.
Giới thiệu sách

Nguyễn Công Trứ với Thông reo Ngàn Hống

.

Những ai có hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam đều biết Nguyễn Công Trứ “là một nhân vật lịch sử lỗi lạc, độc đáo, giàu cá tính bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, là nguồn cảm hứng phong phú cho sáng tạo nghệ thuật…”(GS.Trần Đình Sử).

 

Từ kinh nghiệm viết tiểu thuyết Nguyễn Du (năm 2010) và tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông (năm 2013) viết về bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã dồn rất nhiều tâm huyết cho tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống viết về Nguyễn Công Trứ.

So với Nguyễn Du - nếu chỉ xét về khía cạnh nghệ thuật nhân vật tiểu thuyết, thì “dựng” Nguyễn Công Trứ “thú vị” hơn, nhưng đồng thời nhà văn đứng trước những thách thức, những yêu cầu đa dạng hơn. Nguyễn Công Trứ trải cả 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, hoạt động trên một bối cảnh rộng lớn, trải suốt từ vùng đất ven biển đồng bằng Bắc Bộ mà ông là người “khai sinh” đến tận miền biên giới Tây Nam Tổ quốc, hết đóng vai đại quan ở Huế đến cảnh phải làm anh lính chăn bò trên đất Quảng, rồi còn niềm đam mê ca trù và những cuộc tình rất khó kể hết của ông nữa. Vì thế, dung lượng Thông reo Ngàn Hống cũng lớn hơn Nguyễn Du. Nếu miêu tả hết thì phải viết cả bộ tiểu thuyết nhiều tập, nhưng, từ bản thảo dày cộp gần ngàn trang hoàn thành đầu năm 2014, tác giả đã “cô đúc” còn hơn 600 trang.

Nghĩ đến Nguyễn Công Trứ chúng ta thường nhớ đến những công lao của ông và không ít người chỉ chú ý tới những giai thoại về tính ngất ngưỡng, phớt đời cũng như những cuộc tình bất tận của ông. Trong Thông reo Ngàn Hống, mối tình Nguyễn Công Trứ-Hiệu Thư đẹp như một thiên tình sử. Hiệu Thư là đào nương có sắc, có tài, yêu Nguyễn nhưng lại vội đi lấy thương gia ở xa cho Nguyễn lập công danh thỏa chí làm trai. Sống với Nguyễn - Tổng đốc Hải Yên, nhưng rồi nàng vẫn quyết ra đi theo tiếng hát tiếng đàn. Về sau, nàng đi tìm Nguyễn, nhưng lại sợ quân quyền, nên trốn đi tu để Nguyễn yên ổn. Sống trong chốn Thiền, nàng vẫn mong cho Nguyễn thỏa khát vọng nơi trần thế… Đoạn tác giả đưa bài thơ Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi của Nguyễn Công Trứ khá thú vị, với 2 câu cuối (“Cuộc hành lạc được bao nhiêu là lãi đấy / Nếu không chơi, thiệt ấy ai bù”), với lời Nguyễn Công Trứ giải thích về hai chữ “hành lạc” thể hiện một quan niệm sống mạnh mẽ và táo bạo: “Hành lạc là vui sướng đến tận cùng, vui hết mình. Cái vui đó là: cầm, kỳ, thi, họa, là tửu và… mỹ nhân. Không có mỹ nhân, đời chúng ta nghèo lắm…”.

Có lẽ cần nói thêm: Nguyễn Công Trứ không khước từ bản năng trong quan niệm “hành lạc”, nhưng ông thiên về ngưỡng mộ cái Đẹp, nhất là với Hiệu Thư. Và không chỉ có Hiệu Thư; hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm đều là những nhân vật đẹp: từ bà vợ cả của Nguyễn là Đặng Thị Minh cho đến các đào nương. Nhưng Nguyễn Thế Quang đã không sa đà theo những chuyện đó, tác giả tập trung miêu tả nỗi đau đời của Nguyễn Công Trứ với cốt cách của một đại trượng phu tài hoa, hết sức chú ý khai thác tâm trạng, đi sâu vào khát vọng, sự giằng xé nội tâm, chú ý thể hiện những sự đối lập mà nhất quán trong con người ông.

