để tồn tại.

Có mặt tại buổi tọa đàm với một góc nhìn khá điềm đạm và sâu sắc, TS Nguyễn Khắc Sính, giảng viên Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, thơ cũ, hay thơ mới, thơ tân hình thức cần được nhìn nhận một cách bao quát và tỉnh táo. Có cái mới mang tính khai phá, chưa từng xuất hiện, nhưng cũng có những cái mới từ trong cái cũ. Đó đều là những cái mới, sự tân tiến thực thụ và để tạo được hai cái mới trên thì không biết cái nào khó hơn. Cũng theo TS Nguyễn Khắc Sính, đánh giá thơ hay hay dở, mới hay cũ còn tùy thuộc vào sự tiếp nhận của người đọc. Đối với người làm thơ theo lối nào đi nữa thì đều cần cảm xúc mãnh liệt, nhưng cái nhìn thì điềm tĩnh, bao quát chứ không nên “hốt hoảng, cuống quýt” trước hiện thực bề bộn, nhiều chiều hôm nay.

Tồn tại của thơ chính là tồn tại của cuộc đời này

Trong khi nhiều người tỏ ra e dè, lo ngại cho sự tồn tại của thơ trong đời sống ngày nay thì nhà thơ Đông Trình quả quyết, tồn tại của thơ chính là tồn tại cuộc đời này. Vì vậy, thơ sẽ là tiếng nói muôn thuở của con người, của cõi nhân sinh. Và theo Đông Trình, khi thơ như là “miếng ăn trong lúc đói”, chính là lúc thơ tìm được chỗ đứng đích thực trong cuộc sống, trong mọi thời đại.

Làm thơ phải “làm đến Z”, đến cái tận cùng của cảm xúc, của rung động, của tư duy, quan niệm, của cuộc đời, thân phận người, một cách giản dị và khiêm nhường nhất. Khi đó, thơ đích thực là thơ và nhất định sẽ có chỗ đứng, cho dù đó là thơ mới hay cũ. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, người làm thơ trước hết cần là chính mình, tránh a dua, học đòi, sính chữ.

Còn nhà thơ Phạm Phát cho rằng, thơ là “màu sắc ngoài màu sắc, mùi vị ngoài mùi vị” nên không thể lấy cách nhìn, khẩu vị thông thường để nhận diện thơ. Tác giả của tập thơ rất mới - Một giọt không bàn nhiều về tính tất yếu của việc đổi mới hay cách thức đổi mới thơ như thế nào, nhưng theo ông, thơ hay không nhất thiết phải tách “lá vàng” khỏi mùa thu. Sẽ có những bài thơ thu tràn ngập lá vàng, tràn ngập những định ngữ quen thuộc khi nhắc đến mùa này nhưng vẫn hay và mãnh liệt sức sống.

Cuộc tọa đàm khép lại khi những tranh luận dường như chưa tới hồi kết, vẫn còn đó những câu hỏi về thơ có thể chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng nhất. Và ngay khi bắt đầu, không phải không có những quan ngại về tính thiết thực của loại hoạt động học thuật còn khá khiêm tốn này tại Đà Nẵng, thì với những người yêu thơ, buổi tọa đàm về thơ Đà Nẵng hôm nay theo cách nói của nhà thơ Phạm Phát đã thực sự mang lại một “không khí hội thảo, không khí khoa học bổ ích”. Đó có thể là một bắt đầu rất nhỏ trong nhiều bắt đầu cho những kỳ vọng về thơ Đà Nẵng nói riêng, thơ - tiếng lòng muôn thuở của con người nói chung.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.