Tác giả đã hư cấu những cuộc hội ngộ giữa các danh sĩ đương thời như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Nguyễn Hàm Ninh… khá thú vị, không chỉ góp phần nâng tầm văn hóa của tác phẩm mà tạo cơ hội cho các nhân vật bày tỏ tâm trạng sâu thẳm trong lòng mình và cũng là nơi để gửi gắm những ý tưởng của tác giả. Xin dẫn một đoạn miêu tả những giằng xé của Nguyễn Công Trứ khi ông gặp lại Cao Bá Quát, trong lúc ông bị kẻ xấu vu oan rồi bị đày làm lính chăn bò ở một vùng rừng xứ Quảng:

“…Giữa trời cao đêm vắng, gió lộng mà Nguyễn cảm thấy ngột ngạt. Nhìn Cao, nghĩ mình, Nguyễn tự hỏi ta là gì đây? Có còn được là người? Quan lại, kẻ sĩ, đều là nô lệ cả ư? Phải! Không được nghĩ khác quân vương, không được làm khác quân vương, không được sống khác ý của quân vương thì không phải nô lệ là gì. “Quan trường nô lệ thị trung nô lệ”, lời của người xưa đâu có sai. Thế mà tưởng làm quan sẽ thực hiện được chí lớn của mình…”.

Tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống có rất nhiều trang như thế, nên đúng như quan điểm viết tiểu thuyết lịch sử của tác giả là “để khám phá bản chất đời sống đã qua nhằm đối thoại với thực tại, hướng đến sự tiến bộ…”.

Với tinh thần đó, nhiều sự kiện lịch sử được soi rọi, miêu tả không “đơn giản” như trong các cuốn sách lịch sử. Ví như sự kiện thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, trong khi các trang sử chú ý việc mất 6 tỉnh Nam Kỳ và tiếng súng kháng chiến bắt đầu từ mặt trận Đà Nẵng rạng sáng 1-9-1858 thời Tự Đức, thì tác giả lại chọn miêu tả khung cảnh triều đình Huế từ góc nhìn của Nguyễn Công Trứ khi vua Thiệu Trị và Trương Đăng Quế, Nguyễn Tri Phương “tung hô” lẫn nhau sau chiến công ở biên giới Tây Nam:

...“Phụng mệnh Hoàng thượng ta chỉ bảo mưu sâu, đôn đốc tướng sĩ… một trận đánh đạp bằng lũy sắt, thế như đốt nắm lông, muôn giặc đầu hàng, khí giới thu về chất cao như núi…”. Giọng Phương vẫn sang sảng, Hoàng thượng đắc ý” ban thưởng cho các quan và “vui vẻ nói: “Bản tấu của Tri Phương có câu rất hay: Bờ cõi thanh bình gặp hội, muôn dân vui vẻ phụ thành, quốc thái dân an, trăm cõi an phong thịnh…”. Chính lúc đó, “quan trấn Đà Nẵng hộc tốc chạy vào phủ phục cấp báo: “Muôn tâu bệ hạ. Quân Tây dương nổ súng, bắn chìm tất cả thuyền bọc đồng của ta”… Trận đánh ấy, 5 chiến thuyền bọc đồng với các danh hiệu kêu… hơn chuông đều bị bắn vỡ, “lãnh binh Nguyễn Đức Chung, Hiệp quản Lý Điển bị chết tại trận, biền binh chết hơn 40 người, bị thương 90 người, còn 140 người không biết trôi dạt đâu…”. Có thất bại ấy, vì chế độ “bế quan tỏa cảng”, triều đình - kể cả ông “vua hiền” Thiệu Trị và danh tướng Nguyễn Tri Phương, không biết gì thế giới đã thay đổi, không biết Anh đã chiếm đóng Hương Cảng, và ngày 20-10-1844, Pháp ký Hiệp ước Hoàng Phố với Trung Hoa...  - cứ say sưa ca tụng nhau về chiến thắng ở Tây Nam...

Một cách nhìn lịch sử như thế, gợi chúng ta nhiều suy ngẫm về trách nhiệm của người đứng đầu, của trí thức với vận mệnh đất nước. Trong Thông reo Ngàn Hống, qua một loạt nhân vật - có người biết sống, biết lập công, lập danh, có người phải mòn mỏi trong chốn cung đình, có người bỏ áo mũ cân đai mà rong chơi, có kẻ chỉ biết xu nịnh cho đẹp lòng quân vương; lại có kẻ tốt bụng, chân thành nhưng tầm nhìn hẹp nên đã kéo lùi lịch sử và có cả người muốn làm tôi trung mà bị dồn đến cảnh phải vùng lên làm giặc (như Cao Bá Quát) - tác giả muốn khẳng định: cùng với quân vương nắm quyền lực cai quản giang sơn, những trí thức phải chịu trách nhiệm trong mọi sự hưng vong của Tổ quốc…

Với một nhân vật đa dạng như Cao Bá Quát, hẳn là bạn đọc có thể còn đòi hỏi nhiều hơn, nhưng với Thông reo Ngàn Hống, có thể nói nhà văn Nguyễn Thế Quang không chỉ đã cắm thêm một “cột mốc” trên con đường sáng tác của mình mà cả trong thể loại tiểu thuyết lịch sử ở nước ta hiện nay.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.